Đó là nhìn nhận của nhiều đại biểu tại hội nghị tổng kết năm nông nghiệp 2016 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2016 - 2017, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì, diễn ra hôm qua 3.11.
Nhiều khó khăn
Báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, trong 2 vụ của năm 2016 nông dân trên địa bàn tỉnh gieo sạ tổng cộng 86.674ha lúa. Năng suất lúa bình quân toàn tỉnh đạt 51,6 tạ/ha, giảm 0,6 tạ/ha so với năm 2015. Do năng suất giảm nên tổng sản lượng lúa của Quảng Nam trong năm nay chỉ đạt 447.140 tấn, giảm 14.057 tấn so với năm ngoái do thời tiết tác động bất lợi đến quá trình sản xuất.
Năm 2016, tổng sản lượng lúa toàn tỉnh giảm 14.057 tấn so với năm ngoái. |
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 69.000 con trâu, 192.000 con bò, 480.000 con heo và hơn 5,8 triệu con gia cầm các loại. Thời gian qua, nhờ được tiếp cận nhiều nguồn vốn vay ưu đãi và được ngành chuyên môn tích cực hỗ trợ về mặt tuyển chọn con giống, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ những loại dịch bệnh nguy hiểm nên người dân có điều kiện phát triển mạnh lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm theo phương thức hàng hóa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 130 trang trại, 1.391 gia trại nuôi bò thâm canh, heo hướng nạc, gà thịt, gà siêu trứng… cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nhìn chung quy mô chăn nuôi của tỉnh vẫn còn rất nhỏ lẻ, manh mún và chưa hình thành được các chuỗi cung ứng sản phẩm an toàn. Điều đáng nói, mặc dù UBND tỉnh và Sở NN&PTNT liên tục chỉ đạo, đôn đốc nhưng thực tế cho thấy từ đầu năm 2016 đến nay tỷ lệ đàn vật nuôi được tiêm phòng vắc xin ở nhiều địa phương vẫn đạt thấp, không đảm bảo ngưỡng an toàn dịch bệnh. Chính vì công tác tiêm phòng và khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại còn quá nhiều bất cập nên thời gian qua dịch lở mồm long móng đã tái bùng phát tại 12 xã, thị trấn của 7 huyện gồm Đại Lộc, Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước, Hiệp Đức, Bắc Trà My, Nam Trà My khiến 153 con gia súc bị mắc bệnh.
Cần đặc biệt quan tâm đến việc tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.Ảnh: VĂN SỰ |
Riêng lĩnh vực khai thác thủy hải sản, với 4.311 tàu thuyền tham gia sản xuất trên biển, năm nay tổng sản lượng hải sản ngư dân toàn tỉnh khai thác được là 82.600 tấn các loại. Ông Huỳnh Tấn Đức nói: “Do tác động của hiện tượng cá chết hàng loạt tại khu vực biển các tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ nên từ tháng 4-7.2016 giá hải sản trên địa bàn tỉnh giảm mạnh so với trước, đặc biệt là các loại cá ở tầng đáy giá bán chỉ còn 40%. Hiện nay, tuy giá bán hải sản có nhích lên nhưng bình quân thì cũng chỉ bằng 85% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chi phí chuyến biển vẫn còn khá cao làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của ngư dân”.
Tập trung cho vụ đông xuân
Theo kế hoạch đặt ra, ngoài việc tổ chức canh tác 6.500ha bắp, 9.500ha đậu phụng và hàng chục nghìn héc ta cây trồng cạn chủ lực khác thì vụ đông xuân 2016 - 2017 nông dân toàn tỉnh sẽ xuống giống 42.000ha lúa. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, việc gieo sạ bắt đầu triển khai từ ngày 25.12.2016 và kết thúc vào 10.1.2017.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam bên lề hội nghị, ông Trần Văn Mạnh – Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng khu vực miền Trung cho rằng, trước những diễn biến ngày càng cực đoan của thời tiết, trong vụ sản xuất đông xuân sắp tới Quảng Nam cần hạn chế tối đa việc sử dụng các loại giống lúa dài ngày, chủ yếu bố trí những loại giống lúa trung - ngắn ngày có khả năng chịu hạn tốt, kháng được nhiều loại sâu bệnh nguy hiểm, cho năng suất cao như giống lúa thuần TBR225, HT1… Ông Mạnh nói thêm: “Quảng Nam là vùng có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thích hợp cho việc sản xuất giống lúa hàng hóa. Thực tế những năm qua cho thấy phương thức canh tác này đã giúp nông dân ở nhiều địa phương của tỉnh tăng 20 - 30% giá trị kinh tế so với làm lúa thương phẩm. Đây được xem là một lối mở trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để mô hình này có tính bền vững cao, hạn chế xảy ra những trục trặc giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp thì các cơ quan có trách nhiệm phải làm tốt công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng phục vụ sản xuất, đặc biệt là phải siết chặt khâu quản lý nhà nước”.
Ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, mặc dù thời gian gần đây trời thường xuyên có mưa nhưng qua kiểm tra cho thấy hiện nay trong tổng số 17 hồ chứa thủy lợi có quy mô vừa và lớn do Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam quản lý, chỉ có 5 hồ tích đầy nước gồm Đá Vách, Nước Rôn, An Long, Khe Tân, Thạch Bàn. Còn lại 12 hồ mới đạt từ dưới 50 - 70% dung tích hữu ích. Trong khi đó, đối với 56 hồ chứa nhỏ do chính quyền các địa phương quản lý thì chỉ có 21 hồ tích đầy nước, còn lại đa số có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường 2 - 4,5m. Ông Tý nói: “Trước tình trạng này, tôi đề nghị những đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi và chính quyền các địa phương cần tính toán cân đối kỹ nguồn nước. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nông dân tưới nước tiết kiệm nhằm đảm bảo đủ lượng nước cung ứng cho cây trồng trong cả vụ sản xuất đông xuân lẫn hè thu của năm 2017”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, để vụ đông xuân 2016-2017 mang lại thắng lợi, ngay từ bây giờ ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương phải chuẩn bị tốt các khâu nhằm chủ động phục vụ sản xuất. Đặc biệt, trong thời gian tới cần chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao các gói kỹ thuật canh tác mới cho nhà nông và thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn nông dân gieo trồng lúa cũng như các loại rau màu theo đúng lịch thời vụ, cơ cấu giống quy định. Đồng thời siết chặt kiểm tra chất lượng các loại hạt giống, vật tư nông nghiệp. Muốn hạn chế tối đa những thiệt hại, các cơ quan có trách nhiệm cũng phải sớm xây dựng cụ thể phương án phòng chống hạn và nhiễm mặn, đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất ở từng vùng, địa phương. “Sắp tới cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để nhanh chóng nhân rộng mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Bên cạnh đó, các đơn vị liên quan phải tích cực vận động nông dân mạnh dạn chuyển những chân đất lúa sản xuất kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày chủ lực. Đối với lĩnh vực chăn nuôi, ngành thú y và các địa phương phải đặc biệt quan tâm đến công tác tiêm phòng vắc xin, duy trì thường xuyên khâu vệ sinh môi trường, phun tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng nhằm ngăn chặn nguy cơ tái bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
NGUYỄN SỰ