|
* Ghi nhận thêm 2 người mất tích trong lũ
* Công an điều ca nô vượt lũ đưa sản phụ đến bệnh viện
(QNO) - Hôm nay (16.12), mưa lớn tiếp diễn trên diện rộng khiến nhiều huyện đồng bằng như Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Nông Sơn... bị ngập sâu; trong khí đó, các huyện miền núi cũng ghi nhận những thiệt hại đầu tiên do sạt lở.
* Chiều nay, ông Trần Văn Định – Chủ tịch UBND xã Điện Phước xác nhận thông tin một người bị thiệt mạng trong lũ. Khoảng 16g30, anh Nguyễn Đình Toàn (26 tuổi) công tác tại Công an thành phố Hội An về thăm nhà tại thôn Hạ Nông Đông, trong lúc chèo thuyền với người em con cô câu ruột ra cánh đồng sau nhà thì thuyền bị nước xoáy xô lật, người em may mắn bơi được vào bờ, riêng anh Toàn đã bị nước cuốn trôi mất tích hiện vẫn chưa tìm thấy. “Chúng tôi đang huy động lực lượng tìm kiếm nạn nhân nhưng rất khó khăn vì trời đang mưa, gió lớn còn vì vị trí xảy ra tai nạn là cái ao có nhiều bèo và một cái cống thông ra đồng nước chảy rất xoáy” - ông Định cho biết.(KHÁNH LINH)
Thêm trường hợp mất tích vừa được ghi nhận là một người dân trú xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh. Theo thông tin cung cấp thì vào sáng ngày 14.12, ông Nguyễn Ngọc Lý (SN 1950, trú thôn Tam An, xã Tam Lộc) đi dự họp Hội nghị tổng kết các mặt công tác Đảng tại trụ sở UBND xã Tam Lộc huyện Phú Ninh nhưng đến nay vẫn chưa thấy về nhà. Chính quyền xã Tam Lộc đã và đang huy động lực lượng tìm kiếm ông Lý nhiều nơi trong 2 ngày nay nhưng vẫn chưa có kết quả.
Được biết, ông Lý là cán bộ hưu trí, là Đảng viên gương mẫu, thành viên cho hội Cựu chiến binh thôn Tam An. Hiện gia đình và bà con tại khu dân cư rất lo lắng về sự mất tích của ông nên đang tích cực triển khai tìm kiếm ở trên cạn cũng như dọc các suối trên đường ông về nhà.
Trên địa bàn xã Tam Lộc vào trưa ngày 14.12 nhiều cây cầu bị ngập do mưa lớn như cầu Bằng Lăng (thôn Đại Đồng), cầu Phú Thị (thôn Tam An). Chính vì vậy, có nhiều giả thuyết cho rằng ông Lý bị nước lũ cuốn trôi.
* Do thời tiết mưa lớn bất thường trong thời gian dài vừa qua đã gây hậu quả nặng nề đối với kinh tế nông nghiệp ở huyện Phú Ninh.
Ước tính đến khoảng chiều ngày 16.12, toàn huyện Phú Ninh có khoảng 10ha ruộng không chủ động nước, 20 ha rau màu bị hư hại do ngập úng. Khoảng 10km kênh mương thủy lợi bị bồi lấp, xói lở. Khoảng 15ha ruộng bị ảnh hưởng do đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sạt lở đất bồi lấp. Khoảng 10% diện tích đất nông nghiệp không thể canh tác (chủ yếu là ở 2 xã Tam Lộc và Tam Lãnh) do bờ vùng, bờ thửa bị nước cuốn trôi. Người nông dân không thể cấy mạ để trồng những chân ruộng sâu, bèo lục bình tiếp tục bao phủ các diện tích ruộng dọc tuyến quốc lộ 1. Nhiều diện tích rau không thể sản xuất kịp cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Hiện, chính quyền huyện Phú Ninh đang khẩn trương triển khai các biện pháp giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định sản xuất vụ mùa mới.
Được biết, theo kế hoạch, vụ Đông xuân 2016 - 2017, toàn huyện Phú Ninh sẽ trồng 3.480ha lúa, 600ha đậu, 400ha dưa hấu, 340ha rau các loại, 800ha sắn và 250ha khoai lang.(PHAN VINH - HẢI CHÂU)
* Tại huyện Hiệp Đức, mưa lũ cũng làm nhiều đoạn sông suối, vùng trũng thấp tại các xã Phước Gia, Sông Trà bị ngập nặng; trong khi đó một số tuyến đường về khu dân cư cũng bị sạt lở đất từ phía ta luy dương.
Chị Hồ Thị Kim Xin, một người dân địa phương cho hay, tình trạng ngập úng do mưa lớn, nước dâng cao xảy ra từ chiều 14.12, khiến ngập sâu chiếc cầu bê tông đi về thôn 3 (xã Phước Gia). Để đi chiếc cầu này, người dân địa phương đành phải huy động lực lượng thanh niên cùng khiêng từng chiếc xe máy qua khu vực với độ sâu hơn 1 mét.
Người dân khiên xe máy qua cây cầu ngập nước tại xã Phước Gia. Ảnh: HỒ XIN |
Ngoài ra, mưa lớn cũng gây sạt lở tại một số điểm thuộc khu vực thôn 1 (xã Phước Gia), khiến giao thông đi lại bị ách tắc. Hiên lượng mưa tiếp tục đổ xuống với khối lượng khá lớn, mực nước tại các sông, suối vùng cao Hiệp Đức có khả năng dâng lên, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. (ĐĂNG NGUYÊN)
* Chiều nay 16.12, nhiều xã trên địa bàn huyện Núi Thành phát đi cảnh báo sẽ có nhiều khu vực bị ngập sâu trong đêm và rạng sáng ngày 17.12.
Tại xã Tam Xuân I, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Xuân Vũ, cho biết: thôn Phú Tân từ đầu đợt mưa lớn đến nay vẫn trong tình trạng bị ngập nặng và một số tuyến đường liên thôn, liên xã có khả năng sẽ bị ngập sâu vào ngày mai. Tại xã Tam Hòa, tuyến đường quốc phòng ven biển thuộc địa phận thôn Hòa An đã bị chia cắt tại một số điểm. Mực nước băng qua mặt đường đã cao xấp xỉ 1m khiến việc đi lại của người dân nơi đây hết sức khó khăn. Lãnh đạo UBND xã Tam Mỹ Đông dự báo sẽ có ít nhất 3 điểm vùng trũng sẽ bị ngập sâu trong đêm nay. Trong khi đó, các tuyến đường huyết mạch của xã Tam Mỹ Tây đã bị ngập, tuyến đường ĐH5 nối qua với xã Tam Mỹ Đông đã bị ngập sâu, không thể lưu thông được. “Riêng tuyến ĐH7 mực nước đã cao hơn mặt đường, nếu trời không ngớt mưa thì tuyến đường này sẽ bị ngập sâu và người dân khó có thể lưu thông bình thường được” – ông Trần Văn Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây cho biết. Theo Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn huyện Núi Thành, mực nước sông Trường Giang đang dâng lên và sẽ có nhiều nơi ở các xã dọc theo lưu vực sông Trường Giang sẽ bị ngập.(ĐOÀN ĐẠO)
Tuyến đường quốc phòng ven biển tại thôn Hòa An (xã Tam Hòa) bị ngập sâu tại một số điểm. Ảnh: ĐOÀN ĐẠO |
Chiều 16.12, Trung tá Lê Nho Tâm - Trưởng Công an huyện Đại Lộc, xác nhận cán bộ của đơn vị vừa hỗ trợ đưa một sản phụ vượt lũ đến bệnh viện kịp thời. Theo thông tin ban đầu, khoảng 8 giờ sáng cùng ngày, trực ban Công an huyện Đại Lộc nhận được tin báo từ Công an xã Đại An về trường hợp sản phụ Vũ Thị Việt Trinh (23 tuổi, trú xã Duy Tân, Duy Xuyên) được chuyển đến Trạm Y tế xã Đại An thì gặp mưa lũ lớn, không thể di chuyển qua thị trấn Ái Nghĩa để chờ sinh. Phía Công an xã Đại An đề nghị Công an huyện Đại Lộc cho phương tiện hỗ trợ giúp sản phụ kịp đến bệnh viện. Nhận được tin, Công an Đại Lộc đã ngay lập tức huy động lực lượng ứng trực lũ lụt điều ca nô hướng qua xã Đại An để đón sản phụ. Vượt qua mưa lũ, các cán bộ tiếp cận và đã đưa sản phụ này đến bệnh viện an toàn, kịp thời. “Xác định đây là trường hợp khẩn cấp cần sự giúp đỡ, Công an huyện Đại Lộc đã khẩn trương tiếp cận để đưa sản phụ đến bệnh viện. Công tác hỗ trợ đã được thực hiện kịp thời, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho sản phụ” - Trung tá Lê Nho Tâm nói. Chiều nay, trao đổi với bác sĩ Tô Mười - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam, bác sĩ Mười cho biết sản phụ Trinh nhập viện lúc 10 giờ 15 phút, sáng 16.12 và đến 14 giờ chiều 16.12, lực lượng các y bác sĩ của bệnh viện đã hỗ trợ ca sinh thường thành công, sản phụ mẹ tròn con vuông, bé gái cân nặng gần 3kg. Hiện, sức khỏe cả mẹ lẫn con sản phụ tiến triển tốt.(T.CÔNG - H.LIÊN)
|
* Chiều 16.12, trao đổi với Báo Quảng Nam online, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, địa phương đang tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng để nhanh chóng thông tuyến tại 2 điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh và đường 14E từ Phước Sơn đi Hiệp Đức.
Đường 14E từ Phước Sơn đi Hiệp Đức bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông trên toàn tuyến. Ảnh: N.T |
Cụ thể, điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua thôn Lao Mưng (xã Phước Xuân) với khối lượng đất đá đổ xuống khoảng 8.000m3 và điểm sạt lở trên đường 14E đoạn qua xã Phước Hòa (khu vực gần đập nhận nước của thủy điện Đắk Mi 4), với khối lượng đất đá khoảng 3.000 - 4.000m3.
Cả 2 điểm sạt lở này đều xảy ra từ ngày 15.12 nhưng đến nay vẫn chưa thể khai thông vì khối lượng đất đá đổ xuống quá lớn, nhất là điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh.
Hiện nay, huyện Phước Sơn đang phối hợp với các lực lượng chức năng, nhất là Hạt Quản lý đường bộ 3 và Hạt Quản lý đường bộ Hiệp Đức khẩn trương khắc phục, san ủi đất đá ở các điểm sạt lở. Dự kiến trong tối nay điểm sạt lở trên đường Hồ Chí Minh sẽ thông tuyến, còn điểm sạt lở trên đường 14E nhanh nhất phải đến ngày 17.12 mới có thể thông tuyến.
Trước đó, huyện Phước Sơn vừa phối hợp với các lực lượng khắc phục xong một điểm sạt lở trên đường 14E đoạn Suối Đá (xã Phước Hòa). Đường từ trung tâm huyện Phước Sơn đi 5 xã vùng cao của huyện hiện cũng đang bị ách tắc, huyện đang chỉ đạo các lực lượng đưa người và phương tiện để khai thông các điểm sạt lở.
Ông Hà cũng cho biết, mặc dù đường đi xã vùng cao bị sạt lở nhưng lương thực, nhu yếu phẩm phục vụ người dân vẫn đảm bảo. Trường hợp tắc đường kéo dài thì huyện sẽ có phương án vận chuyển lương thực để bà con đảm bảo ổn định cuộc sống. (VINH ANH)
* Chiều 16.12, ông Ngô Minh Khiêm - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Tiên Phước cho biết, mưa lũ đã làm hư hỏng 6 ngôi nhà trên địa bàn.
