Là một loại rau quý của biển, có giá trị dinh dưỡng cao, những ngày này đang vào mùa vụ chính của rau mứt nên nhiều người dân xã Tam Hải, Tam Quang (huyện Núi Thành) lại rủ nhau ra Bàn Than, biển Rạn để hái mứt.
Được mùa, được giá
Những ngày này dạo qua các thôn Thuận An (xã Tam Hải) hay thôn Sâm Linh Tây, An Hải Tây (xã Tam Quang)… sẽ bắt gặp những vỉ mứt biển màu đen tuyền được người dân đem ra phơi nắng. Theo người dân địa phương, rau mứt biển thường xuất hiện từ tháng 9 đến tháng 1 (âm lịch) hằng năm, nhưng nhiều nhất là từ giữa tháng 10 đến hết tháng 12, trong khoảng thời gian này rau mứt sẽ bám dày trên các bãi đá ven biển. Thời gian hái mứt trong ngày tùy thuộc vào con nước, thường bắt đầu khi thủy triều rút và kết thúc khi thủy triều lên. Bởi vậy, có khi 1 giờ sáng người dân đã dậy í ới gọi nhau cầm đèn pin đi hái mứt, và thường chỉ hái trong khoảng thời gian 3 - 4 tiếng/ ngày. Rau mứt trơn và bám rất chắc vào đá, bởi vậy khi hái người dân xoa lên tay ít tro trấu cho khỏi trơn rồi kiên nhẫn ngồi ngắt từng cọng mứt.
Nhiều người dân đổ xô đi hái mứt biển. Ảnh: THIÊN NGA |
Năm nay, biển động, bão nhiều và không khí lạnh tràn về sớm nên rau mứt nhiều hơn so với mọi năm, một ngày người dân ở đây có thể hái được từ 1 - 3kg mứt tươi. Bà Đoàn Thị Quân ở thôn Thuận An (Tam Hải) đã có hơn 40 năm đi hái mứt biển, bà cho biết: “Năm ni bão nhiều, biển động nên mứt biển bám dày hơn mọi năm, trung bình nếu hái vào ngày biển động thì được 3kg còn hái vào ngày biển êm thì được 5kg mứt tươi”. Còn ông Huỳnh Tuấn ở thôn Sâm Linh Tây (Tam Quang) cũng tranh thủ lúc biển động không thể ra khơi nên ở nhà đi hái mứt cùng với vợ. “Trung bình một ngày khoảng 4 tiếng, hai vợ chồng tôi có thể hái được 5kg mứt biển tươi, tính ra tiền thì được 500 nghìn đồng” - ông Tuấn cho biết.
Những năm gần đây, rau mứt được thu mua để xuất khẩu, nhiều nhất là sang Trung Quốc, Nhật Bản... Rau mứt là món quà quý được gửi đi cho những người xa quê. Được ưa chuộng như vậy nên giá rau mứt khá cao. Giá mứt năm nay càng cao hơn những năm trước. Nếu như mọi năm 1kg rau mứt tươi chỉ có giá 40 – 50 nghìn đồng và người dân phải bán dạo cùng chợ nhưng năm nay cứ đem tới chợ là nhiều tiểu thương hỏi mua, thậm chí tiểu thương ra tận biển để thu mua với giá 100 nghìn đồng/kg tươi và tới tận nhà mua rau mứt khô với giá 2 triệu đồng/kg. Cũng chính vì rau mứt được mùa lại được giá nên những ngày này có rất nhiều người dân tại hai xã đổ xô đi hái mứt biển. Riêng thôn Thuận An (xã Tam Hải) có gần 500 hộ dân thì đã có hơn 400 hộ đi hái mứt biển. Theo chị Lê Thị Thọ (một tiểu thương thu mua mứt biển), mứt mọc trên các bãi đá tại biển Rạn vẫn được ưa chuộng hơn cả, bởi mứt bám trên loại đá son nên không chỉ giòn hơn các loại mứt ở vùng biển khác mà còn không bị dính sạn nhờ người dân hái bằng tay chứ không cào.
Hái mứt ở những mỏm đá rất nguy hiểm vì dễ bị sóng cuốn trôi. |
Nghề nguy hiểm
Rau mứt là mặt hàng xuất khẩu có giá trị, người làm nghề chỉ cần 3 - 4 tiếng là thu nhập 300 – 500 nghìn đồng, nhưng để có được những tấm rau mứt đó, người đi hái có khi phải đánh đổi bằng cả sinh mạng của mình. Chúng tôi theo chân những người dân xã Tam Quang đi hái mứt biển mới thấy hết sự nguy hiểm của nghề. Không chỉ là cái lạnh căm của biển lúc sáng sớm, đầu các ngón tay bị bào mòn đến chảy máu vì phải hái bằng đôi tay trần chà sát dưới mặt đá cứng ráp mà sóng biển luôn rình rập những người hái mứt. Rau mứt thường mọc tốt ở bìa các mỏm đá nằm xa bờ nên người hái dễ bị sóng bất ngờ vây phủ. Vì vậy chỉ những người đàn ông hoặc phụ nữ trẻ tuổi, chạy nhanh và có sức khỏe mới dám ra những chỗ mỏm đá để hái. Chị Lê Thị Hạnh (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang) cho biết: “Hái tại các mỏm đá phải mặc áo mưa để tránh bị ướt khi sóng biển đánh, rồi luôn sẵn sàng chuẩn bị tư thế chạy khi có sóng to. Tay thì hái mứt, mắt thì dõi ra biển canh chừng con sóng. Sơ sẩy, ham hái mứt mà gặp lúc sóng lớn bất ngờ ập tới sẽ bị trượt chân, ngã xuống biển, mất mạng như chơi”.
Chỉ một buổi tham gia hái mứt biển cùng người dân Tam Quang tại Hòn Tràng (biển Bàn Than) mà chúng tôi đã chứng kiến một tình huống nguy hiểm suýt chết người. Chị Trần Thị Diễm và Nguyễn Thị Phượng (thôn An Hải Tây) trong lúc mải mê hái mứt ở mỏm đá xa bờ, hai chị bị sóng đánh trượt té, rớt xuống biển, nhưng may là chị Phượng bấu được một hòn đá gần đó, còn chị Diễm thì quờ tay bám được vào chân chị Phượng. Ai cũng một phen hốt hoảng, chị Phượng vẫn chưa hết bàng hoàng. “Chị đã bị như thế này hai lần rồi, lần này là lần thứ ba, may mà ông bà phù hộ cho lên bờ kịp thời nếu không chỉ cần một cơn sóng khác ập vào là khó mà sống sót”. Khi những giây phút hoảng hốt đã trôi qua, người dân lại truyền tai nhau cái chết của một phụ nữ tên Nở ở xã Tam Quang đi hái mứt bị sóng cuốn đập đầu vào đá chết, hay của một người đàn ông địa phương đi hái mứt tận Dung Quất (Quảng Ngãi) cũng chết do sóng đánh cách đây 2 năm.
Ông Phan Như Tường - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, nghề hái mứt biển rất nguy hiểm, dễ bị sóng đập lôi ra biển, dù biết bơi nhưng nếu té xuống đập đầu vào đá thì cũng chết. Trường hợp thương tâm gần đây nhất là năm 2011 tại thôn Đông Tuần (xã Tam Hải) có chị Nguyễn Thị Lân (27 tuổi) bị sóng cuốn đánh chết trong lúc hái mứt biển, còn trượt té gãy chân, bong gân là chuyện thường xảy ra. Chính quyền phải thường xuyên khuyến cáo người dân đi hái mứt cần cẩn thận đề phòng, đồng thời nên mặc áo phao nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc.
THIÊN NGA