Muôn kiểu "né" thuế

TRỊNH DŨNG 18/09/2020 04:40

Ngày 17.9.2020, Cục Thuế Quảng Nam chính thức khởi động đề án “Tăng cường cơ sở thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế”.

Theo ngành thuế, kinh doanh bất động sản cũng là một trong các lĩnh vực xuất hiện tình trạng thất thu thuế. Ảnh: T.H
Theo ngành thuế, kinh doanh bất động sản cũng là một trong các lĩnh vực xuất hiện tình trạng thất thu thuế. Ảnh: T.H

1001 kiểu “né” thuế

Thống kê của Cục Thuế cho thấy, thất thu thuế từ thực tế sản xuất, kinh doanh còn khá lớn. Tính đến 29.2.2020, có gần 100 chi nhánh ngoài tỉnh đang hoạt động không trực tiếp kê khai thuế giá trị gia tăng, 175 địa điểm kinh doanh đã thành lập nhưng chưa thể cấp mã số thuế. Các đơn vi này ngoài tầm kiểm soát của cơ quan thuế khi chưa thể có được phân tích, đánh giá hoạt động sản xuất, kinh doanh để có biện pháp quản lý thuế. Hiện vẫn còn 165 doanh nghiệp (DN) có giao dịch liên kết lợi dụng chính sách ưu đãi thuế trong nước, thuế suất của các quốc gia, thực hiện chuyển giá, không kê khai, đăng ký, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.

Các DN hoạt động xây dựng cơ bản (1.776 DN) không kê khai, giảm doanh số đầu ra, tăng chi phí đầu vào để giảm số thuế nộp, không hóa đơn, chứng từ hoặc sử dụng hóa đơn không hợp pháp, khai khống khối lượng nguyên vật liệu, chi phí thuê ngoài, không khai nộp thuế vãng lai… DN khai thác khoáng sản kê khai sản lượng thấp hơn trữ lượng, công suất khai thác hoặc kê khai sai giá tính thuế tài nguyên.

DN kinh doanh bất động sản cũng không ngoại lệ. Chỉ trong vòng 3 năm (2017 - 2019) có đến 42 DN được giao 572,3ha đất, triển khai 81 dự án đầu tư hạ tầng, tạo quỹ đất, kinh doanh bất động sản, nhưng không thành lập cơ sở kinh doanh hạch toán độc lập, kê giá bán trên hóa đơn thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế… Có 624 DN kinh doanh khách sạn, nhà hàng tiếp diễn việc bán hàng hóa không hóa đơn hoặc xuất hóa đơn nhưng với giá thấp hơn thực tế. Thậm chí, có cơ sở bỏ doanh thu ra ngoài sổ sách kế toán.

Quản lý thuế kinh doanh vận tải cũng không khá hơn, khi số lượng phương tiện kinh doanh vận tải chưa kê khai nộp thuế chiếm tỷ trọng lớn, không nộp thuế còn nhiều. Kinh doanh xăng dầu dù đã thực hiện dán tem niêm phong kẹp chì nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng khi chưa thể khắc phục tình trạng mua bán hóa đơn, thống kê gian hay đưa nhiều thủ thuật tác động làm thay đổi số lượng sản phẩm bán ra.

Việc quản lý mức thuế khoán hộ kinh doanh cá thể chưa phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh. Hoạt động xây dựng nhà ở tư nhân chưa được quản lý về thuế. Quản lý thuế thu nhập cá nhân khá rắc rối khi không quản lý được thu nhập, nhất là khó xác minh được thu nhập của người nước ngoài. Thất thu các khoản thu từ đất đến từ việc các đơn vị đươc giao đất, thuê đất chậm hoặc không quyết toán tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng…Sự chồng chéo về chính sách đã khiến việc thu hồi nợ thuế từ DN bỏ địa điểm kinh doanh, không làm thủ tục giải thể…ngày càng khó khăn hơn.

Nhiều giải pháp quyết liệt

Không chỉ mở rộng tuyên truyền về chính sách thuế, cơ quan hành thu sẽ tăng cường quản lý giám sát đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế, đảm bảo quản lý hết địa chỉ, nguồn thu. Tiến hành kiểm kê, rà soát mã số thuế định kỳ hàng năm, kiểm soát, nắm bắt kịp thời đối tượng nộp thuế, đưa vào diện theo dõi, quản lý thuế. Sẽ phân tích kỹ các tờ khai, xác định trường hợp rủi ro, xác định đầy đủ, chính xác nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ thường xuyên đối chiếu số hộ, cá nhân kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh, hội đồng tư vấn thuế xã, phường khi lập bộ thuế, công khai, công bằng, sát đúng doanh thu, không bỏ sót đối tượng cũng như doanh thu, mức thuế...

Theo ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế, mở rộng cơ sở thu, chống thất thu… từ việc cập nhật các dự án đầu tư được phê duyệt, chủ đầu tư, tổng mức đầu tư, đơn vị trúng thầu; xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; yêu cầu các chủ đầu tư bất động sản kê khai các loại thuế, công khai giá bán, giám sát khai thuế; hậu kiểm kinh doanh khách sạn, nhà hàng; đối chiếu số lượng vận tải; thanh tra, kiểm tra, quản lý sản lượng kinh doanh xăng dầu…

Đề án sẽ được triển khai từ năm 2020 đến hết năm 2023. Hàng năm, sẽ điều chỉnh, bổ sung các giải pháp theo thực tế. Có thể thấy những khoảng trống về thất thu thuế đã được nhìn thấy. Đề án này được xem như một bản kế hoạch hoàn chỉnh để khai thông dòng tiền đã được nhìn thấy từ DN, người kinh doanh… về “bầu sữa ngân sách” ngày càng đầy thêm. Tuy nhiên, theo ông Ngô Bốn, nếu không có sự nỗ lực phối hợp thực hiện của các ngành, địa phương liên quan thì việc mở rộng cơ sở thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế khó có thể đạt được hiệu quả cao nhất.

Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho rằng, chống thất thu thuế thực sự là bài toán cân não, khó cho cả ngành thuế và các cơ quan quản lý khi hệ thống pháp luật thuế chưa rõ ràng, còn chồng chéo. Trong khi đó Luật DN quá thoáng, các chế tài của địa phương chưa đủ mạnh. Theo ông Văn, để có thể cao nâng hiệu quả chống thất thu thuế, không ngoài chuyện phối hợp giữa ngành thuế và các cơ quan chuyên môn. Cụ thể hơn, cần can thiệp ngay từ đầu với các chủ đầu tư, nhà thầu để họ cam kết một khi đầu tư vào Quảng Nam thì phải hạch toán kế toán, đóng thuế tại địa phương. Nhưng đó cũng chỉ là sự động viên cho DN cam kết chứ nếu theo luật thì thua. Kế hoạch hay đề án gì có hoàn hảo đến mấy cũng phải đúng theo luật, không gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Xử lý sao cho nhà đầu tư hài lòng và tỉnh thu được thuế mà không phạm luật là chuyện tốt đẹp nhất, nhưng cũng không dễ dàng gì!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Muôn kiểu "né" thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO