Mùa mưa, nhớ thú thả lờ...

TIÊU ĐÌNH 02/11/2014 09:41

Ở xứ “Phước Đức gàu nan, Ngô Cang đan lờ” nay thuộc thôn 4 và thôn 5 xã Quế Châu (Quế Sơn), không ai còn dùng gàu nan nữa, cũng rất ít người còn giữ nghề truyền thống đan lờ. Một số ít gia đình không nỡ quay lưng với nghề cha truyền con nối, không nỡ dứt bỏ đam mê thả lờ bắt cá nên thấy vẫn treo lủng lẳng một vài chục lờ mới để đợi mùa mưa. Cơn mưa đầu mùa năm nay ập đến muộn nhưng ồ ạt. Con nước trắng đục chảy tràn cánh đồng Ngô Cang, họ lại ới nhau đội mưa lăng xăng xách lờ ra đồng. Những bóng người thưa lẻ chìm trong màn mưa trắng đục gợi nhớ một thời người dân nơi đây chạy khắp đồng để quyết bắt cho được những con cá “ức nước đầu mùa”.

Đám người không mấy mặn mà với ‘thời tàn” của việc thả lờ thì tụm nhau trong quán cà phê xóm để nhìn đồng, nhìn mưa mà ôn chuyện cũ. Nghe họ kể đố ai không thấy “sướng nở người” nếu đã từng một thời trải qua thú vui này. Hồi đó, dân quê canh tác mỗi năm chỉ hai vụ, cánh đồng cấy toàn loại lúa hẻo, lúa lốc, lúa ba trăng… cao cây, rạ vàng xếp lớp nên ấm nước, cá từ trong hố ra, từ dưới sông Rù Rì lên tha hồ “sưởi ấm”, đẻ trứng, ăn đòng lúa và côn trùng. Đủ cách bắt: câu, tát, thả lờ, thả thỏ… mà vẫn còn rất nhiều cá cho đến ngày đồng lúa đã cấy lại. Với nhiều người, thả lờ là thú vui tinh thần, lại đậm đà vật chất. Đó là cái thú mặc cho mưa lạnh, cứ gói người trong tơi ấm, ngồi trên một tảng đá hay dưới bóng tre giữa đồng vừa nhai khoai sắn vừa giữ lờ. Hoặc là cái thú mỗi lần rút nghiêng thân lờ lên khỏi mặt nước mà nghe nằng nặng tay, rồi cá rô, cá tràu vùng “rét rét” trong lờ nghe thật đã tai!

Cá rô nảy thân tưng tưng vàng hươm, cá tràu, cá trê lại lóc qua lại ngó sướng mắt chi lạ. Theo kinh nghiệm, nước không mạnh mà lờ vẫn cứ trôi xuống mắc lại lưng chừng ngõ nước là đến chín mươi phần trăm được cá tràu to. Mười phần trăm còn lại đặt cược cho việc rắn nước chui vào lờ ăn cá phình to bụng, chui ra không lọt nên cố vùng vẫy làm trôi lờ. Thú nhất là tấn nước cạn thả lờ bắt cá trong một dãy ruộng dài. Cứ theo dõi thấy dãy ruộng nào nươm nước đầy lâu ngày, cá nhiều là chiều sập tối mang cuốc ra tấn nước sang hướng khác. Đêm, nước xuống gấp, cá lo lắng tìm đường thoát theo con nước rút. Đi quanh bờ ruộng nghe chúng hối hả vùng quẫy rổn rảng đã sướng đến nhịn ăn vẫn thấy no. Thế là sáng ra hốt gọn. Tất nhiên tối hôm đó phải thức để lo thăm lờ, trút cá chừng chừng. Nếu không, sáng ra không chừng cá nhiều lại phá rách lờ, hoặc bị người khác trút trộm.  

Cha ông ta có câu “siêng đi tát, nhác đi câu”, hiệu quả thả lờ không được nhắc tới, nhưng ai cũng cho rằng thả lờ “làm giỡn mà ăn thiệt”. Xưa, dường như ở quê tôi suốt mùa mưa món ăn chủ công vẫn là cá đồng, cùng với mắm cái, thơm muối, dưa muối tích lũy từ những ngày nắng chứ ít ai đi chợ từng bữa như bây giờ. Cứ cá ngoài đồng bắt về trống sẵn trong ảng, trong lu rồi xài chừng chừng, hết nướng lại chiên xù, kho mặn, nấu canh, nấu cháo…. Thích nhất là món cá rô nướng lửa than, dầm mắm ớt. Thịt cá rô nướng dai và thơm, cộng với một chút the the cay giữa cái se se lạnh của tiết trời mùa đông thật không gì tuyệt bằng. Bây giờ, cũng cánh đồng đó, sông suối đó, nhưng cá không còn vì thuốc trừ sâu, vì cách đánh bắt bằng châm điện từng ngày. Buồn thay...

TIÊU ĐÌNH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùa mưa, nhớ thú thả lờ...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO