Một thời vang bóng

CHU THỤY 03/02/2014 16:16

(Xuân Giáp Ngọ) - Có những phiên chợ dù muốn cũng không thể gợi nhắc bằng hình ảnh, bởi đã vang bóng một thời…

Các lò gốm ở Thanh Hà - Hội An từng phải sử dụng nguồn chất đốt (củi) cung ứng từ tít trên thượng nguồn Thu Bồn rồi kết bè thả trôi về. Mà không chỉ Thanh Hà, cách đây ngót 4 - 5 thế kỷ dinh trấn Thanh Chiêm hay tàu thuyền nước ngoài đến buôn bán – thời cảng thị Hội An còn thịnh vượng – cũng có nhu cầu lớn sử dụng chất đốt từ thượng nguồn. Từ đó, hình thành chợ củi ở phía tả ngạn, lâu dần “chết tên” Chợ Củi. Giờ thì phiên chợ nhộn nhịp ấy chỉ còn lại… cái tên, vì đã tuyệt tích cùng với mấy trăm năm dâu bể ở hạ lưu Thu Bồn.

Một góc chợ quê Quảng Nam. Ảnh: H.X.H
Một góc chợ quê Quảng Nam. Ảnh: H.X.H

Năm ngoái, sự kiện cháy lớn khiến chợ Đàng ở xã Quế Châu (Quế Sơn) được nhắc đến nhiều, chủ yếu qua những bản tin ngắn về thiệt hại, mức hỗ trợ khắc phục hay kế hoạch xây mới. Mấy ai còn nhớ chợ này ra đời từ một sự kiện “chấn động” khác trong lịch sử khoa cử Việt Nam, liên quan đến “Ngũ phụng tề phi” của khoa thi Mậu Tuất 1898. Năm ấy, 3 tiến sĩ và 2 phó bảng của Quảng Nam được xướng tên trên bảng vàng rồi vinh quy bái tổ. Trong đó có đám rước về Quế Sơn, quê của Tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Phan Quang (1873-1939), người sau này làm đến Án sát Bình Định, Tham tri bộ Hình, nghỉ hưu được ban tặng hàm Lễ bộ Thượng thư. Nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng chỉ sơ lược những dòng chính yếu như vậy trong cuốn “Quảng Nam – Đất nước & nhân vật”, còn dân gian vẫn gắn câu chuyện vinh quy của cụ Phan Quang với chợ Đàng như một nghĩa cử của người con dành cho quê xứ. Chuyện kể, đám rước tổ chức long trọng, có dựng rạp hát bội để người dân vui chơi nhiều ngày, rồi hàng quán bắt đầu mọc lên và tiếp tục duy trì ở hai bên đường. Về sau, tiến sĩ Phan Quang hiến đất cho làng để lập chợ làm nơi buôn bán. Tên chợ Đàng (chợ lập bên đường, bên đàng) ra đời từ đó…

Dường như ai cũng có riêng mình một phiên chợ ký ức, dẫu chợ có tiếng tăm hay bình thường nơi thảo dã.  Nhà thơ cao niên Tường Linh từng mô tả về “mùi thơm chung” của phiên chợ tết, khi nhắc chuyện chợ búa bên hữu ngạn Thu Bồn. Đó là thứ mùi tổng hợp của rau thơm, hồ vải, áo mới, hương trầm, bánh trái… Có lẽ cũng cần nhắc đến “mùi” văn hóa nữa, như những ngôi chợ đã đi vào lịch sử xứ Quảng.

CHU THỤY

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một thời vang bóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO