Từng qua lại Thái Lan nhiều lần từ năm 1995 đến nay, mỗi chuyến đi tôi đều đặc biệt chú ý đến sự tiết kiệm của người Thái.
|
Thùng rác được tận dụng từ vật liệu đã qua sử dụng. Ảnh: T.Đ.T |
Trên chuyến xe lửa xuyên đêm từ Udon Thani đi Bangkok, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ khi bước vào phòng chờ của nhà ga. Như đã nói, đoàn chúng tôi được một lãnh đạo nhà ga là người gốc Việt mời vào phòng VIP máy lạnh đợi tàu do đến sớm gần tiếng đồng hồ. Những băng ghế ngồi và bàn nước đều được chế từ các thanh tà-vẹt bằng gỗ cũ đánh véc-ni. Bên ngoài, dọc theo nhà ga cũng đều đặt nhiều ghế gỗ tà-vẹt tương tự. Trên đường đi, qua các nhà ga khác ở Khon Kaen, Nakhon Raschasima cũng là những băng ghế tận dụng tương tự. Một nhân viên trên toa tàu kể, hai hệ thống đường xe lửa từ Chiang Mai phía tây bắc và Nong Khai phía đông bắc dẫn về thủ đô Bangkok đều dùng những thanh tà-vẹt cũ là để tiết kiệm. Đường xe lửa Thái Lan giống Việt Nam ở chỗ kích cỡ chỉ rộng 1,1m và đường ray được bắc trên những thanh tà-vẹt gỗ từ nhiều chục năm qua. Nay tà-vẹt được thay bằng xi măng cốt thép và người ta tận dụng gỗ cũ còn tốt để khỏi lãng phí và thực hiện chủ trương “thân thiện với môi trường”.
Trên hành trình xuyên Á, từ sự tiết kiệm của người Thái khiến tôi nghĩ về cuộc sống giàu - nghèo của người Việt nơi xứ người. Trên Biển Hồ của Campuchia có hơn một ngàn người Việt sống lênh đênh từ nhiều đời nay cùng với những người nghèo gốc Khmer, gốc Chăm. Họ sống bằng nghề đánh cá nhưng nay thì chính phủ Campuchia cấm đánh bắt do lo sợ cạn kiệt tài nguyên nên họ sống rất khổ. Những xóm nhà nổi lợp tôn thưng ván gần nhau cách cửa kênh khoảng năm cây số là nơi những người nghèo sinh sống. Gần mỗi xóm, là những “tháp cây” gỗ được cắm xuống biển thành những vòng tròn. Đó là những loại vật liệu xây dựng dự trữ khi cần thiết, vì nếu thả nổi sẽ bị sóng cuốn trôi đi. Thuyền chúng tôi giảm tốc, cập vào một dãy nhà gỗ sơn màu xanh với một bảng chữ trắng - vàng nổi bật “Trường Tiểu học Việt Nam do Quân khu 7 Quân đội nhân dân Việt Nam tặng”, kèm với dòng chữ Khmer bên trên. Và tôi biết, còn nhiều công trình của người Việt chắt chiu cho người Việt xa xứ, dẫu cuộc sống không phải lúc nào cũng dư dả. |
Trên chuyến xe lửa tôi đi, toa nào cũng có giường nằm chen lẫn với ghế ngồi. Nghĩa là nếu không có khách giường nằm thì nhân viên trên tàu lật giường ra thành hai ghế ngồi chỉ trong nháy mắt và ngược lại. Còn nếu khách của hai giường trên dưới sau giờ ngủ lại muốn ngồi thì giường trên được gấp lên phía trần xe và giường dưới làm thành ghế ngồi đối diện nhau. Khi tôi lên tàu, tìm đúng số giường nhưng chỉ thấy ghế nên thắc mắc, nhân viên trên tàu nhã nhặn bảo xin quý khách chờ cho. Vậy là một phút sau tôi đã có giường từ hai chiếc ghế đối diện, drap, chăn, gối đã sẵn sàng. Bên dưới và bên hông giường hay ghế có sẵn chỗ để hành lý và giày dép tiện lợi. Cách thiết kế này vừa lịch sự, vừa tiết kiệm không gian sử dụng theo yêu cầu của khách…
Trước khi lên tàu, chúng tôi có dịp đi thăm một làng quê mang tên làng Nỏng Hang, thuộc xã Xieng Phin, cách thành phố Udon 15km, nơi tháng 7.1928, Nguyễn Ái Quốc đã từng ở đây và bây giờ chính quyền tỉnh Udon cho xây dựng một khu lưu niệm để khai thác du lịch, hướng dẫn viên Thái gốc Việt tên Vũ Ngọc Thành cho hay. Đây chính là một làng kiểu mẫu do hoàng gia tài trợ từ nhiều năm nay trong một dự án phát triển nông thôn nghèo vùng Isan. Đường sá quy hoạch theo ô bàn cờ, tất cả đều bằng bê tông, rộng 7m, có cống thoát nước, có điện đường. Cổng vào làng là hai trụ bê tông giả thân cây, bên trên ghi tên làng, hoa văn kiểu Thái, ảnh nhà vua và dòng chữ “Chào mừng quý khách”. Tôi không thấy bất kỳ câu khẩu hiệu nào nhưng bên cạnh cổng làng là một nhà tứ giác lợp tôn màu, có ghế ngồi bằng gỗ, đó là nơi dân làng khi ra đường chờ xe hoặc đón đợi khách đều có chỗ tránh nắng mưa, do chính quyền xây dựng. Đi trong những đường làng Nỏng Hang, tôi tuyệt nhiên không nhìn thấy bất cứ hàng rào, cổng ngõ nào bằng bê tông. Ngược lại, nhà nào cũng làm hàng rào bằng tre, cổng gỗ. Bên ngoài hàng rào là khoảnh không nhỏ dành trồng các loại hoa, nhiều nhất là vạn thọ.
Ấn tượng nhất khi vào làng này, cũng như chúng tôi đã bắt gặp ở các khách sạn lớn nhỏ trong thành phố Udon chính là cái thùng rác, bởi tinh thần tiết kiệm và sự thân thiện với môi trường của họ. Nhưng thùng rác ở các làng Thái đều được làm bằng lốp ô tô cũ giống chúng tôi đã thấy ở Lào và bằng những thùng phuy nhựa đựng hóa chất, theo một quy cách nhất định và để trước mỗi nhà. Có khi thùng rác đặt trên một giá đỡ trang trọng trước cổng để đến giờ xe xác đến nhận. Các thùng rác bằng nhựa còn có thêm bốn tay khiêng để đổ lên xe và có in thêm logo và dòng chữ khuyến cáo bỏ rác vào thùng bằng chữ Thái. Tinh thần tiết kiệm của người Thái tôi còn được thấy ở những công nhân vệ sinh môi trường trong thành phố Bangkok. Ngày nay họ vẫn dùng nhiều dụng cụ thu gom rác trên hè phố bằng những chiếc giỏ hoặc ki xúc rác đan bằng tre. Người hướng dẫn chúng tôi ở thủ đô là một anh bạn trẻ Thái gốc Việt cho hay: “Có lẽ tính gương mẫu và gần dân của mọi thành viên trong hoàng gia Thái đã để lại tấm gương sáng cho nhiều người dân ở xứ sở chùa vàng này, trong đó có tinh thần tiết kiệm”.
Ký sự của TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG