Năm học mới 2013 - 2014: Ngăn bỏ học, nâng chất lượng

XUÂN PHÚ (thực hiện) 12/08/2013 08:39

Hôm nay 12.8, học sinh (HS) tiểu học, THCS, THPT trên toàn tỉnh sẽ tựu trường năm học mới 2013-2014. Dịp này, P.V Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Tấn Thắng - Giám đốc Sở GDĐT về công tác chuẩn bị cho năm học mới.

Chuẩn bị chu đáo

- P.V: Công tác chuẩn bị cho năm học mới đến lúc này như thế nào và có khó khăn gì không, thưa ông?

 Ông Nguyễn Tấn Thắng.
Ông Nguyễn Tấn Thắng.

Theo quyết định của UBND tỉnh về ban hành khung thời gian năm học 2013-2014 thì 12.8 là ngày tựu trường đối với HS tiểu học, THCS, THPT, 28.8 là ngày tựu trường đối với bậc mầm non, giáo dục thường xuyên và ngày 5.9 sẽ khai giảng năm học mới. Ngày 30.7, Sở GDĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2012-2013 và triển khai phương hướng nhiệm vụ 2013-2014 cho toàn ngành. Năm học mới này toàn tỉnh có 769 trường, 10.743 lớp và gần 319 nghìn HS, gần 19 nghìn giáo viên (GV). Nhằm giúp đội ngũ cán bộ, GV kịp thời nắm bắt những chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vận dụng vào giảng dạy trong năm học mới, sở đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy triển khai kế hoạch bồi dưỡng chính trị hè 2013 và đến nay đã hoàn thành. Trong dịp hè, sở cũng đã cử đội ngũ cán bộ, GV cốt cán tham gia các lớp tập huấn chuyên môn do Bộ GDĐT tổ chức và đang mở các lớp để phổ biến đến tất cả GV.

Về xây dựng, sửa chữa phòng học, mua sắm trang thiết bị, thời gian qua các địa phương, đơn vị đã tích cực phối hợp với đơn vị thi công đẩy nhanh tốc độ nhằm kịp thời phục vụ năm học mới. Đến nay, các huyện, thành phố đã đầu tư hơn 127 tỷ đồng, xây dựng mới và sửa chữa 360 phòng học; đóng mới 6,8 nghìn bộ bàn ghế HS, GV, mua bổ sung gần 62 nghìn bản sách giáo khoa và các loại thiết bị khác với tổng kinh phí 13 tỷ đồng. Với khối trường THPT, đến nay đã xây mới 226 phòng và sửa chữa 25 phòng. Có  thể nói, tất cả địa phương, trường học đã chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho năm học mới.

- P.V: Một trong những khó khăn mà nhiều địa phương miền núi đối mặt trong thời gian qua là cơ sở vật chất chưa  đáp ứng yêu cầu dạy - học. Có địa phương gần đến ngày khai giảng vẫn còn loay hoay tìm chỗ học do trường lớp xây dựng hoặc sửa chữa không kịp. Năm nay có còn tình trạng này?

Trong những năm qua, cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng khá nhiều giúp cho diện mạo trường lớp ngày càng khang trang, hiện cả tỉnh có  339 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 44%). Tuy nhiên, ở các huyện miền núi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu dạy học. Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua các địa phương đã huy động nhiều nguồn đầu tư xây mới, sửa chữa phòng học, từng bước xóa phòng học tạm. Nhờ đó, trong năm học này tình trạng thiếu phòng học, HS phải học trong các phòng học tạm giảm đi nhiều so với những năm trước.

Không để HS “ngồi nhầm lớp”

- P.V: Có ý kiến cho rằng chất lượng giáo dục vẫn còn chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền; chất lượng giáo dục mũi nhọn còn hạn chế khi HS Quảng Nam không đạt kết quả cao tại các kỳ thi HS giỏi quốc gia. Ý kiến của ông về nhận định này và ngành có giải pháp gì để nâng cao chất lượng trong năm học tới?

Chất lượng giáo dục có sự chênh lệch giữa đồng bằng và miền núi là một thực tế và không chỉ riêng đối với Quảng Nam. Ở miền núi, đời sống của nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn, giao thông cách trở. Do vậy, sự quan tâm đầu tư cho việc học hành của con em ở các bậc phụ huynh nơi miền núi, vùng đồng bào dân tộc còn nhiều hạn chế. Những năm gần đây, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển giáo dục miền núi. Các trường phổ thông DTNT, dân tộc bán trú được đầu tư, giúp cho chất lượng giáo dục ở vùng núi, vùng đồng bào dân tộc từng bước được nâng lên. Có thể khẳng định rằng chất lượng giáo dục ở Quảng Nam trong những năm qua là khá tốt. Điều này thể hiện qua kết quả thi đại học các năm như năm 2012, tỷ lệ HS đỗ đại học, cao đẳng của tỉnh là 52,6%. Năm 2013 chưa có thống kê đầy đủ nhưng Quảng Nam đã có 3 em đỗ thủ khoa, 4 á khoa, 12 em điểm thi đại học đạt từ 28 điểm trở lên. Dù vậy, kết quả thi HS giỏi quốc gia thì chưa đạt như mong muốn. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chính là việc bồi dưỡng đội tuyển HS giỏi chưa đạt yêu cầu, ôn tập các môn chưa đúng trọng tâm theo cấu trúc đề thi của Bộ GDĐT.

Công trình trường THPT Hùng Vương (Thăng Bình) đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho năm học mới. Ảnh: X.P
Công trình trường THPT Hùng Vương (Thăng Bình) đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng cho năm học mới. Ảnh: X.P

Trong những năm đến, toàn ngành sẽ tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 12 của Tỉnh ủy. Đó là, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho GV và HS. Hoàn thiện quy hoạch hệ thống trường học, phát triển 2 trường THPT chuyên để góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh; tích cực đổi mới phương pháp dạy học; đa dạng hóa hình thức đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu xã hội; tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đảm bảo tốt yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học. Ngoài ra, tăng cường hỗ trợ đối với miền núi, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- P.V: Không còn “nóng” như năm học trước nhưng năm học vừa qua, tỷ lệ HS bỏ học của tỉnh vẫn còn cao, nhất là bậc THPT khi có đến 2.325 em bỏ học. Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là gì và biện pháp nào để khắc phục?

Năm học 2012-2013 có 2.325 HS THPT bỏ học (tỷ lệ 3,6%), tuy có giảm so với năm học 2011-2012 (3,8%) nhưng vẫn còn cao, nhất là ở một số huyện miền núi. Theo tôi, nguyên nhân chính của vấn đề này là do hàng năm Quảng Nam xét tuyển trên 90% HS ở đồng bằng, 100% HS ở miền núi tốt nghiệp THCS  vào lớp 10. Với tỷ lệ tuyển sinh cao như vậy nên không tránh khỏi trường hợp một số em bỏ học do năng lực tiếp thu kiến thức hạn chế làm cho kết quả học tập kém dẫn đến chán nản, bỏ học. Một số bậc phụ huynh cũng dường như phó mặc toàn bộ việc giáo dục con em mình cho nhà trường dẫn tới việc bị bạn bè rủ rê. Tất nhiên, trong những HS bỏ học cũng có không ít trường hợp do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, phải nghỉ học để tham gia lao động phụ giúp gia đình. Trong khi đó, các đơn vị trường học, chính quyền địa phương và các ban, ngành chưa quan tâm đúng mức cũng như có biện pháp cụ thể trong việc ngăn bỏ học và vận động HS trở lại trường.

Ðể khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị các trường học và địa phương tiến hành rà soát số lượng HS bỏ học để có giải pháp huy động và giúp các em trở lại trường. Hiệu trưởng các trường cần thực hiện nghiêm việc đánh giá, xếp loại theo đúng quy chế, không để HS “ngồi nhầm lớp”; tăng cường dạy phụ đạo cho HS học lực yếu kém, đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi, nhất là các em người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các địa phương cần quan  tâm hơn nữa, nhất  là với HS bậc THPT trên địa bàn mình.

- P.V: Xin cám ơn ông!

Xin chủ trương xét tuyển để bổ sung GV cho miền núi

Hiện nay, một vấn đề cũng đang được nhiều người quan tâm là việc luân chuyển GV. Tất  cả GV liệu có được nhận nhiệm sở mới trước khi năm học mới bắt đầu và giải quyết bài toán thừa ở đồng bằng và thiếu ở miền núi ra sao? Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Thắng cho rằng, trong những năm qua, việc luân chuyển GV theo Nghị quyết số 146 của HĐND tỉnh đã được thực hiện nghiêm túc, giải quyết nhiều vấn đề bức xúc của ngành, đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo GV, nhất là những người công tác lâu năm ở các huyện miền núi. Đến nay, số GV do Sở GDĐT quản lý thuộc diện luân chuyển đã có quyết định về đơn vị mới.

Tuy nhiên, việc luân chuyển GV từ miền núi về đồng bằng và ngược lại cũng gặp những khó khăn, vướng mắc; trong đó có tình trạng thừa GV ở đồng bằng và thiếu ở miền núi. Để giải quyết vấn đề này, thời gian qua sở đã chỉ đạo từng đơn vị trường học phân công lao động một cách hợp lý, phát huy năng lực, sở trường của từng người nhằm nâng cao chất lượng. Để tháo gỡ khó khăn, trước mắt, sau khi cân đối tổng định biên cho toàn ngành, sở tham mưu UBND tỉnh xin chủ trương xét tuyển để bổ sung GV cho các đơn vị miền núi. Cạnh đó, thời gian đến ngành và các địa phương sẽ xây dựng kế hoạch để đào tạo nguồn GV tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục ở miền núi một cách lâu dài, bền vững hơn.

XUÂN PHÚ (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Năm học mới 2013 - 2014: Ngăn bỏ học, nâng chất lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO