Có hai mảng màu sáng - tối đan xen trên vùng đất Nam Trà My. Đó là một trong 62 huyện nghèo nhất nước, được hưởng lợi nhiều chính sách đầu tư song vẫn loay hoay với con đường giảm nghèo. Thế nhưng, ở rẻo cao này cũng xuất hiện nhiều tỷ phú sâm Ngọc Linh người Xê Đăng.
Đời sống của người dân Nam Trà My còn khó khăn, phụ thuộc vào rừng. |
Nhanh nhưng chưa bền vững
Vượt qua suối nước, chuẩn bị đi bộ lên ngọn núi dựng đứng trở về nhà, Hồ Thị Hang, người làng Tắc Rối, xã Trà Tập, nóc có gần 30 hộ, phần lớn đều rơi vào hộ nghèo và cận nghèo. Dù có đăng ký thoát nghèo nhưng đến nay rất ít hộ dân đủ điều kiện thoát nghèo. Theo UBND xã Trà Tập, hành trình giảm nghèo lao đao bởi nóc Tắc Rối chưa đảm bảo tiêu chí tiếp cận các dịch vụ thông tin, y tế, giáo dục... So với các xã lân cận của huyện, Trà Tập không xa xôi cách trở là mấy, nhưng tỷ lệ hộ nghèo của xã này hơn 50%. Hai xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện là Trà Mai và Trà Don cũng trầy trật giảm nghèo. Theo lộ trình, dự kiến Trà Mai về đích xã nông thôn mới vào năm 2019. Muốn vậy, tỷ lệ hộ nghèo phải đạt dưới 12% nhưng hiện nay hộ nghèo của xã Trà Mai còn hơn 25%. Hộ nghèo của xã Trà Don ở mức hơn 60% nên việc cán đích chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới nằm ngoài khả năng.
UBND huyện Nam Trà My nhìn nhận, cái khó của huyện là hơn 98% hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chiếm 79,1% hộ nghèo được xác định do chưa có kế hoạch tổ chức sản xuất, kinh doanh, chi tiêu hợp lý; còn lại là các đối tượng nghèo vì không có việc làm ổn định, không biết cách làm ăn. Hàng loạt chính sách hỗ trợ kích cầu đăng ký thoát nghèo của Trung ương, tỉnh và huyện đã tác động tích cực đến nhận thức và hành động của đồng bào dân tộc thiểu số. Đáng chú ý là bước ngoặt của chính sách vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Theo thống kê, tổng dư nợ nguồn vốn vay ưu đãi cho chương trình giảm nghèo của Nam Trà My đến thời điểm này hơn 120 tỷ đồng, với 4.480 hộ vay. Bình quân mỗi hộ vay gần 27 triệu đồng. Tất cả hộ đăng ký thoát nghèo đều được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Năm nay, chính quyền hỗ trợ cho 100% hộ đăng ký thoát nghèo ở 3 xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang được trồng sâm Ngọc Linh, cây dược liệu có giá trị kinh tế cao. Năm 2017, huyện Nam Trà My có 569 hộ nghèo thoát nghèo bền vững nhưng vẫn còn 3.887 hộ nghèo (56,07%).
Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Huyện ủy và nghị quyết về giao chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của HĐND huyện nêu rõ mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo của địa phương 7% - 8% (tương đương 500 - 550 hộ). Đánh giá về lộ trình giảm nghèo, hiện nay tỷ lệ hộ nghèo tuy giảm nhiều hơn so với năm trước nhưng vẫn còn rất cao (56,07%) so mức bình quân khu vực miền núi trong tỉnh (hơn 34%). Kết quả giảm nghèo ở các xã nghèo đặc biệt khó khăn tuy đạt chỉ tiêu nhưng chưa bền vững. Lộ trình “rút” ra khỏi huyện nghèo nhất nước vào năm 2020 của Nam Trà My chắc gặp trở ngại, bởi cả huyện mới có một xã có tỷ lệ hộ nghèo dưới 35%, nhưng lại có 6 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên mức bình quân của huyện (chiếm 55% hộ nghèo).
Mỏ vàng dưới tán rừng
Ngược với cảnh nghèo đeo bám người dân bản địa nhiều năm nay, cây sâm Ngọc Linh đã thay đổi hoàn toàn đời sống kinh tế của không ít đồng bào Xê Đăng thuộc xã Trà Linh. “Cây thuốc giấu” từ chỗ khép nép dưới tán rừng nguyên sinh giờ đây đã trở thành thứ hàng hóa có giá trị quý như … vàng. Giới tiêu dùng khắp nơi đổ xô về săn lùng, không tiếc khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua cho bằng được vài ba lạng sâm Ngọc Linh lâu niên. Phiên chợ sâm tổ chức đều đặn hàng tháng giữa trung tâm huyện, nhưng lần nào cũng hút lượng người lui tới tìm hiểu, mua sâm. Mỗi phiên chợ diễn ra trong 3 ngày và thu về ít nhất 3 tỷ đồng. Ở phiên chợ vùng cao này, giao dịch sâm Ngọc Linh ngoài đồng tiền trong nước mệnh giá lớn, còn thấy xuất hiện bằng đô la Mỹ. Theo ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện, chỉ trong 3 ngày (từ ngày 1 đến ngày 3.3), phiên chợ sâm Ngọc Linh thu hút hơn 2.300 lượt người đến tham quan, mua sắm với doanh thu 4,7 tỷ đồng gồm nhiều loại sản phẩm dược liệu. Trong đó, người dân và doanh nghiệp bán được 53kg sâm Ngọc Linh, thu về gần 4,5 tỷ đồng. Còn phiên chợ tháng 1 và 2.2018, ít nhất cũng thu về 7,4 tỷ đồng, doanh thu chủ yếu từ mặt hàng sâm Ngọc Linh.
Cây sâm Ngọc Linh và sản phẩm từ sâm đã thay đổi kỳ diệu đời sống kinh tế nhiều hộ đồng bào trên vùng cao Nam Trà My. Ảnh: H.PHÚC |
Từ phiên chợ sâm, Nam Trà My đã kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian bằng các hình thức biểu diễn cồng chiêng, văn nghệ, hấp dẫn du khách tò mò mua sắm và tìm hiểu văn hóa bản địa. Là đại gia sở hữu vườn sâm lên đến hàng chục nghìn cây, đồng thời có sản phẩm bày bán ở phiên chợ, ông Hồ Văn Du (xã Trà Linh) cho hay, qua các phiên chợ ở trung tâm, cây sâm Ngọc Linh sẽ được quảng bá rộng rãi trên phạm vi cả nước và nước ngoài. Giá trị của sản phẩm nhờ thế cũng được nâng lên rất nhiều. Đã xuất hiện 5 - 7 tỷ phú sâm Ngọc Linh là người đồng bào Xê Đăng ở xã Trà Linh. Theo chính quyền huyện Nam Trà My, mô hình trồng sâm Ngọc Linh rộ lên ở Trà Linh và một số xã lân cận từ nhiều năm nay. Chưa kể củ sâm, hạt giống và lá sau hơn 5 năm tuổi thu hoạch cũng mang về nguồn lợi nhuận khủng cho người trồng. Sau 5 năm tuổi, cây sâm bắt đầu ra hoa kết trái. Lá sâm và hạt giống ươm cây đã giúp cho người trồng sâm Ngọc Linh thoát nghèo vươn lên làm giàu. Còn nhớ, cách đây 4 năm, cả huyện chỉ có hơn 100 hộ trồng sâm ở xã Trà Linh với 65ha, bây giờ hơn 900 hộ ở 8/10 xã trồng với diện tích 1.200ha. Ngoài ra, còn có 6 doanh nghiệp đăng ký trồng, chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh.
Ông Nguyễn Đình Bình - Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Nam Trà My khẳng định, chưa có số liệu thống kê cây sâm Ngọc Linh đóng góp vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương như thế nào nhưng con đường giảm nghèo bền vững có dấu ấn lớn của loài cây này. Là sản phẩm quốc gia, một khi dự án phát triển vùng trồng sâm Ngọc Linh (gồm tỉnh Kon Tum - Quảng Nam) được đầu tư đúng lộ trình, đảm bảo nguồn vốn 9.000 tỷ đồng như đã duyệt, thì “quốc bảo” này hứa hẹn sẽ làm nên sự kỳ diệu cho xứ sở Trà My.
HỮU PHÚC