Bà Huỳnh Thị Bảo Hòa sinh năm 1896 tại làng Đa Phước, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam xưa. Bà viết nhiều bài trên các báo khắp bắc, trung, nam như Thực nghiệp dân báo, Nam Phong, Tiếng Dân, Đông Pháp thời báo, Phụ Nữ tân văn. Với tập “Chiêm Thành lược khảo” bà được ghi nhận là người phụ nữ đầu tiên viết sách biên khảo bằng tiếng Việt. Tập sách này đã để lại cho người đi sau những cứ liệu không dễ gì có được về tháp Mỹ Sơn và tháp Đồng Dương ở Quảng Nam hiện đã không còn vẹn nguyên.
Sách “Chiêm Thành lược khảo”. ảnh: Phú Bình |
Ngoài việc dựa vào những điều ghi trong các sử Việt trước đó cùng các kết quả khảo cứu của các nhà nghiên cứu người Pháp để “lược thuật những điều cốt yếu”, Huỳnh Thị Bảo Hòa đã đến một số nơi như Trà Kiệu, Mỹ Sơn, Đồng Dương để quan sát và khảo chứng tổng quát về các di tích này. Nhờ đó, bên cạnh việc tìm biết các kết quả khảo tả có tính cách chuyên môn của các học giả trường Viễn Đông Bác Cổ như H. Parmentier, Stern, De Laronquière, L. Finot…, các nhà nghiên cứu về sau có thể thấy qua Chiêm Thành lược khảo một bức tranh toàn cảnh về các di tích Chăm qua miêu tả của chính bà Bảo Hòa trong vai một khách du lịch lúc đương thời.
Cùng với phụ chú in kèm nhan đề sách là “Những dấu tích của người Chàm (Champa)”, cuốn lược khảo này có 5 phụ bản là các bức ảnh chụp tượng Bồ tát Lockesvara, tượng vũ nữ Chăm Apsara, tượng thần Ganeça, tượng Skanda, tượng thần Makara đang được bảo quản ở Đà Nẵng lúc đó. Đặc biệt, trong sách này có thêm phụ bản là hai bức ảnh chụp khu tháp Chùa trong quần thể đền tháp Mỹ Sơn và tấm ảnh chụp ngôi tháp Sáng - ngôi tháp duy nhất còn lại trong quần thể kiến trúc Đồng Dương vào khoảng đầu thập niên 1930. Đó là những tư liệu rất quý đối với những ai muốn biết diện mạo nguyên vẹn của các di tích nói trên lúc chúng chưa bị bom đạn chiến tranh tàn phá.
Mỹ Sơn lúc chưa bị tàn phá
Bà Huỳnh Thị Bảo Hòa đã phác họa quang cảnh “Đường vào tháp Mỹ Sơn” vào năm 1929 như sau:
“Trước hết phải qua một cái cầu bằng đá dài, bắc trên một cái suối lớn, nước mấp mé cầu (và suối này chảy bao vòng theo ngay chân núi, vào mãi đến bên trong gần tháp, về mùa mưa, nước suối nhiều có thể đi thuyền đến nơi được).
Thoạt tiên thấy một chỗ thung lũng rất lớn, xung quanh có núi non bao bọc, bốn bề hình như thành lũy xây tròn lấy mấy ngọn tháp, phô màu gạch đỏ sẫm, dây bám cây leo, ẩm ướt dưới chỏm núi.
Cách một khoảng lại một ngọn tháp nối nhau một vùng liên lạc nguy nga. Nếu không đi đến nơi thì không ai ngờ ở chốn thâm sơn cùng cốc này mà có những kiến trúc ly kỳ và quan trọng như thế. Mấy dãy tháp bên ngoài xây liền với nhau như tòa lầu bằng không nóc vậy. Các cửa cuốn và cột trụ, chạm khắc rất tinh tế. Mỗi tháp lại có một cái cửa nhỏ, nhưng không vào được; tháp này có tên riêng, gọi là “Tháp Chợ”, còn tháp lớn hơn bên trong thì gọi là “Tháp Chùa”. (Chiêm Thành lược khảo, trang 31 - 32).
