Mùa hè xuyên Á - Kỳ 1: Đêm giữa rừng Sê Pôn

Ký sự của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 09/05/2016 09:08

Những ngày bắt đầu nắng nóng của mùa hè năm nay, chúng tôi rủ nhau làm một chuyến ba lô xuyên Á. Ngoài tôi, các bạn đồng hành là những người sinh ra ở nông thôn Quảng Nam, từ 15 - 16 tuổi đã là những người lính trinh sát trong thời chiến. Sau 1975, có anh chị chuyển ngành làm công nhân, kinh doanh, có anh lại tiếp tục cùng những đơn vị bộ đội đi chiến trường Campuchia, Lào, truy đuổi tàn quân Pôn-Pốt…

KỲ 1: ĐÊM GIỮA RỪNG SÊ PÔN

Hơn ba mươi năm trước, chẳng ai có thể nghĩ đến chuyện “Ngày ăn cơm ba nước” như hôm nay. Ngày đó, nhiều doanh nhân khó có thể nghĩ tới việc sang Lào đầu tư để đánh thức một vùng đất đầy bom mìn sau cuộc chiến…

Một thoáng Sê Pôn. Ảnh: T.Đ.T
Một thoáng Sê Pôn. Ảnh: T.Đ.T

Bỏ lại nắng nóng và những địa danh lịch sử dọc đường 9, chúng tôi làm thủ tục qua hai cửa khẩu Lao Bảo - Densavan rồi trực chỉ thị trấn Sê Pôn của tỉnh Savanakhet của Lào. Cuối mùa khô nên nắng nóng vẫn hừng hực đến 7- 8 giờ tối. Thị trấn có một ngôi chợ sầm uất và vài ba khách sạn, nhà nghỉ. Máy lạnh chạy hết công suất cũng không thể giải được hơi nóng hấp thụ suốt ngày. Nước máy trong các phòng tắm vẫn hơn 30 độ C, dù không có máy nước nóng.

Một người bạn trong nhóm chúng tôi là doanh nhân L.T.K, người tài trợ chuyến đi, hiện có vài trăm héc ta sắn và một dây chuyền chế biến bột sắn, bả sắn tại đây. LTK mời một người lính cũ, anh C., từng làm tại nhà máy bia Sông Hàn sang đây làm giám đốc điều hành. C. kể với tôi trong đêm ở nhà máy của anh ở Sê Pôn: ngoài các rẫy sắn thuê công nhân Lào trồng, còn có bộ phận thu mua sắn lát khô, sắn củ tươi của bà con nông dân các bản Lào. Gần đây, họ khuyến khích người Lào bán sắn tươi cho nhà máy để giữ chất lượng tốt mà lại không tốn công xắt lát, phơi khô khiến bà con phấn khởi vì thu nhập cao hơn mà không gặp rủi ro ẩm mốc khi có mưa bất ngờ. Sản phẩm chế biến được đóng gói và đưa về Vientiane bán cho các công ty chế biến thức ăn gia súc Thái Lan, một số trang trại chăn nuôi bò của các quan chức bạn và một phần đưa về tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung.

Cảnh buôn bán của người dân tại “chảo lửa” một thời.Ảnh: T.Đ.T
Cảnh buôn bán của người dân tại “chảo lửa” một thời.Ảnh: T.Đ.T

“Nguồn điện được Việt Nam bán sang Savanakhet từ nhiều năm nay là nguồn năng lượng quan trọng để người dân Lào và các cơ sở sản xuất ở đây phát triển…” - ông bạn C. nói. Bằng chứng là bên cạnh các trang trại, chúng tôi còn trông thấy nhiều nhà máy làm gạch mọc lên, nhờ đó nhà cửa dọc đường 9, ở những khu thị trấn như Ca Rôn, Sê Pôn  ngày nay đã xây gạch hai tầng, thay vì chỉ toàn gỗ hoặc tre nứa như nhiều năm trước. Đất đai từ bên kia cầu biên giới Xà Ớt đến dọc đường 9 ở Ca Rôn, Bản Đông, Sê Pôn , Mường Phìn rộng ngút ngàn, từ hoang vu giờ đã là những cánh đồng trồng chuối, cao su và sắn. Nhờ vậy, nhiều nhà máy đã mọc lên, nhiều khu phố chợ sầm uất hẳn. Chợ Sê Pôn  rộng vậy vẫn không đủ chỗ, nhiều người buôn bán nhỏ phải bày hàng ra những con phố xung quanh từ 5 giờ sáng. Các hiệu ăn, tiệm cà phê thu hút nhiều khách là công nhân, khách du lịch và người đi chợ sớm. Các sạp hàng lớn mặt tiền nghe nói bây giờ đã do nhiều người Hoa sang mua làm chủ. “Hai phần ba sạp hàng lớn là của Tàu hết anh ơi!”- một chủ quán cà phê gốc Quảng Trị định cư ở đây nói với tôi. 

Đêm Sê Pôn về khuya càng mát dần. Rượu Lào ngâm bằng các loại rễ cây nhấm với gà nướng và xôi lót bụng, khiến cho câu chuyện kéo dài thêm. Chuyện của thời bình xen vào những câu chuyện thời chiến. Thời của “Operation Lam Sơn 719” (tức chiến dịch đường 9 Nam Lào vào tháng 1.1981) mà bây giờ người Lào đặt tên cho một tour du lịch thu hút nhiều khách phương Tây đi từ Thái đến Việt Nam. Một người bạn Lào, là sĩ quan phục viên lại kể, hồi đó cả quân Mỹ và quân Việt Nam cộng hòa đều muốn chiếm được cứ điểm Sê Pôn này để gây tiếng vang trên thế giới. Thậm chí Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu còn tuyên bố sẽ tổ chức họp báo quốc tế ở đây, mà đâu có được”. Anh bạn cùng đi trong nhóm tôi, nhớ lại, kể: “Không ở đâu ăn nhiều bom đạn như vùng Sê Pôn, Bản Đông này; cứ 8 phút có một máy bay thả bom trong suốt gần chục năm. Vậy mà ngày nay, nghe nói thị trấn 40 nghìn dân này phát triển đến không ngờ. Cứ nhìn cảnh buôn bán ở chợ Sê Pôn cũng đủ biết”.

Thật vậy, trong cái mát mẻ về đêm, chúng tôi vẫn nghe tiếng xe chạy ngược xuối trên đường 9 bây giờ đã láng nhựa phẳng lỳ trong tổng thể đường Liên Á A2. Con đường mà hai mươi năm trước, khi tôi đi đón đoàn Carnaval đầu tiên của các sinh viên Bắc Âu qua đây, phải mất đến cả ngày mới đi hết 250 cây số từ Savanakhet về đến Lao Bảo và phải ngủ lại giữa rừng không một ánh đèn. Hồi đó, chẳng ai có thể nghĩ đến chuyện “Ngày ăn cơm ba nước” như hôm nay. Ngày đó, những doanh nhân như L.T.K và các bạn anh khó có thể nghĩ tới việc sang đầu tư ở đây để đánh thức một vùng đất đầy bom mìn sau cuộc chiến.

Ký sự của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa hè xuyên Á - Kỳ 1: Đêm giữa rừng Sê Pôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO