Năm nào, tháng này, cỡ chừng qua rằm, cũng phải lượn ra chợ ngày vài bận. Quê hay phố, chợ nào cũng như nhau. Những mùi vị chen chúc. Mùi lá dong, lá chuối, mùi hoa quả từ miền trong cho đến vườn nhà, mùi trầm, mùi bùn đất âm ẩm của những cơn mưa phùn, rồi cả mùi người đi chợ. Thứ nào ở chợ bán, thì siêu thị ở phố đủ đầy. Nhưng cái cảm giác thiệt lạ, như thể đã thành nếp từ khi lọt lòng mẹ. Là tháng chạp thì phải đi chợ. Như cả ấu thơ ngồi chợ xem hàng cho mẹ. Như mặc định là phụ nữ Việt thì phải biết đến phiên chợ cuối năm. Nên bây giờ dù đời sống có khá hơn, dù đi siêu thị được phục vụ “tận răng”, vẫn thích ngày mấy bận chạy ra chợ tìm thức này lựa thức khác. Đưa lên đặt xuống, trả giá, hỏi thăm. Dù mặc cả nhiều khi chưa đến 2.000 đồng gửi xe, nhưng đàn bà vẫn thích. Chỗ này bớt một chỗ kia thêm hai, râm ran vậy mà ra những âm thanh đặc trưng của chợ tết.
Chợ hoa ngày tết. Ảnh: Internet |
Tôi nhớ chợ quê nơi đầu nguồn. Bà nội có mẹt rau mẹt trầu trồng vườn, mà phải đi từ 5 giờ sáng. Chợ tết, dễ gì tìm một chỗ ngồi. Chợ tràn ra cả đường, xe muốn qua phải bấm còi mỏi tay. Vậy mà tài xế coi bộ cũng thích kiểu này, không quạu quọ như thường. Người bán cũng dễ dàng cười khoát tay cho qua, khi xe hay người khác lỡ đụng phải mẹt hàng. Chợ tết thì không thể nào phân biệt được đầu cuối hay bên hông. Cứ vậy, chỗ nào cũng tràn tràn các mặt hàng phục vụ tết. Người ở núi, nên cứ thứ gì xanh đỏ là ghiền. Áo quần từ mấy xe lưu động, vừa đổ đống ra một chặp thì người xúm đen xúm đỏ tới lựa. Đông quá, cản trở giao thông nên phải dời vào tuốt trong mấy con hẻm quanh chợ, bán lai rai đợi mấy bà mấy mẹ xong xuôi mẹt rau thì lại lựa cho con nít ở nhà vài bộ.
Lớn lên, đi làm con dâu nhà người, vẫn nhớ những ngày giáp tết của má. Buổi chợ nào cũng từ 3 - 4 giờ sáng, mải miết đến 9 - 10 giờ đêm. Má bán thứ mà người ở quê tôi không làm được, như nào su Đà Lạt, nào củ kiệu, cà rốt muối dưa, nào trái quất, trái dừa, mớ gừng làm mứt. Má cả đời không đi khỏi quê, nhưng cái kiểu kinh doanh thì hiện đại vô cùng. Năm nào trời lụt, phù sa bồi bến, nghĩa là rau quả hoa màu bà con thu được nhiều, bán cho đỗi buôn ở phố chắc cũng khá, là má trữ nào gừng nào nghệ, nào khoai môn, đậu đỗ… Tới đận tháng Chạp thì bung ra bán, nông dân ở quê tiền nhiều thì sắm nhiều. Năm nào không lụt, trời lạnh căm căm, thì má xoay sang bán rau, bán hàng Đà Lạt, nhưng bán vừa đủ thôi. Trống ngày thì mua đi bán lại vài cây kiểng từ Hội An lên. Xoay đủ thứ, để nuôi con thẳng thớm đường đời.
Nhà chồng cũng toàn người chạy chợ. Lại ở sát bên chợ. Nên càng thấu cái vị chợ tết tháng chạp. Ở đỗi xuôi này thì tấp nập, nhiều màu, nhiều vị, nhiều người gấp mấy lần miền ngược. Lại là chợ của vựa rau vựa màu, nơi đất đai tốt tươi, nhà nào cũng trồng được khoảnh rau ăn tết. Vừa phố vừa lỡ cỡ quê, đi chợ tết quê chồng vừa nghe mùi nước hoa sực nức thoảng bên, đi một chặp lại gặp bao nhiêu cụ bà áo nâu bỏm bẻm nhai trầu ngồi với gánh rau. Mấy cụ đi bộ từ Điện Phương, từ Điện An, Điện Phước, xuống chợ Vĩnh Điện bán tết. Mớ rau ngày thường giá phải gấp đôi ngày tết, oái ăm mùa tháng chạp lại rẻ như cho. Mua 10.000 đồng bà trút cho cả gánh rau mang về.
Má chồng cả đời sống với chợ. Mấy năm tuổi già, chợ dời đi. Chân bước khó, lại yếu, nên con cái không cho dọn chợ bán. Ở nhà, hai ông bà cũng ra vào với mớ rổ rá, nồi đất, trã mẹt… Sáng bưng ra, chiều dọn vào. Ngồi đó mắt thăm thẳm nhìn chợ trước mặt, mới đây thôi đã thành chợ cũ. Trống hơ, trống hoác. Ngày xưa khu này thịnh bao nhiêu, vừa gần chợ, vừa gần bệnh viện, rồi chợ đi trước, viện dời sau, buồn không thể nào đong đếm. Dân quanh chợ thì phải theo chợ, người treo bảng bán nhà, người đóng cửa suốt năm. Chỉ còn lại mấy ông bà già, sáng mở cửa nhìn nhau. Tết năm ngoái, người già bảy mươi lăm năm sống chợ, một hai đòi con cháu dắt qua chợ sắm tết. “Tí Lớn, Tí Nhỏ chở giùm má qua chợ, gặp bà Nụ mua ít trầu”. Nói vậy, chớ phải mua trầu nhai đâu. Là đi thăm chợ, đi gặp mấy bà bạn già, đi cho thỏa cơn thèm chợ tết. Mấy đứa con lớn lên nhờ tiền chạy chợ, hiểu bà già quá đỗi. Dắt qua đi một vòng chợ mới, chân bước lịu địu muốn sụm xuống, mà vẫn đòi “dắt má” qua hàng này hàng khác. Gặp ai quen cũng mừng vui ra mặt, hỏi han đủ lời, rồi than “nhớ chợ”. Như thể, chợ là “chợ của má”…
Chợ thị thành - cái kiểu bán mua, dù có rổn rảng chụp giựt bao nhiêu, thì đâu đó vẫn ẩn chút tình người. Mà cái này, đi siêu thị thấy lạnh lắm, dù nhân viên để tay lên ngực cúi đầu chào mỗi lần bước vào bước ra. Chắc gốc gác nông dân như tôi chưa quen kiểu vậy. Hay tại mỗi lần đi chợ, tôi lại gặp những hình ảnh rất quen, như là má đang bưng một mủng đậu đầy ứ hự đi như chạy cho kịp buổi chợ mai, như là những người chị chồng chắt chiu từng đồng lẻ mỗi buổi chợ chiều, gửi cho vợ chồng thằng em út dựng nhà, như là má chồng trong một sáng 30 phải nhất quyết đi cho bằng được sang chợ…
SONG ANH