Nhận tin thủ trưởng cũ Lê Ba - nguyên Giám đốc Lâm trường Trà My, Giám đốc Xí nghiệp Liên hợp lâm nghiệp 1, Giám đốc Xí nghiệp liên hiệp Lâm nông công nghiệp Trà My, một giám đốc giỏi cấp quốc gia vào những năm 1980 qua đời, tôi không khỏi nghẹn ngào xúc động. Mới hôm nào đây thôi chúng tôi đến thăm, ông còn nhớ tên và tính nết từng người, còn chia sẻ những khó khăn gian khổ anh em dưới quyền đã trải. Vậy mà…
Khi thủ trưởng cũ Lê Ba bị đau, anh Huỳnh Thơ - Trưởng ban Liên lạc cựu điều tra quy hoạch lâm nghiệp khu vực Tam Kỳ điện báo cho tôi biết và hẹn thời gian đi thăm. Đúng hẹn, chúng tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở số 301 đường Trần Cao Vân, TP.Tam Kỳ. Dù mệt và rất yếu trước căn bệnh hiểm nghèo nhưng thấy chúng tôi đến, ông tỏ ra mừng rỡ, gượng dậy đon đả hỏi: “Anh em Điều tra có khỏe không?”. Nghe ông hỏi, chúng tôi đứng lặng người, bởi ông là giám đốc đã từng quản lý hơn 2.000 cán bộ, công nhân viên với 16 xí nghiệp trực thuộc, ấy mà ông vẫn nhớ những cán bộ Điều tra quy hoạch bình thường như chúng tôi, quả là điều đặc biệt. Anh Thơ cười và hỏi: “Thế chú còn nhớ những ai trong số anh em Điều tra quy hoạch rừng dưới thời chú làm giám đốc?”.
Ông cười: “Chúng mày cứ tưởng rằng tao thờ ơ, dửng dưng với chúng mày hay sao? Nào! Thằng Bộ làm đồ bản kiêm công tác thống kê, sau này chuyển sang phụ trách xây dựng cơ bản này. Thằng Gạch có năng khiếu văn nghệ, hay viết, hay vẽ, lúc đó làm tổ trưởng ngoại nghiệp. Thằng Thắng “ròm” hay nói dóc, thằng Diệu, thằng Kỳ yểu điệu thục nữ, thằng Ngài “Huế”, thằng Trung “khòm”, thằng Huy còn có tên Huy võ sư nữa này, đúng không?”.
Nói đến đây ông dừng, quay về phía anh Thơ và nói: “Còn mày là thằng Thơ, ít nói nhưng hay cười và còn nhiều thằng khác, dù cá tính khác nhau nhưng thằng nào cũng nhiệt tình với công việc. Và cho dù hay “quậy”, nghịch ngợm nhưng thằng nào cũng dễ thương, cũng nhanh nhẹn và đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Cũng như biết bao thanh niên khác, sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, từ nhiều địa phương khác nhau chúng tôi cùng đầu quân vào ngành lâm nghiệp và được điều về Đoàn điều tra quy hoạch trực thuộc Ty Lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau đó được cử đi học lớp nghiệp vụ cấp tốc tại Quy Nhơn (Bình Định), ra trường về đơn vị, đóng chân tại đường Trần Dư, Tam Kỳ. Lúc bấy giờ, chúng tôi cùng với anh em từ chiến khu được tăng cường xuống nhanh chóng hòa nhập, sẻ chia khó khăn, giúp đỡ nhau trong công việc hàng ngày. Nhờ vậy, không lâu sau đó, thanh niên miền Nam chúng tôi đã tiếp cận công việc và sẵn sàng lên rừng, xuống biển hoặc đi bất cứ nơi đâu khi Tổ quốc cần. Với cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng chúng tôi đã hoàn thành khối lượng lớn công việc như thiết kế xây dựng vườn ươm Kỳ Bích (Tam Xuân 1, Núi Thành), Bình Dương, Bình Nguyên (Thăng Bình); thiết kế trồng rừng các xã ven biển; thiết kế trồng rừng khu Di tích lịch sử - văn hóa Tịch Tây (Tam Nghĩa, Núi Thành); thiết kế mặt bằng xây dựng công ty ô tô, công ty cầu đường 1 và một số công trình trọng điểm khác. Tháng 7.1976 hơn 100 anh em chúng tôi được Ty Lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng điều tăng cường về các lâm trường trực thuộc, trong đó có 13 người điều về Lâm trường Trà My. Sau đó, Đoàn điều tra quy hoạch được Ban Lâm nghiệp khu Trung Trung bộ bổ sung thêm một số anh em từ Đoàn 4 về để đủ quân số cho cả 3 Đội và Đoàn được chuyển về số nhà 134 Hùng Vương, TP.Đà Nẵng.
Dù ở Đoàn hay tăng cường về các đơn vị trực thuộc Ty Lâm nghiệp, điều kiện công tác không có gì khác, bởi vừa phải thiết kế trồng rừng, thiết kế khai thác, thiết kế đường vận xuất, vận chuyển, thiết kế tu bổ, khoanh nuôi, rừng phòng hộ, vừa phải điều tra thổ nhưỡng, khí hậu, động thực vật... Khối lượng công việc lớn như vậy trong khi đơn vị chúng tôi chỉ có hơn 30 người. Nhân sự ít nên từ bộ phận nội nghiệp đến ngoại nghiệp đều phải phối hợp nhịp nhàng và đồng bộ. Riêng các tổ ngoại nghiệp phải trực tiếp nằm rừng nhiều ngày, trên lưng lúc nào cũng có chiếc ba lô đầy ắp nhu yếu phẩm và các trang thiết bị phục vụ công tác.
Với đặc thù công việc, chúng tôi đi theo từng nhóm từ 5 đến 7 người và phải ở trong rừng hàng tháng, chế độ ăn uống thiếu thốn, muỗi, vắt rừng và thú dữ luôn đe dọa đến tính mạng. Điều kiện sinh hoạt khó khăn nên đã có không ít anh em bị sốt rét, chúng tôi phải thay phiên nhau khiêng băng qua hàng chục cây số đường rừng để đến trạm xá gần nhất, có người đã qua đời trên đường đi cấp cứu. Thời kỳ này đất nước vừa được giải phóng nên bọn Fulro còn đang hoạt động lén lút trong những cánh rừng ở phía tây nam Trà My, chúng tôi trở thành đối tượng để bọn chúng săn lùng. Trong khi đó, chúng tôi cũng là đối tượng bị lực lượng dân quân của đồng bào các dân tộc theo dõi, bởi trong người chúng tôi lúc bấy giờ được lâm trường trang bị bảo hộ lao động từ quần áo, mũ, giày đi rừng đều là chiến lợi phẩm và ở rừng lâu ngày nên tóc tai người nào cũng chấm đến vai. Do vậy không ít lần chúng tôi được các anh dân quân “triệu” về UBND xã làm việc. Mặc dù có đầy đủ giấy tờ tùy thân nhưng nhiều khi chúng tôi phải nhờ đến Cơ quan quân sự, Công an huyện và Lâm trường can thiệp mới được dân quân địa phương thả.
Chúng tôi thuộc lực lượng lao động nặng nên tiêu chuẩn lương thực mỗi người được 21kg/tháng, tem phiếu thực phẩm được hưởng loại IV. Nhưng vào thời điểm này lương thực khan hiếm nên chỉ hưởng được 30% số gạo, 70% lương thực độn, còn tem phiếu phải xếp hàng, đợi hàng giờ đồng hồ mới mua được miếng thịt, cân đường để cải thiện bữa ăn. Trong khi đó, chúng tôi là những người ở xa trung tâm huyện hàng chục cây số nên phải cải thiện đời sống bằng những mớ rau rừng, những con ốc, con cua đá và bằng những củ sắn rài còn sót lại trong rừng. Đến mùa mưa, hầu hết dòng sông, con suối nước dâng cao khiến điểm chốt quân bị cô lập, chúng tôi đành phải “thắt lưng buộc bụng” để qua ngày, đoạn tháng. Cuộc sống lúc bấy giờ có người “dịch” thành thơ: “Đu đưa chiếc võng giữa rừng/ Anh ngồi, anh giở từng trang sách đời/ Mỗi trang sách, mỗi hình hài/ Có em trong đó hàng ngày theo anh/ Sáng, chiều dạo khắp rừng xanh/ Tối về nghĩ lại mỏng manh quá chừng/ Thác cao, thác đổ mấy tầng/ Đá trơn trợt ngã mỗi lần anh qua/ Không dám nói, chẳng dám la/ Chỉ nhăn mặt hát khúc ca yêu đời...”. Gian khổ là vậy! Nguy hiểm là vậy! nhưng chúng tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần cùng lâm trường khai thác hàng triệu mét khối gỗ tròn để xây dựng các công trình phúc lợi và xuất ra nước ngoài thu ngoại tệ làm giàu cho đất nước; trồng được hàng nghìn héc ta rừng nhanh chóng phủ xanh đất trống đồi núi trọc tạo môi trường sinh thái.
Đồng cảm với chúng tôi, nhưng hình như có điều gì đó khó nói nên đôi mắt ông Lê Ba chớp chớp, một lát sau ông mới cất giọng hỏi: “Đời sống của anh em hiện nay ra sao?”. Biết ông lo lắng nên chúng tôi không giấu ông về cuộc sống cũng như đời tư của một số anh em mà chúng tôi biết được. Tôi nhanh nhảu trả lời: “Thưa chú! Một số anh em sau này tiếp tục tham gia công tác ở chính quyền cơ sở, hội, đơn vị trong và ngoài tỉnh. Mặc dù lương ba cọc, ba đồng, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng cũng đỡ vất vả hơn nhiều anh em khác, bởi có người qua hơn 20 năm công tác nhưng phải nghỉ việc hưởng trợ cấp một lần, hay có người phải nghỉ chế độ mất sức lao động nhưng đến thời hạn giám định sức khỏe trở lại không đủ điều kiện nên bị cắt chế độ, cuộc sống của họ lâm vào cảnh khốn khó. Hiện tại tuổi của những người này hầu hết đã ngoài 50 nhưng phải còng lưng trên chiếc xe đạp thồ hay oằn mình với những xô vữa, những bao xi măng để mưu sinh. Có người do căn bệnh sốt rét rừng tái phát phải nằm một chỗ, có người đã qua đời do ảnh hưởng của những năm tháng ăn uống kham khổ, điều kiện làm việc nặng nhọc và những di chứng của chất độc hóa học do Mỹ thả trong những năm chiến tranh...”.
Nghe đến đây trong sâu thẳm đôi mắt già nua của ông hai giòng lệ ngấn chảy.
Xin phép ra về, chia tay thủ trưởng cũ, trong đầu tôi miên man những suy nghĩ: Điều tra quy hoạch là một trong những công việc không kém phần quan trọng trong ngành lâm nghiệp, bởi đây là lực lượng tiên phong trong việc làm đường vận xuất, vận chuyển, xây dựng bãi gỗ cũng như khai thác gỗ, là thành phần quan trọng trong việc phát triển tài nguyên rừng thông qua quy trình thiết kế tu bổ, khoanh nuôi, trồng rừng và tái tạo rừng. Còn nhớ, tại một hội nghị lớn của ngành Lâm nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức năm 1981, ông Trần Văn Quế - Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp đã nhấn mạnh: “Công tác điều tra quy hoạch là chiếc chìa khóa để mở cửa rừng. Do vậy, chúng ta cần phải quan tâm đầu tư cả về con người cũng như trang thiết bị nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chung của ngành”.
Quan trọng là vậy nhưng hiện nay chẳng còn ai quan tâm và cũng chẳng ai biết đến những con người lúc bấy giờ mới mười chín, đôi mươi, đã không tiếc tuổi thanh xuân của mình để phục vụ ngành lâm nghiệp lớn mạnh. Hiện nay cuộc sống của họ ra sao? Còn hay mất? Chỉ có những người cùng cảnh ngộ thường xuyên thăm hỏi, động viên, giúp nhau trong điều kiện có thể. Còn mỗi ông Lê Ba quan tâm nhưng nay ông cũng đã ra “người thiên cổ”.
NGUYỄN ĐIỆN NGỌC