Mùa mới vươn khơi

07/02/2017 09:38

Không khí ra quân khai thác hải sản đầu năm Đinh Dậu rất sôi nổi tại nhiều vùng quê biển. Thời tiết đang rất thuận lợi tạo thêm khí thế cho các đoàn tàu nhổ neo vươn khơi trong mùa biển mới.

Quảng Nam đang gia tăng đội tàu vỏ thép trên các vùng biển xa. Ảnh: QUANG VIỆT
Quảng Nam đang gia tăng đội tàu vỏ thép trên các vùng biển xa. Ảnh: QUANG VIỆT

TÀU LỚN NHỔ NEO

Được động viên, khích lệ từ lễ ra quân khai thác hải sản xa bờ do UBND huyện Núi Thành tổ chức vào sáng hôm qua (6.2), nhiều ngư dân ở xã Tam Quang chuẩn bị ra khơi với tâm trạng phấn chấn. Sau lễ xuất quân mở biển lần này, nhiều ngư dân sẽ nhổ neo những con tàu lớn, ra khơi…

Động lực mới

Ngư dân Huỳnh Văn Tạo (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) chia sẻ: “Chuyến biển đầu năm mới bao giờ cũng mang theo rất nhiều ý nghĩa nên chúng tôi chuẩn bị kỹ lưỡng. Vạn sự khởi đầu nan nên chuyến “mở biển” thành công thì các chuyến tiếp theo sẽ có thêm động lực. Thời tiết rất thuận lợi, kỳ vọng một năm sản xuất thành công”. Ông Tạo là một trong những ngư dân kỳ cựu của huyện Núi Thành. Đã sở hữu 3 tàu vỏ gỗ là QNa-90398, QNa-91144 và QNa-90244 có cùng công suất 718CV, ông Tạo còn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ, đóng thêm tàu vỏ thép QNa-91944 có công suất 829CV để tự lập nên đội tàu sản xuất ở vùng biển Hoàng Sa bằng nghề lưới vây. “Mỗi tàu ra khơi cần hơn 1.000 cây đá, khoảng 8 tấn dầu và đầy đủ các nhu yếu phẩm khác như gạo, gas, thực phẩm. Tàu vỏ thép đi chuyến mở hàng lần này sẽ là “anh cả” cho toàn đội tàu của tôi. Chúng tôi sẽ vận hành khai thác hải sản bằng cách khép kín, sẽ có tàu đưa sản phẩm khai thác được về đất liền bán rồi chở các mặt hàng thiết yếu ra phục vụ cho sản xuất chung của toàn đội” - ông Tạo nói. Cách sản xuất của ông Tạo có rất nhiều ưu điểm là giảm chi phí sản xuất, tránh bị o ép giá hải sản, tăng thời gian bám biển và đặc biệt là hỗ trợ lẫn nhau cũng như phối hợp với các tàu cá khác đối phó với các tình huống tai nạn, rủi ro trên biển.     

Mùa biển mới này sẽ có thêm nhiều tàu vỏ thép hoạt động trên các vùng biển xa. Ảnh: Q.VIỆT
Mùa biển mới này sẽ có thêm nhiều tàu vỏ thép hoạt động trên các vùng biển xa. Ảnh: Q.VIỆT

Mùa biển này, ở các xã Tam Quang, Tam Hải và Tam Giang (huyện Núi Thành) sẽ có thêm nhiều tàu vỏ thép ra khơi lần đầu. Ngư dân Phan Bá Tầm (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) vừa hoàn thành các thủ tục đăng kiểm cho tàu vỏ thép QNa-91697 theo nghề chụp mực và sẽ ra khơi, dự kiến là ngày 16 âm lịch tháng Giêng. “Đầu xuôi thì đuôi lọt nên chúng tôi chuẩn bị chu đáo cho chuyến “mở biển” của con tàu vỏ thép có công suất 829CV. Tàu đã bố trí xong 1.500 cây đá, 10 tấn dầu, lương thực, thực phẩm đủ cả. Chúng tôi sẽ vươn khơi với 10 bạn biển cùng quê. Mọi người phấn khởi lắm vì tàu vỏ thép vượt trội về năng lực sản xuất, cách bảo quản hải sản cũng như đương đầu với thiên tai, địch họa” - ông Tầm nói.

Có gần 1.000 phương tiện tham gia tổ, đội đoàn kết

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 4.300 phương tiện nghề cá với tổng công suất 220.000CV. Để vừa khai thác hiệu quả nguồn lợi hải sản, vừa hỗ trợ nhau, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, các nghiệp đoàn nghề cá trong tỉnh đã quy tụ được gần 140 tổ, đội tàu cá liên kết sản xuất xa bờ với sự tham gia của gần 1 nghìn phương tiện và gần 8 nghìn lao động. Để đẩy mạnh phát triển nghề cá, HĐND tỉnh đã thông qua điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tỉnh đang sắp xếp lại hoạt động nghề cá, đến năm 2020 đặt mục tiêu có tổng số tàu xa bờ toàn tỉnh đạt 600 chiếc, năm 2030 đạt 750 chiếc.

Khai thác hải sản Quảng Nam có 3 nghề chủ lực là câu mực khơi, lưới vây và chụp mực. Trong khi các tàu câu mực khơi của tỉnh đã lần lượt nhổ neo, ra khơi bám biển Trường Sa thì do đặc thù sản xuất theo “vòng trăng” nên phải đến qua rằm, các tàu cá theo nghề lưới vây và chụp mực mới có thể đánh bắt hải sản được ở ngư trường Hoàng Sa. Ngư dân Trần Công Tú (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) - chủ tàu chụp mực QNa-95267 cho biết: “Sau lễ cầu ngư là chúng tôi vươn khơi ngay. Đầu năm, các bạn biển háo hức lắm. Nghề này đem lại thu nhập cao vì có thể khai thác nhiều loại mực lá, mực nang có giá trị kinh tế cao. Thời tiết thuận lợi, rất mong chuyến biển mở hàng suôn sẻ”.

Kỳ vọng

Huyện Núi Thành có 2.320 phương tiện sản xuất trên biển, trong đó có 276 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, 152 chiếc có công suất từ 400CV trở lên. Điều đáng mừng là số tàu cá công suất từ 400CV trở lên tăng thêm. Trong vòng 2 năm qua, tận dụng cơ chế ưu đãi của Chính phủ, huyện Núi Thành có thêm 50 tàu cá có công suất hơn 800CV đi vào sản xuất trên các vùng biển xa. Từ nguồn vốn vay không lãi suất của Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam, các ngư dân đã tiếp cận, vay vốn, đóng mới, đưa 2 tàu cá có công suất hơn 600CV đi vào sản xuất trong năm 2016. Ở huyện Thăng Bình - địa phương có nghề cá lớn thứ 2 sau Núi Thành, nghề khai thác hải sản cũng có nhiều thuận lợi. Cũng từ cơ chế ưu đãi của Chính phủ và tỉnh, ngư dân Thăng Bình đã tiếp cận và đóng mới tàu công suất lớn. Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, hiện số tàu lớn hoạt động trên các vùng biển xa của địa phương đã tăng lên 150 chiếc. Năm qua, sản lượng hải sản khai thác được của huyện đạt con số “kỷ lục” là 18 nghìn tấn. Ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, ngư dân địa phương không ngừng vượt khó, vươn khơi sản xuất xa bờ, có nguồn thu nhập ổn định. Từ tích lũy vốn, ngư dân có đối ứng để tiếp cận được các chính sách ưu đãi của Chính phủ và tỉnh trong thời gian đến, qua đó đóng thêm tàu vỏ thép, tàu composite hiện đại, sản xuất thuận lợi và thành công hơn trong thời gian đến. Năm 2016, sản lượng khai thác hải sản của ngư dân huyện Núi Thành đạt hơn 40 nghìn tấn. Kỳ vọng vào năm 2017 là 42 nghìn tấn hải sản.

Thực hành lái tàu vỏ thép. Ảnh: Q.VIỆT
Thực hành lái tàu vỏ thép. Ảnh: Q.VIỆT

Cùng với nguồn vốn vay ưu đãi, các ngư dân sản xuất xa bờ, tập trung chủ yếu ở Núi Thành và Thăng Bình còn được tiếp sức từ chính sách bảo hiểm. Trong vòng 2 năm qua, UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm của ngư dân với tổng số tiền là gần 15 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ phí mua bảo hiểm thân tàu là gần 7,7 tỷ đồng, hỗ trợ mua bảo hiểm rủi ro đặc biệt gần 3,6 tỷ đồng, hỗ trợ mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên hơn 2,4 tỷ đồng. Ngư dân Quảng Nam còn được hỗ trợ nhiên liệu với gần 200 tỷ đồng được giải ngân trong thời gian gần đây. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT mong ngư dân Quảng Nam mạnh dạn tiếp cận, ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, không chỉ tăng sản lượng khai thác hải sản mà còn tạo chuyển biến về chất trong nghề cá.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam nói riêng, miền Trung nói chung có tiềm năng khai thác hải sản vô cùng phong phú. Ngư dân Quảng Nam luôn tìm cách mở rộng ngư trường, đến các vùng biển toàn miền Trung sản xuất. Vậy nhưng, thời gian qua, ngư dân thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn, ngày càng khốc liệt hơn, không những thiên tai mà còn nhân tai, tranh chấp ngư trường đánh bắt, tranh chấp trên Biển Đông. “Trong thời gian tới, mong muốn các cấp, ngành Trung ương cần có nhiều cơ chế hỗ trợ cho ngư dân hơn nữa. Mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển đã đem lại ý nghĩa thiết thực, cần có cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể hơn nữa để huy động các tàu cá vào hoạt động vững chắc. Mô hình này cũng cần được gắn kết chặt chẽ giữa các tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là miền Trung, tạo khối thống nhất đoàn kết lớn mạnh hơn nữa” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói. (NGUYỄN QUANG VIỆT)

CHỜ NGÀY MỞ BIỂN

Sau những ngày vui xuân đón tết cổ truyền, ngư dân huyện Duy Xuyên lại tất bật chuẩn bị cho chuyến vươn khơi “mở hàng” với hy vọng một năm trời yên biển lặng, thuyền về tôm cá đầy khoang...

Chủ tàu nộp nhiên liệu để xuất hành mở hàng. Ảnh: HOÀI NHI
Chủ tàu nộp nhiên liệu để xuất hành mở hàng. Ảnh: HOÀI NHI

Sẵn sàng ra khơi

Sau tết, tàu có công suất lớn neo đậu tại cảng cá An Lương (xã Duy Hải, Duy Xuyên) chực chờ lướt sóng vươn khơi. Trên các boong tàu, ngư dân khẩn trương kiểm tra lại ngư cụ và dùng thúng chai vận chuyển thức ăn, nước uống dự trữ. Trong khi đó, một số chiếc tàu nhỏ khai thác gần bờ cũng đang hối hả nộp nhiên liệu để “mở biển” đầu năm. Vừa kiểm tra lại vàn lưới, ngư dân Nguyễn Văn Dưỡng ở thôn Thuận Trì (xã Duy Hải) vừa cho biết, chiếc tàu của ông chuyên làm nghề rập ghẹ. Năm trước, ông khởi hành vào ngày mùng 4 tết. Ông Dưỡng hồ hởi nói: “Chuyến biển mở hàng của năm Bính Thân, sau khi trả tiền công với mức khá cao cho những người đi bạn, trừ chi phí mua nhiên liệu và các nhu yếu phẩm, tôi thu được khoảng 50 triệu đồng. Hy vọng chuyến biển đầu tiên của năm Đinh Dậu này chúng tôi sẽ lại thắng lớn”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Quốc Hai - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Duy Hải cho biết, hiện nay địa phương có 130 chiếc tàu thuyền với tổng công suất 7.059CV, tăng 1.100CV so với cách đây 2 năm. Trong năm 2016 ngư dân Duy Hải đánh bắt được 6.035 tấn hải sản các loại, giảm 500 tấn so với năm 2015. Nguồn lợi thủy hải sản ngày càng cạn kiệt, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, chi phí chuyến biển tăng… là những khó khăn chung đối với ngư dân. Để nâng cao hiệu quả đánh bắt, thời gian qua nhiều ngư dân Duy Hải đã mạnh dạn đầu tư cải hoán tàu thuyền và mua sắm nhiều ngư lưới cụ, máy móc hiện đại. Ông Hai nói: “Thời điểm cận Tết Đinh Dậu, nhiều ngư dân Duy Hải đã hoàn tất việc tu bổ tàu thuyền. Bắt đầu từ ngày mùng 9 tháng Giêng, 47 chiếc tàu chủ lực hành nghề câu mực lá xuất khẩu cùng một số tàu làm những nghề khác lần lượt xuất bến, hướng ra các ngư trường truyền thống. Tôi tin rằng, sau những khó khăn trong thời gian qua, bước sang năm mới này, ngư dân sẽ bội thu tôm cá và giá bán sản phẩm trên thị trường sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, tôi cũng mong các ngành, các cấp sớm nghiên cứu giảm bớt những thủ tục cho vay vốn ưu đãi để bà con ngư dân dễ dàng tiếp cận nhằm có điều kiện phát triển mạnh sản xuất”.

Hiện đại hóa đội tàu

Đứng nhìn con tàu vỏ thép hiện đại mang số hiệu QNa-93455, ngư dân Đỗ Văn Tiến (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) cho hay, trước đây tàu của ông có công suất nhỏ nên chủ yếu đánh bắt quanh quẩn ở gần bờ, vì vậy sản lượng khai thác không cao. Với mong muốn vươn ra ngư trường Hoàng Sa, năm 2016 ông Tiến quyết định đăng ký làm các thủ tục vay vốn đóng tàu vỏ thép theo nghị định của Chính phủ. Chiếc tàu vỏ thép của ông Tiến có chiều dài 28m, rộng 7m, cao 3,1m, được lắp máy chính mới hoàn toàn do nước ngoài sản xuất với công suất hơn 800CV. Mặt khác, tàu được trang bị các thiết bị hiện đại như hải đồ, ra đa, máy nhận dạng, định vị… với tổng kinh phí đầu tư 16,3 tỷ đồng, trong đó Ngân hàng BIDV cho vay ưu đãi gần 95% giá trị con tàu. Ông Tiến chia sẻ: “Từ khi tàu hạ thủy đến nay, tôi đã đi được 4 chuyến biển, tổng sản lượng khai thác khoảng 30 tấn hải sản các loại và thu về 400 triệu đồng. Hy vọng năm nay mỗi khi ra khơi con tàu vỏ thép này đều trúng đậm cá tôm để tôi và các thuyền viên có nguồn thu nhập cao nhằm tăng thêm động lực tiếp tục bám tàu, bám biển”.

Không riêng gì ông Đỗ Văn Tiến, thời gian qua nhiều ngư dân khác ở huyện Duy Xuyên cũng mạnh dạn vay vốn đóng tàu công suất lớn, hiện đại để vươn ra khơi xa. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Châu Giang - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, địa phương có 3 trong tổng số 14 xã, thị trấn có thế mạnh phát triển kinh tế biển gồm Duy Vinh, Duy Nghĩa, Duy Hải. Tính đến thời điểm này, toàn huyện có gần 300 chiếc tàu thuyền với tổng công suất máy khoảng 14.000CV, tăng 5.000CV so với đầu năm 2016. Đáng chú ý, hiện nay Duy Xuyên có 5 chiếc tàu vỏ thép đã hạ thủy, 4 chiếc khác đang triển khai đóng và dự kiến trong quý I.2017 sẽ đưa vào khai thác. Theo ông Giang, những năm gần đây, chúng tôi luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con ngư dân tiếp cận với các cơ chế, chính sách ưu đãi của Nhà nước thông qua việc công khai trình tự thủ tục thẩm định, phương án vay vốn, thông báo kịp thời cho người dân biết các hồ sơ chưa đủ điều kiện vay theo Nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ. Cùng với đó, địa phương tập trung củng cố, kiện toàn những tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển để ngư dân hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời kiến nghị với ngành cấp trên quan tâm hoàn thiện và mở rộng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá. Đặc biệt, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm để tìm kiếm thêm những thị trường mới nhằm góp phần đảm bảo đầu ra ổn định, tạo bước đột phá trong lĩnh vực khai thác thủy hải sản. (HOÀI NHI)

KHÁT VỌNG VƯỢT QUA SÓNG GIÓ

Đã qua Tết Nguyên đán, hàng trăm tàu thuyền của ngư dân Hội An vẫn chưa thể ra khơi đánh bắt. Khó khăn còn đó nhưng khát vọng vươn khơi bám biển, nâng cao đời sống, góp phần giữ gìn biển đảo quê hương vẫn luôn cháy bỏng.

Ngư dân sửa sang lại ngư lưới cụ, chờ ngày ra khơi. Ảnh: VĂN SỰ
Ngư dân sửa sang lại ngư lưới cụ, chờ ngày ra khơi. Ảnh: VĂN SỰ

Sau Tết Nguyên đán, tại cửa biển Cửa Đại, hàng trăm tàu thuyền lớn nhỏ của ngư dân Hội An vẫn còn neo đậu ngày này sang ngày khác. Phường Cửa Đại có hơn 125 tàu cá với hơn 600 lao động làm nghề biển. Sau các đợt lũ lụt cuối năm ngoái, cửa biển bồi lấp khiến ngư dân không thể ra khơi, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn. Ngồi trên tàu nhìn những con sóng nối đuôi nhau xa tít tắp, chốc chốc, ngư dân Lê Hải lại chau mày, tỏ vẻ băn khoăn, lo lắng: “Mấy tháng vừa qua chủ yếu nằm bờ vì biển động và cửa biển bị bồi lấp. Tàu nhỏ ra cửa thì dễ gãy chân vịt, tàu lớn ra không được”. Ông đốt nén nhang để tri ân, ngưỡng vọng về ân phúc của đất trời, biển cả và thầm mong cửa biển sớm được nạo vét, thông dòng. Ông chia sẻ, những ngày qua ngư dân làng biển chuẩn bị cho ngày hội cầu ngư tế xuân để xuất quân ra khơi đánh bắt vụ cá nam. Những ngày hội làng sẽ đem lại niềm lạc quan và hy vọng, có thêm nguồn động lực cổ vũ cho bà con vượt qua khó khăn trong nghề sông nước.

Đồng cảm với những khó khăn của ngư dân, ông Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Cửa Đại cho biết, ngay trước Tết Đinh Dậu, phường đã tổ chức đoàn cán bộ đến thăm hỏi, động viên bà con, đồng thời lập danh sách cụ thể từng hộ gửi lên thành phố hỗ trợ. Các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương đã hỗ trợ 520 suất quà, mỗi suất 500 nghìn đồng cho các hộ, cùng với đó, 120 hộ ngư dân khó khăn cũng đã được tặng quà ăn tết. Dù phần quà hỗ trợ là không nhiều nhưng đó là sự sẻ chia của xã hội đối với những khó khăn trước mắt. Còn về phía chính quyền, ông Nguyễn Sinh - Chủ tịch UBND phường Cửa Đại nói: “Tỉnh, Trung ương cũng như các ngành đang tiến hành nạo vét cửa biển nhưng cũng đề nghị chỉ đạo tăng cường tiến độ cho nhanh để tạo điều kiện sớm cho ngư dân có điều kiện ra khơi đánh bắt trong các ngày sau tết”.

Như đã thông tin, cuối năm 2017, cửa biển Cửa Đại (Hội An) bị bồi lấp nên tàu cá gặp khó khăn khi ra vào, đặc biệt là những tàu có công suất lớn thì không thể qua lại vì luồng lạch quá cạn. Khu vực bị bồi lấp rộng hơn 1km. Lúc thủy triều xuống, độ sâu từ mặt nước đến đáy chưa tới 1m, lúc thủy triều lên cao cũng chưa tới 2m. Chính vì thế, tàu thuyền công suất 30CV trở lên không thể ra vào, chỉ có thuyền nhỏ đi được nhưng phải nương theo con sóng rất nguy hiểm. Trong khi đó, khu vực phía bắc Cửa Đại khoảng 300m, bờ biển bị xé toạc và mở ra một cửa lạch mới. Lượng bùn cát dạt về phía nam Cửa Đại làm hẹp dần cửa biển. TP.Hội An đã khẩn trương triển khai các phương án nạo vét nhưng vì nhiều lý do nên chưa thể thực hiện được. Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ: “Địa phương đã kiến nghị với tỉnh và phối hợp với Đoạn Quản lý đường thủy nội địa cho nạo vét khẩn cấp. Một mặt cho cắm, điều chỉnh vị trí phao phân luồng để có thể cho các phương tiện ra vào. Thứ đến, Đồn Biên phòng Cửa Đại cấm tất cả loại phương tiện, kể cả có tải hay không tải nếu không đảm bảo an toàn thì không cho ra vào cửa để đảm bảo an toàn về con người”. (QUỐC HẢI)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa mới vươn khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO