Mua láng giềng gần

HỨA XUYÊN HUỲNH 18/12/2019 14:55

Xem như tôi đang dần dần “mua” thêm nhiều láng giềng mới mà không đến nỗi phải “bán” anh em xa, sau khi khu đất mới có thêm gia đình từ nơi khác lục tục dọn về ở. Phố không chỉ có nhà cửa, đường sá mà còn một thứ khác lớn hơn: tình người.

Một góc phố mới ở bờ nam sông Cẩm Lệ.Ảnh: H.X.H
Một góc phố mới ở bờ nam sông Cẩm Lệ.Ảnh: H.X.H

“Thoát” khỏi xóm cũ

Khu dân cư mà tôi đang ở nằm phía bờ nam sông Cẩm Lệ (Đà Nẵng), đếm kỹ thấy có không ít người gốc Quảng Nam. Tình cờ phát hiện ai đó “cùng quê” với mình, là ồ lên, vui. Thậm chí người mới dời đến ở khu vực lân cận cũng cất công đi tìm hàng xóm cũ đã chuyển nhà trước đó. Chỉ xem qua cho biết người quen ở đường nào phố nào rồi thôi, chứ chưa chắc qua lại thăm nom đều đặn.

Dường như ở phố, câu “tối lửa tắt đèn có nhau” không mang đầy đủ ý nghĩa như ở quê. Phần vì người ta còn chút e dè và chưa thân thiết, phần chưa có nhiều “nhu cầu” chia sẻ như chuyện hiếu hỉ ở quê. Họ cần thêm thời gian.

Hôm qua, khi ngồi uống cà phê với nhóm “láng giềng gần” ở phố mới, tôi nghe kể một chuyện không vui cũng chẳng buồn. Không vui, vì phát hiện 2 gia đình mới dọn đến làm nhà sát vách nhau đã có chút va chạm vì lỗi lặt vặt, không ai nhường ai. Chẳng buồn, vì người hàng xóm thứ ba đã kịp can thiệp. “Thôi, bây giờ mình xác định chỗ này là chỗ gắn bó lâu dài, lớn tuổi rồi đâu có ý định dời nhà đến nơi nào khác nữa? Nên chưa vừa ý chuyện chi thì nói thẳng ra, một câu nhịn chín câu lành… Láng giềng của nhau rồi!”, người hàng xóm thứ ba phân giải.

Một giảng viên đại học mới về hưu khi dọn nhà lên xóm mới đã mang theo nỗi buồn thầm kín. Ông ấy gần như thoát khỏi nơi bức bí về không gian và xơ cứng tình cảm. “Bạn có tin khi dọn nhà đi, tôi thậm chí… không chào hàng xóm lấy một tiếng?”, ông hỏi tôi mà như đã trả lời. Hóa ra, từ năm này sang tháng khác, vợ chồng con cái ông đã phải chịu đựng mùi khói bốc lên từ cái lò than tổ ong đặt ngoài cổng để bán bún của nhà bên cạnh. Giữa phố xá đông đúc, với một láng giềng không thân thích lại đang chật vật mưu sinh, đành phải chịu trận. Riết rồi, tình thân cũng bay theo những làn khói nồng nặc…

Phố trong quê

Người hàng xóm thứ ba vừa nhắc chính là người hàng xóm thứ nhất của tôi.

Chúng tôi cùng đến xây nhà sớm nhất ở khu phố mới. Lúc đó, xung quanh chỉ là vạt đất trống trải. Lần hồi quen nhau, chúng tôi nhận ra mình có nhiều bạn chung và tất nhiên sau đó cùng chung láng giềng mới. Trong số đó, một chủ hộ bán cà phê có hoàn cảnh đặc biệt: chồng đau nặng, con cái đang tuổi ăn tuổi lớn, phải bán nhà ở khu dân cư sầm uất để dọn lên đây, dành khoản tiền dôi dư chữa bệnh… Và chẳng ai bảo ai, nếu sáng nào không có việc xuống trung tâm thành phố, chúng tôi lại ngồi “tám chuyện” ở quán cà phê bé tí ấy, mặc cho hàng loạt quán xá mới và đẹp hơn “mọc” lên xung quanh. Chúng tôi vẫn chọn quán của hàng xóm, để nhận ra ly cà phê buổi sáng hình như đậm đà hơn nơi khác vì thêm chút hơi ấm láng giềng...

Tôi từng có những hàng xóm lạ lẫm lúc mới lập nghiệp tại Tam Kỳ (Quảng Nam), ngót 20 năm trước. Con hẻm ở đường Đặng Dung cũng “ấm lạnh” nhiều phen, nhất là khi bàn tính chuyện làm đường, sửa cổng. Nhưng đó là giai đoạn đầu. Lâu dần, biết rõ tâm tính và hoàn cảnh của nhau, mỗi người lại tự “mài mòn” góc cạnh của chính mình và trở thành hàng xóm tốt. Có người sẵn sàng nhường chút ít không gian cho nhà bên cạnh mở cửa sổ, thậm chí cho hàng xóm sang tường nhà mình khoan vít bắt thiết bị điều hòa. Điều này có chút khác biệt với trường hợp tại một khu phố ở Quảng Nam, xây nhà suốt nhiều năm vẫn… chưa xong vì vướng kiện cáo. Nhà này tố nhà kia lấn đất, dù chỉ vài cen ti mét. Chưa rõ “phần thắng” rồi sẽ thuộc về ai, nhưng chắc chắn cả hai đã “thua”, vì đánh mất tình thân.

Hôm trước, thành viên mới nhất của khu phố đã ra mắt láng giềng bằng một tiệc tân gia ấm cúng. Bàn tiệc của những người cùng xóm mới gần như lọt thỏm giữa đông đúc bà con, bạn bè cũ của gia chủ. Nhưng không sao, giữa tiếng nhạc ồn ào, tôi nghe họ bàn chuyện mở tiệc tất niên, nghe giới thiệu tên tuổi quê quán, và thấy những cái nắm tay rất chặt. Trong số họ, nhiều người bỏ phố cũ chỉ để tìm chút tĩnh mịch và tất bật trồng rau cải trong vườn cho có chút quê. Họ thèm phong vị quê, nên gắng gầy dựng phố trong quê.

Chuyện “bán anh em xa” và “mua láng giềng gần” trong tục ngữ Việt có thể chỉ là một cách nói hình ảnh và hơi cường điệu. Không có “mua” hay “bán” gì ở đây, nhất là với những người đang loay hoay thu xếp chỗ ở mới ở phố. Họ chỉ cần mở lòng ra, là đủ.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mua láng giềng gần
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO