Chủ nhật vừa rồi, lên vùng Gò Nổi của thị xã Điện Bàn tìm hiểu tình hình sản xuất các loại hoa màu vụ đông xuân 2016 - 2017, Tư tôi tranh thủ ghé thăm vợ chồng anh Sáu Kỳ Lam ở xã Điện Quang. Anh Sáu đang ngồi chống cằm ngó ra đồng với vẻ mặt buồn thiu và cho biết, đợt mưa lũ cách đây 10 ngày làm cả 7 sào ớt mới xuống giống bị hư hại hoàn toàn.
Vợ chồng anh Sáu Kỳ Lam có 7 sào đất màu trên bãi biền Long Hội. Từ năm 2008 đến nay vụ đông xuân nào anh cũng trồng giống ớt Trang Nông 631 theo phương thức chuyên canh. Anh Sáu cho biết, riêng mùa ớt năm ngoái, nhờ năng suất đạt khá cao, giá bán lại rất hấp dẫn nên gia đình anh thu về tổng cộng 90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí đầu tư, còn lại lãi ròng 60 triệu đồng. Gần cuối tháng 10 dương lịch năm nay, thấy trời nắng ấm, anh Sáu cầm 4 triệu đồng xuống Vĩnh Điện tìm mua hạt giống ớt có chất lượng tốt về ươm 15 nghìn bầu và hôm 20.11 vừa rồi anh thuê thêm 5 nhân công ở địa phương đưa toàn bộ số bầu ớt ấy ra trồng đồng loạt trên 7 sào đất màu. Thế nhưng, do không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió đông trên cao nên từ sáng 30.11 đến chiều 4.12 trời liên tục trút xuống những cơn mưa xối xả rồi lũ ở phía thượng nguồn đổ về cuồn cuộn khiến cả 7 sào ớt của anh Sáu Kỳ Lam bị chìm trong biển nước. Anh Sáu nói: “Chú Tư mi biết không, vì nước lũ ngâm quá nhiều ngày nên cây ớt con bị chết và thối rục hết. Ruộng ớt mất trắng đồng nghĩa với việc 9 triệu đồng tui bỏ ra mua hạt giống, phân bón, thuê máy làm đất, mướn công lao động xuống giống đã mất đứt. Bây giờ, mặc dù rất khó khăn nhưng gia đình tui cũng phải cố mà xoay xở để triển khai trồng lại 7 sào ớt chứ nếu chán nản rồi bỏ đất hoang thì ăn Tết Nguyên đán xong biết lấy tiền đâu trang trải cuộc sống”.
Đâu riêng gì vợ chồng anh Sáu Kỳ Lam, lội qua nhiều đồng đất thuộc xã Điện Quang, Tư tôi cũng tận mắt thấy những nông dân khác đang khoanh tay đứng nhìn hàng loạt ruộng đậu, bắp, ớt… bị hư hại nghiêm trọng vì thiên tai. Trao đổi với Tư Ruộng, ông Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Hợp tác xã Điện Quang cho biết, đợt mưa lũ vừa qua toàn xã có 153ha hoa màu mới xuống giống bị dập nát, ngập úng, thối nhũn dẫn đến mất trắng hoàn toàn. Số diện tích này tập trung chủ yếu ở quê anh Sáu Kỳ Lam và các thôn Vân Ly, Phú Đông, Bến Đền Tây, Bến Đền Đông. Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chơi – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn cho hay, ngoài 153ha hoa màu của xã Điện Quang thì tại 6 địa phương khác gồm Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước, Điện Phong, Điện Trung, Điện Phương cũng có 397ha đậu cô ve, ớt, bắp lai, đậu phụng, bắp nếp và nhiều loại rau quả vừa gieo trồng khoảng 7 - 12 ngày trên những bãi biền ven sông Thu Bồn đã bị mưa lũ làm hư thối hết. Theo ông Chơi, với tổng số 550ha cây trồng cạn, rau đậu bị mất trắng đó, ước tính nông dân Điện Bàn thiệt hại không dưới 11,5 tỷ đồng.
Sáng hôm qua, nghe Tư tôi kể chuyện, chị Ba Trồng Trọt thông tin: “Thị xã Điện Bàn không phải là địa phương cá biệt đâu chú Tư mi. Đợt mưa lũ muộn vừa rồi tại các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Nông Sơn, Phú Ninh và nhiều nơi khác của xứ Quảng mình cũng có hàng trăm héc ta hoa màu vụ đông xuân mới triển khai xuống giống bị hư hại hết sức nặng nề. Trong thời buổi đời sống kinh tế còn bộn bề khó khăn như hiện nay thì việc nhà nông phải bỏ ra một khoản tiền khá lớn để sản xuất lại số diện tích mất trắng do thiên tai gây ra là chuyện không hề đơn giản. Tuy nhiên, dù vất vả mấy họ cũng phải nỗ lực khắc phục, bởi nếu không gieo trồng lại thì gánh lo cơm áo gạo tiền càng thêm nặng”.
TƯ RUỘNG