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Sĩ (thôn 4, Tiên Hiệp) bị sập đổ. Ảnh: THẮNG DƯƠNG |
Mưa lớn gây sạt lở đất đá làm hư hỏng 4 ngôi nhà của 4 hộ dân tại thôn 4, xã Tiên Hiệp (trên trục đường quốc lộ 40B). Theo đó, ngôi nhà hộ ông Nguyễn Ngọc Hải bị đất đá bồi lấp làm sập hơn nửa căn nhà, tường nứt, sắp đổ sập toàn bộ. Ngôi nhà của ông Huỳnh Văn Thành (cạnh nhà ông Hải), đất đá chèn toàn bộ phía sau ngôi nhà gây nứt tường. Ngôi nhà bà Nguyễn Thị Sĩ bị khu đồi phía sau sạt xuống làm sập hoàn toàn; ngôi nhà ông Nguyễn Phú sát bên cạnh (con trai bà Sĩ) bị đất đá chèn lấp gần như hoàn toàn.
Ngoài ra, mưa lớn gây sạt lở đất làm ngã đổ 5m tường nhà ông Nguyễn Văn Đấu (thôn 6, xã Tiên Lãnh) và thiệt hại một số tài sản. Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Anh (thôn 4, xã Tiên Lập) bị sạt đất đồi làm bồi lấp nhà trên, sập hoàn toàn xưởng máy gạo của gia đình ông Anh. (THANH THẮNG - ĐÔNG DƯƠNG)
* Tại huyện Nam Giang, diễn biến của tình hình mưa lũ cũng diễn ra hết sức phức tạp khi nhiều khu vực dân cư xuất hiện tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng từ các ta luy dương và ta luy âm. Đầu giờ chiều nay 16.12, trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam online qua điện thoại, ông Tơ Đên Sơn - Chủ tịch UBND xã Chà Vàl (Nam Giang) cho hay, có ít nhất 5 ngôi nhà của người dân địa phương bị ảnh hưởng do sạt lở đất trong thời gian xảy ra mưa lũ. Ngoài 3 ngôi nhà của các hộ dân ở thôn Abát đang được lực lượng dân quân và thanh niên hỗ trợ khắc phục, còn có thêm các ngôi nhà khác tại Tà Un cũng bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Trong khi đó, nhiều nhà dân khác cũng đang bị sạt lở đất và mưa lũ đe dọa, một con heo của người dân bị lũ cuốn trôi. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng, triển khai công tác ứng phó nhằm tránh để xảy ra tình huống bất ngờ, đáng tiếc. “Một số tuyến đường dân sinh đi vào các khu dân cư cũng bị sạt lở, gây hư hỏng và đang được lực lượng đến khắc phục tạm thời, không để gây cô lập” - ông Sơn nói. Còn tại huyện Phước Sơn, mưa lũ cũng làm sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông tại nhiều điểm từ các xã Phước Hiệp, Phước Hòa… đi lên thị trấn Khâm Đức. Trước đó, mưa lũ gây ứ đọng nước thành từng vũng lớn tại nhiều đoạn đường trên địa bàn, gây ảnh hưởng đến việc lưu thông của người dân và các phương tiên tham gia giao thông. Tại khu vực thị trấn Khâm Đức, mưa lớn cũng khiến một đoạn dài tuyến đường Hồ Chí Minh bị ngập sâu khiến toàn bộ xe cộ không thể lưu thông suốt từ hôm qua 15.12. Để đi qua đoạn đường này, người dân phải dùng ghe để chở xe máy, riêng ô tô buộc phải nhờ đến xe cẩu đưa sang. Tình trạng đường ngập nước cũng khiến nhiều chiếc xe máy bị chết máy, chờ hàng dài ở hai tuyến đường. Riêng tại xã Phước Thành, nhiều khu vực dân cư và tuyến đường từ thị trấn Khâm Đức lên trung tâm hành chính xã cũng xuất hiện tình trạng sạt lở đất nặng từ phía ta luy dương, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Ngoài ra, một số khu vực của xã này, tình trạng sạt lở cũng làm đất đá tràn xuống tận cổng nhà người dân, rất nguy hiểm. (ALĂNG NGƯỚC) * Tại huyện Tây Giang, mưa lũ làm nhiều nhà dân bị sạt lở nghiêm trọng, cùng hàng chục điểm sạt lở khác tại các khu dân cư tập trung và tuyến đường dân sinh. Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Tây Giang, tính đến thời điểm này mưa lũ vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, ít nhất một ngôi nhà của người dân ở thôn Bhlố 1 (xã A Vương) bị sập đổ hoàn toàn do sạt lở đất, cùng một ngôi nhà khác có nguy cơ tương tự. Trong khi đó, một số mặt bằng tái định cư cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng cả phía ta luy dương và âm như mặt bằng các thôn T’ghêy, Xà’ơi 2 (xã A Vương); Ahu, R’bhượp (xã A Tiêng); Tưr (xã Dang). Ngoài ra, sạt lở cũng khiến 1 trụ điện sinh hoạt có nguy cơ ngã đổ và nhiều khối lượng đất đá tràn xuống nhà dân tại khu tái định cư thôn Z’rượt (xã Ch’Ơm), đang được chính quyền địa phương vận động dân quân thường trực phối hợp với đoàn thanh niên cùng giúp nhân dân nạo vét lớp bùn, đồng thời chuyển đi những tài sản có giá trị đến nơi an toàn để tránh gây thêm thiệt hại. Ông Lê Hoàng Linh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, ngoài diện tích hơn 1,7ha lúa nước bị sạt lở, mưa lũ cũng gây ra nhiều hậu quả về nông nghiệp với 4.000 cây keo bị cuốn trôi hoàn toàn, cùng thiệt hại 13 con gia súc, gia cầm (trong đó có 1 con bò đã chết). Đặc biệt, hệ thống tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện đi các xã vùng cao biên giới và đường nông thôn về các xã, khu dân cư cũng bị hư hỏng nặng với hàng chục điểm sạt lở, với tổng khối lượng lên đến hơn 30.000m3. Hiện chính quyền địa phương đang nỗ lực triển khai công tác khắc phục, nhằm thông tuyến một số tuyến đường, đảm bảo việc đi lại của người dân không bị ách tắc, gây cô lập. Ước tổng giá trị thiệt hại khoảng 1,7 tỷ đồng. “UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chuyên môn, các địa phương triển khai phương án khắc phục nhằm đảm bảo giao thông đi lại, đồng thời vận động lực lượng tại chỗ giúp sơ tán các hộ dân có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn” - ông Linh cho biết thêm. (ALĂNG NGƯỚC) * Theo thông tin từ ông Nguyễn Cao Cường - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam mới vừa cung cấp, QL40B vào chiều nay tiếp tục bị sạt lở taluy dương tại 7 vị trí từ km36-km68+950 (địa phận Tiên Phước - Bắc Trà My) với tổng khối lượng lên đến 45.600m3. Sự việc trên gây ách tắc hoàn toàn lưu thông qua đoạn tuyến vừa nêu. Đại diện đơn vị quản lý này cho biết thêm, hiện tại taluy dương tại km46+500 (Tiên Phước) do đã ngấm nước lâu, đất nhão nên có khả năng sẽ sạt lở tiếp. Trên QL14E, taluy dương từ km61+400-km87 (địa phận Hiệp Đức - Phước Sơn) bị sạt lở ở 12 vị trí với tổng khối lượng 66.000m3, lưu thông bị ách tắc hoàn toàn. Cũng trên QL14E, tại km85+300 có khoảng 200m hộ lan mềm bị xói trôi. Với các tuyến QL được trung ương ủy thác cho tỉnh quản lý (14B, 14D, 14E, 40B và 24C), sạt lở taluy dương xảy ra tại 2 vị trí có khối lượng 10.500m3 trên QL14D, 3 vị trí khoảng 7.500m thuộc QL14E. Cạnh đó, QL40B tiếp tục sạt lở taluy dương tại km68+900 có khối lượng 20.000m3, ở km137+500 có 900m3. Còn trên các tuyến ĐT, một số trục giao thông liên huyện bị hư hỏng nặng. Đơn cử như ĐT606, taluy dương trên tuyến bị sạt lở 6.200m3 gây ách tắc giao thông, mặt đường bị xói lở sâu 7-20cm, diện tích hư hỏng khoảng 250m2, đất tràn lấp 1,5km rãnh dọc. Hay trên ĐT611, taluy âm tại km27+950 bị sạt lở dài 27m, xói lở tạo hàm ếch vào mặt đường nhựa dài 5m (bên trái tuyến); tại km28+100 sạt lở taluy âm và rãnh dọc bên trái tuyến dài 8m, sâu 4m và có nguy cơ sạt lở tiếp… Tại tuyến tránh Tiên Kỳ (Bắc Trà My) mới đưa vào khai thác, mưa lớn kéo dài gây sạt lở 1.800m3 đất đá phía taluy dương chưa ổn định. Nhiều tuyến ĐT còn ngập nước cục bộ tại một số vị trí, như ĐT608, ĐT609, ĐT609B, ĐT610, ĐT610B, ĐT615. Đơn vị quản lý đường đã, đang khẩn trương khắc phục, sửa chữa đảm bảo giao thông bước một, trừ ngầm tràn và điểm bị nước băng qua. Theo ông Lê Văn Sinh - Phó Giám đốc Sở GTVT, thiệt hại trên các tuyến QL tính đến 8 giờ sáng ngày 16.12 có tổng khối lượng sạt lở taluy dương khoảng 64.000m3, sạt lở taluy âm tại 6 vị trí với tổng chiều dài khoảng 100m, ở hạ lưu có 5 cống bị lấp và hư hỏng. Kinh phí dự kiến khắc phục, bảo đảm giao thông bước một là 5,5 tỷ đồng. Đồng thời, kinh phí khắc phục, đảm bảo giao thông bước một các tuyến ĐT dự kiến khoảng 2,5 tỷ đồng. Còn trên đường thủy nội địa, lũ sông Thu Bồn làm hư hỏng, trôi 4 mia đọc thủy chí và 7 phao báo hiệu; kè bảo vệ Trạm Quản lý đường thủy nội địa Thu Bồn bị sạt lở dài 50m. Mưa lũ còn diễn biến phức tạp, thiệt hại gây ra cho ngành giao thông vận tải Quảng Nam chắc chắn sẽ không dừng với con số thống kê bước đầu như trên. (CÔNG TÚ) * Tính đến chiều 16.12, mực nước sông Thu Bồn tại huyện Nông Sơn là 15,4m. Hiện nay, trên địa bàn huyện tình hình lũ lụt diễn biến rất phức tạp. Tuy chưa có thiệt hại về người nhưng đã có 1 căn nhà của ông Nguyễn Triều (trú tại thôn Trung Hạ, xã Quế Trung) bị sạt lở nặng. Ngoài ra còn có 6 căn nhà (xã Quế Lâm 1 nhà, Quế Trung 5 nhà) bị sạt lở nhẹ. Đến thời điểm hiện tại vẫn còn 99 căn nhà bị ngập trong nước lụt. Tất cả các tuyến đường giao thông từ trung tâm huyện đi các xã đều bị chia cắt. Cầu Khe Rinh, cầu Khe Phốc, cầu khe Sé, cầu Nà Manh còn ngập 2 - 2,5m. Đoạn đường ĐT611 (Quế Trung đi Quế Lộc), ĐT610 (Quế Trung đi Khương Quế) ngập trên 2m. Tuyến đường CK55 thuộc xã Quế Trung sạt lở ta luy âm dài 50m, khối lượng đất đá sạt lở khoảng 30m3. Ngoài 31ha diện tích lúa không chủ động nước và 5ha hoa màu bị ngập nhưBáo Quảng Nam onlineđã đưa tin, hiện đã có thêm 2,1ha trồng cỏ và 1ha trồng chuối bị thiệt hại nặng do ngập úng. Ông Trần Thiện Thắng - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nông Sơn cho biết: “Chúng tôi đã chỉ đạo UBND các xã thông tin nhanh về tình hình mưa lũ đến người dân được biết để chủ động phòng tránh. Cử lực lượng chốt chặn ở các tuyến giao thông bị chia cắt, nghiêm cấm tuyệt đối các ghe thuyền đi lại tại các bến đò, hồ chứa để đánh bắt cá trên sông, suối và các điểm ngập lụt. Đồng thời tổ chức kiểm tra các khu dân cư đang sinh sống trong vùng trũng thấp, vùng ven sông, suối có nguy cơ xảy ra lũ quét, các khu vực có nguy cơ sạt lở đất”. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Nông Sơn đã cho di dời tất cả các hộ dân ở trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Tuy nhiên, cán bộ và lực lượng dân quân vẫn đi rà soát từng khu vực ngập lụt để đề phòng và hạn chế thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản. (PHAN VINH - MINH THÔNG) * Khoảng 13 giờ 30 ngày 16.12, Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã lai dắt thành công chiếc thuyền cá của ngư dân thị xã Điện Bàn vào bờ an toàn khi thuyền này đang trên đường tránh trú lụt thì bị hỏng máy. Trước đó, khoảng 12 giờ 30 phút cùng ngày, ông Lê Văn Trí (SN 1973, trú phường Điện Dương) cùng một người dân khác đang trên đường đưa thuyền đi tránh trú lụt thì bị hỏng máy, trôi dạt tự do ra khu vực biển Cửa Đại (TP.Hội An) và có nguy cơ bị cuốn trôi ra xa. Nhận được tin báo, cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 đã dùng ca nô lên đường ứng cứu. Do điều kiện thời tiết gió to, sóng lớn, dòng nước chảy rất mạnh nên đến đến 13 giờ, ca nô của Hải đội 2 mới tiếp cận được và lai dắt chiếc thuyền đánh bắt cùng 2 ngư dân vào bờ an toàn. (HỒNG ANH) * Tại thị xã Điện Bàn, đến trưa nay 16.12, toàn bộ xã Điện Phương, Điện Minh (trừ tuyến quốc lộ 1) và một phần ở các địa phương Vĩnh Điện, Điện Nam Đông, Điện Hòa, Điện Phong... đã ngập hoàn toàn trong lũ 1-2m. Từ sáng sớm, người dân ở các xã có nhiều gia súc, đặc biệt là bò như Điện Quang, Điện Minh... đã di tản gần 1.000 con bò lên các điểm cao để tránh lũ. Ở các vùng trũng thấp, hầu hết các hộ dân đều chủ động di dời người già, trẻ em từ sớm trong buổi sáng đến nơi trú ẩn an toàn. Đa số các hộ dân ở vùng bị ngập sâu đều neo ghe sẵn trước sân để đề phòng di tản khi lũ dâng cao hơn. Ông Lê Đức Thu - Chủ tịch UBND xã Điện Phương cho biết: "Hiện tại chính quyền địa phương đã sơ tán cho khoảng 120 hộ dân ở các thôn thấp trũng nhất như Triêm Nam, Triêm Tây... Đến lúc này đã có khoảng 80% ngôi nhà ở Điện Phương bị ngập sâu 0,5-1m". Đặc biệt ở khu vực chợ Lai Nghi (phường Điện Nam Đông), nước lũ đã ngập sâu nhiều nhà dân đến hơn 1,5m và vẫn đang tiếp tục dâng cao. Lực lượng quân sự trên địa bàn thị xã cũng đang tích cực triển khai các phương án hỗ trợ người dân đối phó với cơn lũ. Ông Thái Tâm - Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Điện Bàn cho biết: "Đến lúc này, đơn vị đã giúp người dân di dời tại chỗ khoảng 5.000 hộ. Nếu tình hình lũ tiếp tục diễn biến phức tạp sẽ tiếp tục triển khai thêm với tinh thần bảo vệ hiệu quả nhất tính mạng và tài sản của nhân dân". Theo ghi nhận của phóng viên, đến trưa nay, hệ thống điện trên toàn địa bàn thị xã vẫn bảo đảm thông suốt để người dân có thể cập nhật tin tức về tình hình diễn biến mưa lũ. (QUỐC TUẤN) * Theo thông tin từ Chi cục Phòng chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên, ngày 16.12, lũ trên các sông khu vực miền Trung và Tây Nguyên đang lên cao. Tại Quảng Nam, sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đạt đỉnh ở mức 9,44m, trên báo động 3 là 0,44m; sông Thu Bồn tại Giao Thủy 8,44m, dưới báo động 3 là 0,16m; tại Câu Lâu và Hội An trên báo động 3. Nhiều sông khu vực miền Trung lũ đang lên nhanh, trên báo động 3. Lúc 1 giờ ngày 16.12, hồ Phú Ninh (Quảng Nam) xả tràn 193m3/s. Tại thời điểm 4 giờ 16.12, có tới 14 hồ thủy điện xả tràn khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Tại Quảng Nam, thủy điện Sông Bung 4 xả tràn 1.137m3/s; Đắk Mi 4 là 1.048m3/s; Sông Tranh 2 là 2.527 m3/s. Dự báo trong 12 giờ tới, các sông từ Thừa Thiên Huế tới Quảng Nam xuống rất chậm. Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa xuống xấp xỉ báo động 3. Tình trạng ngập lụt sâu diễn ra nhiều tỉnh, thành. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp độ 3. Trong khi lũ diễn biến phức tạp thì do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc, Vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa đông bắc kết hợp nhiễu động trong đới gió đông nên từ nay tới 17.12, các tỉnh Quảng Trị tới Khánh Hòa có mưa vừa tới mưa to, tổng lượng mưa trên 150mm. Riêng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế tới Phú Yên, lượng mưa 200-300mm, có nơi đến 500mm. Thời điểm này, nhiều địa phương đã bị ngập sâu và ngập cục bộ trong lũ, giao thông chia cắt nghiêm trọng. Tại Quảng Nam, huyện Quế Sơn đã chủ động di dời 10 hộ dân khỏi vùng lũ; đã có 2 người chết trong lũ ở Thăng Bình và Đại Lộc, tổng số người chết do lũ toàn khu vực đã là 5 người (Huế 1, Quảng Nam 2, Quảng Ngãi 1, Khánh Hòa 1), bị thương 6 người (Phú Yên). Có 51 ngôi nhà bị sập, hư hại; gần 5.000 ngôi nhà bị ngập; 3 nhà bị hư hại bởi sạt lở đất; 23.062ha lúa, hoa màu bị hư hại, ngã đổ; 7 tàu thuyền tại Phú Yên, Khánh Hòa bị chìm. Nhiều công trình giao thông, cầu cống, kè bị hư hại, sạt lở, cuốn trôi, 3 trụ điện ngã đổ... Tổng thiệt hại ước tính lên tới 83,26 tỷ đồng. (HOÀNG LIÊN) * Mưa kéo dài kèm theo thủy điện xả lũ suốt từ ngày 14 đến sáng 16.12 gây sạt lở, hư hỏng nhiều tuyến quốc lộ (QL) và tỉnh lộ (ĐT) trên địa bàn tỉnh, khiến lưu thông bị ách tắc. Thống kê của đơn vị quản lý là Công ty CP Công trình giao thông vận tải (GTVT) Quảng Nam, QL14B (Đà Nẵng - Nam Giang) sạt lở taluy dương từ km64+700-km72 với khối lượng 600m3. Ở vùng cao Nam Giang, QL14D bị sạt lở 7 vị trí taluy dương từ km26+300-km60 với 8.000m3, đồng thời sạt lở taluy âm cũng như đầu cống tại km31+600 có chiều dài 30m và nguy cơ “ngoạm” sâu vào mặt đường nhựa. Trên QL14E (Thăng Bình - Phước Sơn), nước lũ băng qua gây ách tắc giao thông ở 3 vị trí, cạnh đó có 12 vị trí taluy dương bị sạt lở từ km61+400-km87 với tổng khối lượng đất đá, cây cối lên tới 50.000m3. Sạt lở cũng khiến lưu thông trên tuyến QL40B (Quảng Nam - Kon Tum) bị chia cắt. Chỉ tính đoạn do Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam quản lý (km+00-km85+00), đất đá và cây cối nằm phía taluy dương và taluy âm đổ xuống lòng đường và vực sâu với khoảng 25.000m3; người và phương tiện không thể đi qua ngầm Sông Trường và ngầm Nước Oa do nước lũ tràn qua. Trong khi đó, các tuyến ĐT607B, ĐT611, ĐT614, ĐT615, ĐT617, ĐT609B, ĐT613 bị nước lũ băng qua gây xói, sạt lở nặng nhẹ khác nhau. Nghiêm trọng nhất là ĐT617, taluy âm km10+450 (trái tuyến) bị sạt sâu vào chỉ còn 0,5-1m bề rộng mặt đường nhựa và lề rãnh bên taluy dương. Các tuyến ĐT608, ĐT609, ĐT610, ĐT611 ngập nước tại nhiều vị trí trũng thấp. Để khắc phục sự cố, Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam dưới sự chỉ đạo của Sở GTVT, ban chức năng mấy ngày qua theo phương châm "4 tại chỗ" đã triển khai hốt dọn, sửa chữa nhiều điểm hư hỏng. Đến trưa 16.12, lưu thông trên QL4B diễn tiến bình thường, QL14D đã thông xe bước một và rào chắn cảnh báo. Trên QL14E, ngoài những điểm nước lũ băng qua tiếp tục bị ách tắc, đơn vị quản lý đang khẩn trương khắc phục thông xe bước một ở những vị trí sạt lở taluy dương, taluy âm, đất tràn mặt đường... Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam - ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, taluy dương bị sạt lở tại km68+800-km68+950 trên tuyến QL40B đã thông xe được 1/3 mặt đường, doanh nghiệp đang tiếp tục khắc phục đảm bảo giao thông. Trừ điểm còn ngập nước, nhiều tuyến ĐT hư hỏng cũng đã được sửa chữa. Riêng km10+450 thuộc ĐT617, đơn vị quản lý chỉ cho xe máy và ô tô nhỏ qua lại, đồng thời rào chắn cảnh báo nguy hiểm để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. “Điểm sạt lở taluy dương, chúng tôi cho hốt dọn, còn taluy âm sẽ kè rọ đá để thông xe bước một nhanh nhất có thể. Những khu vực đang ngập, đơn vị sẽ triển khai nhiệm vụ ngay sau khi nước rút” - ông Nguyễn Tuấn Anh nói. (CÔNG TÚ) * Đến 9 giờ sáng 16.12, hầu hết các vùng thấp của Điện Bàn như Vĩnh Điện, Điện Phước, Điện Phương, Điện Nam Trung… đã bị ngập lũ hoàn toàn. Theo ghi nhận của chúng tôi lúc 9 giờ sáng nay, nước đã tràn quốc lộ 1 Tại xã Điện Phương, nơi bị ngập lụt nặng nhất Điện Bàn, đến sáng nay hơn 70% nhà đã bị ngập nước 0,4 - 0,6m. Riêng khu vực Triêm Tây từ chiều hôm qua đến nay đã hoàn toàn bị chia cắt cô lập, đa số các nhà dân trong làng đã bị nước ngập. Theo ông Lê Đức Thu - Chủ tịch UBND xã Điện Phương, ngoài việc phối hợp với xã Cẩm Kim (Hội An) hỗ trợ dân, xã cũng đã bố trí ghe lớn túc trực di dời khi có sự cố xảy ra. “Đến giờ phút này vẫn chưa có thông tin gì về thiệt hại tài sản nghiêm trọng, còn về việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm thì cũng được người dân chuẩn bị từ trước rồi” - ông Thu thông tin. Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thị xã, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN Điện Bàn cho biết, hiện lũ lên tương đối chậm và vượt mức báo động 3 khoảng 0,3m, dự báo qua trưa sẽ bắt đầu rút. Tuy vậy, thị xã vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến lũ, nhất là thông báo, tuyên truyền cho người dân và chính quyền cơ sở về việc thực hiện phương châm "4 tại chỗ" nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của do lũ lụt gây ra. “Đến lúc này khoảng 50% diện tích Điện Bàn đã bị ngập, riêng diện tích hoa màu trên địa bàn thị xã đã bị hư hại hoàn toàn, nặng nhất là các xã vùng Gò Nổi và Điện Hồng… Đặc biệt, đến giờ phút này chúng tôi vẫn chưa có báo cáo gì về thiệt hại tài sản hay nhà cửa của các xã, phường gửi về” - ông Úc thông tin. (KHÁNH LINH) * Tại Hội An, lúc 9 giờ sáng nay 16.12, lũ lại lên cao trên mức báo động 3 là 0,35m và tiếp tục dâng. Lũ lên đã nhấn chìm nhiều vùng trũng thấp của các xã, phường như Cẩm Kim, Thanh Hà, Cẩm Nam, Minh An, Cẩm Phô, Cẩm Châu..., có nơi bị ngập sâu hơn 3m. Ngoài ra nhiều tuyến phố, tuyến đường nối khu dân cư bị lũ chia cắt, gây cô lập với bên ngoài. Trước diễn biến của mưa lũ, UBND TP.Hội An đã chỉ đạo có các ngành hữu quan thông báo rộng rãi trên hệ thống thông tin của thành phố và giao cho các lực lượng chức năng cùng các địa phương ở vùng thấp lụt tăng cường công tác quản lý, kiểm soát người và phương tiện, không để cho người dân đi lại trên sông để vận chuyển khách hoặc vớt củi, đánh bắt hải sản khi lũ lớn. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nói: “Các tuyến đường ngập lụt sâu, nguy cơ nếu để người và phương tiên đi lại mất an toàn nên chúng tôi chỉ đạo Công an thành phố triển khai lực lượng chốt chặn, đặc biệt là không cho đi ra đường Bạch Đằng và sông Hoài, để đảm bảo an toàn. Lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo Phòng Thương mại du lịch nắm lại lượng khách đang lưu trú ở các cơ sở lưu trú vùng thấp lụt để yêu cầu phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho du khách”. (MINH HẢI - LÊ HIỀN - PHÚ TOÀN) Bắt đầu sơ tán và tiếp tế lương thực và nước uống cho dân vùng ngập lũ Hội An Để chủ động đối phó với lũ và bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân, du khách, sáng nay, UBND TP.Hội An đã huy động tất cả các lực lượng, phương tiện giúp người dân vùng nước ngập sâu chảy xiết sơ tán đến nơi an toàn. Đồng thời tiếp tế lương thực và nước uống cho người dân. Cho đến 11 giờ trưa ngày 16.12, tại Hội An vẫn đảm bảo an toàn cho người dân và du khách. Do lũ ngập và mưa lớn đã gây thiệt hại rau màu và không có nguồn cung cấp từ các nơi khác khiến rau xanh tại Hội An bị khang hiếm, và giá cũng khá cao. Tuy vậy, các mặt hàng rau vẫn không đủ cung cấp cho người dân và nhu cầu của các nhà hàng khách sạn. Lũ ngập các cây xăng dầu, khiến cho nhiên liệu bị thiếu hụt. (MINH HẢI) * Tại huyện Đại Lộc, Chủ tịch UBND xã Đại Cường - ông Trần Quốc Đạt thông tin, lúc 18 giờ 15 phút chiều 15.12, trong lúc đang bắt heo để đưa lên cao tránh lũ, ông Trần Văn Hùng (sinh 1967, trú thôn 8, Đại Cường) bị điện giật gây tử vong. Sáng nay 16.12, lãnh đạo xã đã đến thăm viếng, động viên gia đình. Cũng theo ông Đạt, thống kê đến chiều tối 15.12, địa phương có khoảng 625 ngôi nhà bị ngập lụt, hơn 2.000m2 đất bị sạt lở, 75ha hoa màu hư hại. Bị cô lập suốt mấy ngày ròng, đợt mưa lũ mới xảy ra đêm qua làm cho 90% ngôi nhà của thôn 8 và thôn 9 ngập, sâu nhất phải trên 2m. Đêm 15.12, hàng loạt thủy điện cùng xả lũ khiến mực nước sông đột ngột dâng cao trong đêm, mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa trên mức báo động 3 hơn nửa mét. Trước hiện tượng lũ về đột ngột, người dân trên địa bàn cuống cuồng dọn lũ, đưa gia súc, gia cầm đi trốn lũ hoặc đưa lên khu vực, chuồng trại cao ráo trú ẩn. Giao thông trên địa bàn huyện bị tê liệt hoàn toàn, nhiều cơ quan hành chính bị ngập sâu trong nước. Chủ tịch UBND xã Đại Minh - ông Phan Năm cho biết, hiện tại có khoảng 30% ngôi nhà trên địa bàn bị nước lũ tràn vào, tổng cộng có 175ha hoa màu hư hỏng hoàn toàn. Nhiều tuyến đường liên thôn bị chia cắt, nước chảy xiết làm xói lở lề đường. Theo ông Hứa Văn Hùng - Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa, các tiểu thương chợ Ái Nghĩa trong ngày hôm qua tiếp tục đưa hàng hóa lên cao đề phòng bất trắc. Tuy nhiên, mực nước đạt đỉnh khuya ngày 15.12 còn cách nền chợ chính 0,4m nên không gây thiệt hại gì. Với mực nước lũ trên báo động 3 gần 0,5m, thị trấn có khoảng 40% ngôi nhà bị nước tràn vào. Hiện tại, nước lũ đang còn ở mức cao, nhiều nơi bị chia cắt nên việc thống kê con số chính xác về thiệt hại chưa thể tiến hành được. Tại trụ sở làm việc của thị trấn, nước lũ còn ngập sâu khoảng gần 0,2m.(CÔNG TÚ - HOÀNG LIÊN) * Theo thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP.Hội An, đến 11 giờ trưa nay 16.12, lũ vẫn tiếp tục dâng cao ảnh hưởng đến hầu hết các xã, phường của thành phố. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN Hội An cho biết, mực nước tại Hội An hiện đã vượt mức báo động 3 khoảng 0,3m và đang có dấu hiệu tăng thêm. Hầu hết các xã, phường ven sông như Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Thanh Hà… đều đã bị ngập, nặng nhất là Cẩm Kim bị ngập trên 90% diện tích. Riêng tại khu phố cổ, đến 11 giờ trưa nay phần lớn các tuyến phố như Nguyễn Thái Học, Trần Phú… đã ngập sâu trong nước, hoạt động bán vé tham quan phố cổ đã tạm dừng nên khách có thể tự do tham quan. Đặc biệt, nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc trong mùa lũ với du khách, thành phố đã ban hành lệnh cấm dân chèo thuyền chở khách tham quan các tuyến đường trong phố, riêng tại các tuyến phố ngập nặng đều bố trí người chốt chặn. Trường hợp nếu dân có việc đi phải bắt buộc mặc áo phao. Riêng việc di dời khách từ khu vực thấp lũ đến vùng cao như khu vực An Hội, thành phố giao cho các khách sạn tự tổ chức di dời. Cũng theo ông Nguyễn Thế Hùng, đến nay tất cả các di tích trong phố cổ đều an toàn vì đã được chèn chống từ trước. “Việc chằng chống di tích trong phố cổ là công việc thường xuyên vào mùa mưa bão nên không có gì đáng ngại. Nói chung đến nay tình hình vẫn nằm trong tầm kiểm soát và theo dõi, vấn đề lo nhất là lũ ngâm dài ngày vì hiện tại gió chướng rất mạnh” - ông Nguyễn Thế Hùng cho biết thêm. (KHÁNH LINH - MINH HẢI) * Tại huyện Bắc Trà My, chiều 15.12, mưa lũ làm 1 người chết. Nạn nhân là ông Lê Công Đức (SN 1968) - công nhân hợp đồng của Công ty 384 đang thi công đường Đông Trường Sơn đoạn qua xã Trà Đốc. Trước đó, trên đường lội suối về đơn vị, ông Đức bị nước cuốn trôi. Đến 17 giờ cùng ngày, chính quyền địa phương đã phối hợp tìm được thi thể nạn nhân. Lúc 9 giờ sáng nay 16.12, tại tổ Đàng Nước (thị trấn Trà My), mưa lớn đã làm sạt lở đất gây sập hoàn toàn căn nhà của hộ bà Hoàng Thị Hà. Rất may không ảnh hưởng về người. Hiện tại, tuyến quốc lộ 40B từ thị trấn Trà My đi các xã vùng cao của huyện Bắc Trà My bị cô lập hoàn toàn do mực nước Sông Trường (xã Trà Sơn), Sông Oa (xã Trà Tân) lên cao. Hiện nay, có 6/13 xã, thị trấn tại địa phương bị cô lập hoàn toàn không lưu thông được. Tuyến đường ĐH8 từ xã Trà Đốc đi Trà Bui mưa lũ làm xói lở, đứt một đoạn đường dài khoảng 25m, hiện tại giao thông tuyến này bị chia cắt hoàn toàn. Tuyến ĐH4 xã Trà Giác đi xã Trà Ka mưa lũ tiếp tục gây thiệt hại lớn đến các công trình giao thông trên tuyến. Cạnh đó, mưa lũ tiếp tục gây sạt lở bờ kè tại sông Trạm (xã Trà Đông), suối Toong (xã Trà Giáp) và suối Nứa (xã Trà Giang) làm ảnh hưởng nhiều diện tích đất nông nghiệp của nhân dân. Tại Thị trấn Trà My, mưa lớn tiếp tục gây sạt lở nhiều điểm như tại tuyến đường Nam Quảng Nam, thuộc tổ Minh Đông và tổ Đồng Bàu. Ngoài ra sạt lở nhiều khối lượng đất, đá gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Hiện nay để khắc phục tạm thời tình trạng thiệt hại, UBND huyện Bắc Trà My đã chỉ đạo lực lượng chức năng của huyện, lực lượng xung kích các xã, thị trấn giúp hộ bà Hoàng Thị Hà di dời đến ở tại trụ sở tổ dân phố Đàn Nước. Huyện tiếp tục theo dõi, chốt chặn các điểm bị cô lập, tổ chức lực lượng cứu hộ các điểm xung yếu và tổ chức trực ban 24/24 giờ. Cùng với đó, UBND huyện Bắc Trà My cũng đã đi kiểm tra thực tế tại các địa phương bị ảnh hưởng, chỉ đạo các xã, thị trấn huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi an toàn. Đối với các công trình cơ sở hạ tầng giao thông, UBND huyện đang tiến hành huy động lực lượng, phương tiện thông tuyến trong thời gian sớm nhất. (HỒ THỊ THÚY VÂN)Người dân xã Chà Vàl cùng giúp khắc phục sạt lở đất tại thôn Abát. Ảnh: T.Đ.S Nhiều ngôi nhà của người dân vùng cao bị mưa lũ đe dọa. Ảnh: T.Đ.S Nhiều tuyến đường lên vùng cao Tây Giang bị sạt lở nặng. Ảnh: P.R Thanh tra Sở GTVT kiểm tra điểm ngập lũ trên ĐT609B, đoạn thuộc đường dẫn cầu Giao Thủy, Đại Lộc. Ảnh: C.T Nông Sơn hiện có 99 căn nhà đang ngập lụt. Ảnh: MINH THÔNG Các tuyến giao thông đều được chốt chặn. Ảnh: MINH THÔNG Lai dắt thuyền đánh cá của ngư dân Lê Văn Trí. Ảnh: HỒNG ANH Mọi tuyến đường vào xã Điện Phương đều đã bị cô lập nên người già, trẻ em đang được ưu tiên di tản bằng ghe. Ảnh: QUỐC TUẤN Người dân thôn Bồng Lai, xã Điện Minh tập trung bò lên điểm cao để tránh lũ. Ảnh: QUỐC TUẤN Nước lũ còn băng qua trên một tuyến ĐT ra hướng Đà Nẵng. Ảnh: C.T Người dân đẩy xe máy đi trên đoạn ĐT609B chưa rút hết nước qua nội thị Ái Nghĩa, Đại Lộc. Ảnh: C.T Nhiều cây xăng ngừng hoạt động do ngập nước. Ảnh: MINH HẢI Người dân thị trấn Ái Nghĩa lau chùi nền nhà khi nước đang rút dần. Ảnh: C.T Lũ gây ngập nặng tại Hội An. Ảnh: KHÁNH LINH Rau quả ở các chợ Hội An đắt đỏ. Ảnh: MINH HẢI Hội An nghiêm cấm các hoạt động đưa đón khách tham qua bằng nghe trên phố. Ảnh: KHÁNH LINH : Sạt lở đất gây sập nhà bà Hoàng Thị Hà. Ảnh: THÚY VÂN