Cuốn sách cũng khảo tả khá tỉ mỉ diện mạo của tháp chính trong quần thể tháp Chùa (mà nhà khảo cổ Henri Parmentier ký hiệu là nhóm tháp Mỹ Sơn A1) trước khi nó bị bom đạn chiến tranh phá hủy hoàn toàn. Ta hãy đọc một đoạn sau:
“Đứng trong tháp mà trông lên nóc thì thấy tối om vì nó cao mà không được rộng. Bốn bức tường càng lên cao bao nhiêu thì càng xây cong cong và dúm lại với nhau làm thành như cái vòng cuốn (voûte à encorballement). Hai bức tường phía bắc và phía nam thì có trổ sáu cái khám (niche) khi trước có để mỗi khám một tượng thần. Ra đứng trước mặt tháp, ngước mắt ngó lên cao trông thấy cây cối um tùm, rễ lớn rễ con bám vào gạch và cong queo uốn khúc như rắn. Tuy không phân biệt được cho rõ ràng, nhưng cũng có thể tưởng tượng được một nền kiến trúc rất tinh xảo, một nghề điêu khắc rất linh hoạt vậy. Cứ mỗi góc tháp lại có một cái “mỏ dung”(pièce d’accent) bằng đá gắn vào giữa hai mí tường giáp nhau và lòi ra ngoài, trông thật khéo léo. Từ mỏ dung đi lại một đoạn, cũng ở phía tiền, ta thấy mỗi bên có một vị “Apsaras” bằng đá mặt mũi vuông vức, miệng cười tủm tỉm như hoa hàm tiếu, để lộ từ ngực trở lên cho ta trông thấy một cặp vú nở nang, tròn trịa xinh xắn, hai tay chắp lại trên ngực và cầm bông sen” (trang 35 - 36).
Cũng với phong cách miêu tả nhẹ nhàng mà khoa học ấy, tác giả còn giúp người yêu văn hóa biết khá chi tiết quần thể tháp Chợ (được H. Parmentier ký hiệu là các nhóm tháp Mỹ Sơn C), về di tích Trà Kiệu (tức kinh thành Shimhapura cổ) và quang cảnh kiến trúc tháp Đồng Dương hồi đầu thế kỷ 20.
Đồng Dương khi chưa mất dấu
Xin trích một đoạn trong sách mô tả về khu tháp Đồng Dương, nơi được một số nhà nghiên cứu đánh giá là một Phật đô của vùng Đông Nam Á vào thế kỷ 5 - 6:
“Nào tháp lớn tháp nhỏ dựng la liệt khắp cả một khu rừng; cứ như lời nhà khảo cổ Pháp đã nghiên cứu thì tại đây còn cả thảy sáu mươi tám cái tháp vừa lớn vừa nhỏ. Tiếc thay có nhiều chỗ đã đổ nát gần hết, duy còn có một cái tháp lớn thì còn nguyên vẹn. Cách kiến trúc tháp này thực là đặc sắc và có khác kiểu hơn những tháp ở Mỹ Sơn, vì trong lòng tháp này xây tròn như ổ tò vò, trông rất là mỹ thuật, khiến người ta ngắm nhìn không biết chán mắt…” (trang 42 - 43).
Đoạn miêu tả trên thật sinh động. Nhiều người không có điều kiện đọc nguyên bản nghiên cứu của các học giả Pháp, qua lược khảo này có thể tái hiện được phần nào cảnh quan của di tích đã mất dấu trên thực địa. Người đọc cũng có thể biết ít nhiều về các Phật tích trong tháp Đồng Dương qua đoạn miêu tả sau:
“Vì tháp này người Chàm trước thờ đạo Phật nên các tượng chạm khắc hình các bụt, khác hẳn với những tượng thần Ấn Độ và phái Bà La Môn ở Mỹ Sơn. Trong tháp khi trước có một bệ đá to lớn, bốn bề chạm khắc đủ sự tích Đức Phật Thích Ca… đủ cả các sự tích nhân vật nước Ấn Độ về thời ấy. Trong tháp lại còn nhiều tượng như tượng Hộ pháp và Bồ tát thờ ở các chùa Phật giáo (Những tượng này hiện nay bày tại nhà Bảo tàng Tourane). Sách Việt Sử Đại Toàn có đoạn nói về vua Trần Nhân Tôn Thái Thượng Hoàng đi du lịch Chiêm Thành quốc và khảo cứu Phật tích trong bảy mươi hai cái tháp. Hồi sau đó ngài hứa hôn gả công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm là Chế Mân (Shimhavarman) về hồi thế kỷ 13. Có lẽ vua Trần Nhân Tôn ngài đã khảo sát và quan chiêm bảy mươi hai cái tháp ở Đồng Dương này”(trang 43-44).
PHÚ BÌNH