Một thời làm báo chưa xa

BÙI MINH PHỤNG 30/08/2014 08:23

Làm báo, tôi cầm máy ảnh “chộp” những khuôn hình “minh họa” cho tin, bài phản ánh thông tin sự kiện, vấn đề… đến nay cũng đã ngót nghét ba mươi năm rồi.

Tôi nghĩ, nhiều khi độc giả chỉ cần xem một bức ảnh chất lượng tốt sẽ “thấm thía nội dung - vấn đề”, để lại ấn tượng mạnh hơn đọc một bài báo dài mà nội dung, diễn đạt kém. Cũng vì vậy, có khi xem một bức ảnh không cần lời chú thích, người xem vẫn hiểu nội dung mà tác giả muốn chuyển tải đến độc giả của mình. Tuy vậy, có tin, bài cần phải kèm hình ảnh để tạo nên “gia vị”, làm phong phú nội dung tin, bài. Hình ảnh còn làm cho tờ báo “bắt mắt”, thông thoáng hơn, khiến thị giác thích thú, dễ chịu, ưa nhìn. Khi ảnh đã “hiển lộ thông tin” sẽ kiệm được chữ viết trên mặt báo!

Bìa sách “Hỏi đáp Báo chí  Việt Nam” của Lê Minh Quốc (NXB. Trẻ - 2001).
Bìa sách “Hỏi đáp Báo chí Việt Nam” của Lê Minh Quốc (NXB. Trẻ - 2001).

Còn nhớ, khi mới tái lập tỉnh, trong khi nhiều nhiếp ảnh gia đã sử dụng máy “cáu cạnh” thì nhiều tay máy thuộc báo giới/người chơi ảnh Quảng Nam, còn đì đẹt xài máy ngắm cạnh “cổ lỗ sĩ”, dùng film lát, trắng đen; ai khá hơn thì dùng máy cơ, máy điện tử đi kèm với sử dụng film màu, chứ chưa dùng phổ biến máy kỹ thuật số cùng với cái thẻ nhớ (cả trăm megabyte) như hiện nay. Kể như vậy để thấy rằng, những thập niên trước, anh em làm báo khi hoàn thành bài viết, tìm một tấm ảnh kèm với bài để minh họa thật cực nhọc. Vài phóng viên đi cơ sở nhưng không có máy để chụp ảnh và để tìm một tấm ảnh ưng ý, đáp ứng thời sự, phù hợp với nội dung bài viết thật khó, có được tấm ảnh đạt chất lượng lại càng khó hơn.

Những năm 1999 - 2000, cả Tam Kỳ chỉ có một cơ sở sang rọi ảnh (gọi là minilab) nhưng do lũ lụt dễ bị ngập nên gián đoạn việc tráng rọi - in sang ảnh trong thời gian dài. Những phóng viên sau khi viết bài, gửi bài viết và gửi cả film ra Đà Nẵng để tráng rọi - in sang. Việc chụp ảnh để kèm theo bài viết gặp không ít trục trặc, thậm chí “tai nạn nghề nghiệp” là chuyện cơm bữa. Film “cháy” do sơ ý hoặc bị “ngâm nước” do tác nghiệp lúc mưa to gió lớn, bão lụt… là chuyện dở khóc dở mếu của cánh phóng viên làm tin thời sự - chính trị bấy giờ. Sáng ý, có vài cơ sở tráng - in ảnh thủ công tại Tam Kỳ, dùng ánh sáng trời để sang ảnh (dù film màu hay đen trắng đều cho ra ảnh đơn sắc); “khỏa lấp” sự thiếu hụt ảnh khi báo in (tờ tin, nội san, tạp chí) rất cần ảnh để tuyên truyền, phản ánh sự kiện. Có lúc “gỡ gạc” được là nhờ báo xuất bản cách nhật nên còn thời gian để gửi film ra tận Đà Nẵng sang rọi…

Có lần theo lãnh đạo đi cơ sở chụp ảnh thời sự - chính trị, tôi bất cẩn nên rơi ùm xuống bờ sông Thu Bồn, máy ướt, film bị ngấm nước, hỏng cả cuộn. Bù cho sự kiện khắc phục lũ lụt từ “góc nhìn dưới dòng sông” ấy, là hình ảnh “lấy được từ trên bờ”. Bây giờ lần giở những trang báo cũ, từ con chữ đến hình ảnh lãnh đạo tỉnh đi khảo sát, chỉ đạo khắc phục hậu quả lũ lụt những năm đầu tái lập tỉnh, tự dưng tôi bồi hồi về một thời làm báo chưa - xa - lắm với đầy rẫy khó khăn!

BÙI MINH PHỤNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một thời làm báo chưa xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO