Dự luật trừng phạt mới với Nga (bao gồm cả Iran và CHDCND Triều Tiên) của Mỹ vừa chính thức được ban hành.
Thủ tướng Nga Medvedev nói việc cải thiện quan hệ Nga - Mỹ xem như chấm dứt. Ảnh: dailystormer |
Sáng 2.8 (giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga sau khi dự luật này được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó. Ngay sau đó, Nga tuyên bố động thái này của Tổng thống Trump là hành động dẫn tới “một cuộc chiến thương mại toàn diện và chấm dứt hy vọng có được các mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa Moscow với chính quyền Trump”. Ngoài ra, trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev chia sẻ, “gói cấm vận” đã chấm dứt những hy vọng cải thiện quan hệ giữa Điện Kremlin và chính quyền Tổng thống Donald Trump. “Chế độ cấm vận đã được hệ thống hóa và sẽ duy trì hiệu lực qua nhiều thập niên trừ phi có phép màu xảy ra” - Thủ tướng Nga viết.
Ngày 25.7, Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật trừng phạt Nga (vì sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga năm 2014 và can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm ngoái), Iran và Triều Tiên (liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo) và buộc Tổng thống Donald Trump phải xin phép Quốc hội Mỹ nếu muốn nới lỏng lệnh trừng phạt Nga. Hai ngày sau đó (27.7), với 98 phiếu ủng hộ và 2 phiếu chống, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật trên bất chấp sự phản đối từ Nhà Trắng. Nga trả đũa Quốc hội Mỹ bằng cách yêu cầu Mỹ cắt bớt 755 nhà ngoại giao và nhân viên tòa đại sứ và lãnh sự của Mỹ tại Nga và cấm các nhân viên Đại sứ quán Mỹ không được vào khu nghỉ dưỡng ngoại giao của họ ở ngoại ô Moscow. |
Một điểm đáng chú ý là việc Tổng thống Trump được cho “miễn cưỡng” đặt bút ký, để dự luật đi vào hiệu lực. Bởi ngay sau khi bước chân vào Nhà Trắng, tân Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ cải thiện quan hệ với Nga sau nhiều năm lạnh nhạt. Dù ký ban hành luật vì “sự đoàn kết quốc gia” và không còn cách lựa chọn nào khác, Tổng thống Trump chỉ trích luật này đã trói buộc quyền hạn của mình đối với các vấn đề đối ngoại, như luật mới này cho phép Quốc hội Mỹ (bao gồm hai cơ quan Thượng viện và Hạ viện) ngăn bất kỳ nỗ lực nào của ông Trump muốn nới lỏng trừng phạt Nga. “Dù tôi ủng hộ các biện pháp cứng rắn để trừng phạt và răn đe các hành vi hung hăng và làm mất ổn định của Iran, Bắc Triều Tiên và Nga, luật này còn sai sót đáng kể” - Tổng thống Trump nói. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết Tổng thống Trump và bản thân ông đều không hài lòng với đạo luật trừng phạt mới nhằm vào Nga và chính quyền Mỹ sẽ không để những trả đũa ngoại giao ngăn trở nỗ lực cải thiện quan hệ với Nga.
Đối mặt với lệnh trừng phạt mới của Mỹ, Nga và các quốc gia nằm trong danh sách các nước bị trừng phạt đều lên tiếng phản đối. Iran cho biết các lệnh trừng phạt mới đã vi phạm đến thỏa thuận hạt nhân và Iran sẽ phản ứng “thích hợp và tương xứng”. Đạo luật tăng cường trừng phạt Nga được ban hành sẽ ảnh hưởng đến một loạt ngành công nghiệp của nước này và có thể gia tăng thêm sức ép đối với kinh tế Nga. Tuy nhiên, ngay khi Quốc hội Mỹ nhất trí thông qua dự luật trừng phạt mới nhằm vào Nga cũng khiến Liên minh châu Âu “nổi giận”. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nói: “Dự luật của Mỹ có thể kéo theo những hệ lụy đơn phương ngoài ý muốn, ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích an ninh năng lượng của EU”. Qua đó sẽ gây thiệt hại nặng nề cho các công ty năng lượng châu Âu làm ăn với Nga.
QUỐC HƯNG