Nhờ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều khâu, vì thế năm nông nghiệp 2016 này, huyện Duy Xuyên thắng lợi lớn trên cả lĩnh vực trồng trọt lẫn chăn nuôi…
Trồng trọt đạt hiệu quả cao
Ông Lê Trung Ba - Phó ban nông nghiệp xã Duy Phước cho biết, vụ hè thu nông dân trong xã sản xuất 508ha lúa, trong đó 40% diện tích bố trí các loại giống dài ngày như Xi23, X21, NP12 và 60% diện tích cơ cấu những loại giống trung - ngắn ngày gồm CNR6206, VN121, OM8017, BC15, HT1… Theo ông Ba, mặc dù trong vụ nước mặn rất nhiều lần xâm nhập sâu vào bể hút của trạm bơm điện 19.5 nhưng ngành nông nghiệp huyện và chính quyền địa phương chủ động triển khai phương án chống hạn ngay từ khi gieo sạ bằng việc lắp đặt hệ thống máy bơm dã chiến tại khu vực cầu Thấn (thôn Lang Châu Bắc) nên diện tích lúa của xã đều đảm bảo nguồn nước tưới. Ông Ba hồ hởi: “Nhờ các đơn vị liên quan phối hợp làm tốt khâu thủy lợi và tích cực chuyển giao kỹ thuật canh tác mới, phòng trừ dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng nên hè thu năm nay Duy Phước rất được mùa. Theo số liệu thống kê, vụ này năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 62,56 tạ/ha, tăng 11,22 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm ngoái”.
Chuyển đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai, mỗi vụ nông dân xã Duy Sơn thu gần 43 triệu đồng/ha.Ảnh: VĂN SỰ |
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, nông dân ở 13 xã, thị trấn khác của huyện cũng hết sức phấn khởi bởi vụ hè thu thắng lợi lớn. Theo ông Ánh, vụ này toàn huyện xuống giống tổng cộng 3.800ha lúa. Trước những diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết, bên cạnh việc tập trung bê tông hóa một số tuyến kênh mương trọng yếu, địa phương cũng đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để nạo vét, gia cố cả chục hồ chứa, đập dâng và lắp đặt hàng loạt trạm bơm dã chiến ở nhiều nơi nhằm chống hạn cho hơn 50% diện tích lúa trên địa bàn huyện. Ông Ánh nói: “Ngoài việc triển khai đồng bộ các giải pháp để đối phó hiệu quả với tình trạng khô hạn khốc liệt, nhờ cơ quan chuyên môn hỗ trợ nông dân đưa nhiều loại giống lúa mới có tiềm năng cho sản lượng cao, kháng được những đối tượng sâu bệnh nguy hiểm vào gieo sạ đại trà. Bên cạnh đó, việc ứng dụng quy trình thâm canh theo gói kỹ thuật IPM kết hợp với sử dụng công cụ sạ hàng nên vụ hè thu này năng suất lúa bình quân của huyện đạt 61 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với đông xuân vừa rồi”. Cũng theo lời ông Ánh, nhờ dồn điền đổi thửa được hơn 2.300ha đất lúa, đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương nội đồng, giúp nhà nông tăng thêm 20 - 25% giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
Chăn nuôi chuyển biến mạnh
Huyện Duy Xuyên đã chi hàng chục tỷ đồng kéo 105km đường dây điện ra các cánh đồng để thủy lợi hóa 1.037ha đất màu. Nhờ đảm bảo nước tưới, lại được ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương tích cực hướng dẫn công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng như kỹ thuật canh tác nên nông dân ở nhiều nơi trên địa bàn huyện đã hình thành được hàng nghìn mô hình luân canh, xen canh, gối vụ các loại cây trồng cạn chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT huyện, bình quân hàng năm đất màu sản xuất theo phương thức này cho mức thu nhập khoảng 120 - 170 triệu đồng/ha, cá biệt có một số vùng đạt 200 - 250 triệu đồng/ha. |
Vợ chồng bà Trần Thị Thu Hiền ở thôn Hòa Nam, xã Duy Trung, vừa xuất chuồng bầy heo thịt 12 con, thu về hơn 40 triệu đồng. Theo bà Hiền, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, lứa heo này bà kiếm được không dưới 10 triệu đồng tiền lãi. Được biết, ngoài việc sản xuất 3 sào lúa để có cái ăn, gia đình bà Hiền còn chăn nuôi heo hướng nạc. “Cách đây 8 năm tôi mua 2 con heo nái ngoại về nuôi theo hướng sinh sản để có nguồn con giống chất lượng tốt phục vụ cho mô hình chăn nuôi heo thịt. Lứa nào cũng vậy, cứ mỗi khi 2 con heo nái đẻ, tôi giữ lại toàn bộ số heo con để nuôi thịt. Từ năm 2008 đến nay, hàng năm tôi nuôi 3 lứa heo thịt, mỗi lứa khoảng 12 - 15 con. Nhờ nguồn thức ăn dồi dào, tiêm phòng vắc xin theo quy định, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại thường xuyên nên lứa heo nào cũng tạp ăn chóng lớn và luôn an toàn trước dịch bệnh. Vì thế, mỗi năm gia đình tôi lãi ròng 30 - 40 triệu đồng từ mô hình này, cuộc sống không còn khó khăn như trước” - bà Hiền chia sẻ.
Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, từ đầu năm đến nay nhờ đầu ra tương đối ổn định, giá bán sản phẩm ở mức cao, đặc biệt là những loại dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, dịch tai xanh, bệnh lở mồm long móng, dịch tả, phó thương hàn, tụ huyết trùng… không tái bùng phát nên các chủ trang trại, gia trại và người dân trên địa bàn huyện tập trung đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi. Theo ông Năm, ngoài 570 nghìn con gà, vịt, hiện toàn huyện có 3.349 con trâu, 16.889 con bò (tăng 17% so với cuối năm 2015) và 46.370 con heo (tăng 3,23% so với cùng kỳ năm ngoái). Ông Năm nói: “Thời gian qua, nhờ tiếp cận dễ dàng với nhiều kênh vốn ưu đãi nên các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp ở huyện có điều kiện hình thành những mô hình trang trại và gia trại chăn nuôi hàng hóa. Theo thống kê, tính đến đầu tháng 10.2016 Duy Xuyên có tổng cộng 9 trang trại, 120 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô vừa và lớn. Bình quân hàng năm một mô hình trang trại có mức doanh thu 1,5 - 2 tỷ đồng, còn một mô hình gia trại đạt khoảng 200 - 300 triệu đồng”.
NGUYỄN SỰ