Một thế kỷ Bảo tàng Chămpa

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 27/07/2015 16:21

(QNO) - Từ khi xuất hiện cái tên "Le Mussee' Cham de Tourane" năm 1915 trên tạp chí của trường Viễn Đông Bác Cổ đến nay, Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm - Đà Nẵng, như tên gọi ngày nay, đã trải qua tròn một thế kỷ.

1. Giám đốc bảo tàng hiện nay, thạc sĩ  Võ Văn Thắng cho rằng, giữa những biến cố của đất nước, sự ra đời, tồn tại và phát triển của bảo tàng này là một thành quả đã gắn liền với những nỗ lực và tâm huyết của những nhà nghiên cứu và nhà khoa học. Thật vậy, nếu người đầu tiên là Henri Parmentier đã mất đến 17 năm kiên trì để tạo nên một vóc dáng đầu tiên, thì rất nhiều nhà khảo cổ, nhà khoa học kế tiếp ông cũng đã có những đóng góp không nhỏ. Sự tồn tại và phát triển trong một thế kỷ đó, còn có vai trò của các nhà chính trị. Việc khánh thành thêm ba phòng trưng bày năm 1936 đã có sự hiện diện của vua Bảo Đại và Toàn quyền Đông Dương lúc bấy giờ. Năm 1972, tổng thống Mỹ Richard Nixon gởi công điện đến chỉ huy quân đội Hoa Kỳ: “Nhà Trắng mong muốn rằng bằng tất cả các giải pháp có thể, cần đảm bảo cho di tích không bị tàn phá bởi hoạt động quân sự” (tài liệu của USIS phát hành tháng 9.1972). Cũng trong chiến tranh, trước khi tiếp quản Đà Nẵng, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Hồ Nghinh đã căn dặn: “Phải có kế hoạch bảo vệ Mussee Chàm”!

Theo tài liệu lưu trữ của bảo tàng cho đến nay, người ta cũng được biết nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới như Tổng thống Chirac (Pháp), Tổng thống Nathan (Singapore) và các đời chủ tịch nước Việt Nam đều dành nhiều quan tâm, đánh giá về bảo tàng này như một “kho báu nghệ thuật”, một “sưu tập ấn tượng”. Nhiều cuộc triển lãm danh giá ở Mỹ, Pháp đã trưng bày các hiện vật của Bảo tàng Nghệ thuât Chăm để giới thiệu với thế giới một di sản độc đáo của Việt Nam. Các nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Đức, Mỹ trong các bài viết của họ cũng đã không tiếc lời ca ngợi. Nathan Lauer, môt nhà nghiên cứu Hoa Kỳ đã viết: “Đây thực sự là một kho báu của Việt Nam nói riêng, và của cả nhân loại nói chung. Bảo tàng là thành tựu to lớn của nhân dân Việt Nam, của những người đi đầu, đã trực tiếp tham gia trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa qua nhiều thập niên…”.

2. Trong dịp kỷ niệm một thế kỷ tồn tại và phát triển của Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm, các nhà khoa học đều có nhận định sâu sắc về vai trò của khảo cổ học và tâm huyết của các nhà khảo cổ.

Theo Tiến sĩ Lê Đình Phụng, đến đầu thế kỷ 20, các học giả người Pháp đã khai quật tại các di tích như Mỹ Sơn, Đồng Dương, Chánh Lộ, PoNagar, Trà Kiệu, Quảng Bình, Tháp Mẫm… đã góp phần làm phong phú các bộ hiện vật cho bảo tàng. Nhưng các khai quật của người nước ngoài đa phần đã dừng lại ở “khảo cổ học nghệ thuật” và hầu như kết thúc từ năm 1935 với di chỉ Tháp Mẫm.

Từ sau năm 1975 đến nay, vai trò khảo cổ học có nhiều thuận lợi với sự có mặt của các nhà khảo cổ Việt Nam, sự hợp tác rộng rãi với nhiều chuyên gia, trung tâm nghiên cứu lớn của thế giới như UNESCO, Ba lan, Đức Ý, Nhật…. Do vậy, khảo cổ học về Chămpa được tiến hành toàn diện hơn (phế tích, kiến trúc tháp, thành cổ, di chỉ cư trú, các lò gốm cổ, điêu khắc…), nhằm tìm hiểu về văn hóa Chămpa trong lịch sử và sự đóng góp của nó trong văn hóa chung của dân tộc.

Trong xu thế đó, nhiều cuộc khai quật vùng Đà Nẵng, như Phong Lệ, Xuân Dương, Quá Giáng… một cửa ngõ giao lưu của Vương quốc Chăm trước đây đã mang lại nhiều kết quả lý thú với nhiều hiện vật quý hiếm như bi ký Khuê Trung, phù điêu Siva - Phong Lệ, kim loại vàng, gốm, thạch anh… Những kết quả đó đã giúp cho Bảo tàng Nghệ thuật Chăm Đà Nẵng bước vào năm thứ 100 với một bộ sưu tập và trưng bày mới bên cạnh “Phòng Quảng Nam” khiến nhiều người tham quan khá bất ngờ…
3. Một trăm năm tồn tại và phát triển của Bảo tàng nghệ thuật điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã tạo cho Đà Nẵng và Quảng Nam một địa chỉ văn hóa độc đáo, tạo ra mối quan tâm đặc biệt của thế giới về nghiên cứu và bảo tồn văn hóa nghệ thuật cổ với những mối quan hệ hợp tác quý giá. Sau một trăm nay tồn tại, giờ đây mỗi năm bảo tàng này đã thu hút hơn 2 trăm ngàn lượt khách quốc tế đến tham quan, chưa kể nhiều đoàn nghiên cứu văn hóa, nghệ thuật của các trường học trong nước và trên địa bàn.

Hiện vật được phát hiện nhiều hơn từ sau năm 1975 đến nay, lượng khách đến càng nhiều đã khiến cho cơ sở hạ tầng, điều hiện bảo quản những hiện vật vô giá ở đây trở thành “chiếc áo chật”.

Tại hội thảo nhân 100 năm mới đây cũng có nhiều ý kiến lo ngại về những bất cập đó. Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Đà Nẵng, ông Bùi Văn Tiếng cho rằng, cần giữ lại nguyên trạng hiện nay của bảo tàng và đề xuất giải quyết “bài toán quá tải” bằng cách xây dựng một bảo tàng điêu khắc Chămpa mới tại quần thể di tích Chăm làng Phong Lệ, thuộc quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng).

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một thế kỷ Bảo tàng Chămpa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO