Nhằm khai thác, phát huy tiềm năng và thế mạnh về cây dược liệu bản địa, huyện Nam Trà My đang xúc tiến hình thành vùng trồng cây dược liệu theo hướng hàng hóa, nhằm xóa đói giảm nghèo bền vững.
Ươm tạo cây dược liệu
Những năm qua, việc bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh không ngừng được đẩy mạnh tại Nam Trà My. Hiện Trạm dược liệu Trà Linh đã trồng được hơn 208.000 cây sâm, tương đương 4,1ha, bên cạnh hàng chục nghìn cây giống gieo ươm, cung cấp cho các chương trình, dự án về cây sâm của huyện. Trại giống Tăk Ngo cũng đã trồng mới được 2ha sâm với khoảng 30.000 cây giống và trồng trong dân tại các xã Trà Linh, Trà Cang, Trà Nam trên địa bàn huyện với diện tích khoảng 60ha. Bên cạnh cây sâm Ngọc Linh, trên địa bàn huyện còn có nhiều loại dược liệu quý vốn được người dân tìm thấy, trồng phát triển trong vườn rừng để cải thiện đời sống như cây sâm nam (đẳng sâm), sâm quy, giảo cổ lam, kim cương (lan gấm), sơn tra, sa nhân, quế Trà My… ước chừng khoảng 100ha. Đây được xem là những loài cây có nhiều dược chất, có thể điều trị, chữa bệnh trong y dược: trướng bụng, hạ huyết áp, dễ ngủ, giảm béo…
Ươm tạo cây dược liệu phục vụ bảo tồn và cung ứng giống trong dân. Ảnh: BÍCH LIÊN |
Tuy nhiên, dù đầu ra các loại cây dược liệu này hiện rất tốt, có giá khá cao nhưng trên thực tế, việc trồng và phát triển cây dược liệu tại Nam Trà My vẫn chưa được người dân chú trọng. Bà con chủ yếu trồng tự phát, việc trồng và chăm sóc thiếu kỹ thuật nên năng suất, sản lượng còn thấp; tình trạng thu hoạch cây non dẫn đến sự thiếu hụt, cạn kiệt cây giống, cây nguyên liệu diễn ra ở nhiều nơi. Vì vậy việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu, biến cây dược liệu trở thành cây “xóa đói giảm nghèo” được huyện Nam Trà My đặt lên hàng đầu. Hiện, Trại giống dược liệu huyện Nam Trà My đã được quy hoạch trên diện tích 1ha, khu vực vườn ươm hình thành ban đầu khoảng 1.000m2, ươm trồng 6 loài dược liệu: sâm nam, giảo cổ lam, đương quy, lan gấm, đinh lăng, quế Trà My. Kỹ sư Nguyễn Đình Tới - nhân viên phụ trách trại dược liệu chia sẻ, trải qua các phương thức nhân giống truyền thống, tức nhân giống từ hạt, bằng chồi mầm, giâm hom, trại dược liệu đã tạo ra được 200 nghìn cây giống các loại, tỷ lệ sống ban đầu đạt 70 - 80%. Số cây giống này trước hết phục vụ mục tiêu trồng nhân rộng ra 1ha vùng dược liệu gốc của huyện. Cây giống gốc này phục vụ cho việc bảo tồn nguồn gen quý và là nguồn nguyên liệu cung cấp giống để ươm tạo cây con, cung ứng giống trồng nhân rộng tại 10 xã trên địa bàn.
Cũng theo kỹ sư Tới, quá trình ươm tạo cây dược liệu tại vườn ươm, đội ngũ kỹ thuật không gặp trở ngại về kỹ thuật ươm tạo, mà khó khăn chính là nguồn giống nguyên liệu, phải thu gom hạt giống từ trong dân, việc thu gom phải tiến hành theo mùa. Ví như cây quế chỉ cho hạt vào dịp tết, nếu không thu gom kịp trong tết thì sẽ phải chờ năm sau, hoặc thu gom xong phải tiến hành gieo ươm ngay trong vòng 2 tháng, nếu không hạt giống sẽ hỏng, không bảo quản được. Khâu nhân giống chủ yếu là truyền thống nên tỷ lệ nhân giống không cao, trong khi biện pháp nuôi cấy mô cũng đang trong kế hoạch và cần phải kiểm nghiệm trong thực tế…
Cơ chế khuyến khích
Nhận thấy cơ hội và tiềm năng phát triển kinh tế, đưa đồng bào miền núi thoát nghèo từ cây dược liệu là rất lớn, huyện Nam Trà My đặt ra mục tiêu phát triển cây dược liệu theo hướng hàng hóa, song hành là cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cây dược liệu. Mục tiêu là tạo vùng dược liệu hàng hóa, bên cạnh cây sâm Ngọc Linh. Theo ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, để đưa cây dược liệu trở thành cây hàng hóa, huyện đã và đang tập trung chỉ đạo, hỗ trợ và huy động tối đa nguồn lực của nhân dân, lấy tiêu chí nhóm hộ làm cơ sở để hình thành các mô hình trồng cây dược liệu trong dân. Việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến người dân được chú trọng. Tại những vùng ưu tiên trồng cây dược liệu, hạ tầng cơ sở về giao thông, thủy lợi, điện lưới… sẽ được đầu tư xây dựng, tạo thuận tiện cho việc trồng và tiêu thụ sản phẩm. Cụ thể, thời gian qua, mô hình trồng sâm nam đã được xây dựng tại xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang, thu hút 45 hộ tham gia. Huyện đã tổ chức gieo ươm để bảo tồn và phát triển giống quế Trà My với hàng trăm nghìn cây giống để cấp cho dân tại 9/10 xã. Trong năm 2016 này, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc bảo tồn và phát triển mạnh 6 loài dược liệu trên. Vườn ươm giống cây dược liệu của huyện sẽ được tiếp tục mở rộng quy mô diện tích ra 1ha để tạo vùng cây giống ổn định, bền vững. Việc hoàn chỉnh khâu quy hoạch hướng tới bảo tồn, trồng mới hơn 1.900ha cây dược liệu (tập trung 6 - 10 loài dược liệu quý) cũng được hướng tới.
Cùng với khâu quy hoạch vùng trồng, ươm tạo giống, huyện Nam Trà My còn xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển cây dược liệu. Dự án phát triển cây dược liệu trên địa bàn Nam Trà My giai đoạn 2015 - 2020 được phê duyệt với tổng giá trị đầu tư khoảng 15 tỷ đồng. Theo đó, người dân trồng cây dược liệu sẽ được hỗ trợ 100% chi phí mua cây giống, phân bón, tiền vận chuyển đến nơi thực hiện dự án và kinh phí phát dọn, trồng, đầu tư cơ sở chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ cây dược liệu. Việc thành lập tổ hợp tác sản xuất cây dược liệu, khâu phát triển hệ thống dịch vụ, chế biến, quảng cáo và tiêu thụ sản phẩm được khuyến khích. Mục tiêu trước mắt của dự án là sẽ tập trung phát triển 100ha cây dược liệu tại 10 xã. “Cây dược liệu đã được trồng nhiều trong dân rồi, nhiều nơi đã có sản phẩm để bán. Chúng tôi đã khảo sát thị trường, nguồn cung cây dược liệu rất khan hiếm, nhỏ giọt. Trước nhu cầu hết sức lớn của thị trường, một lượng lớn cây dược liệu phải nhập từ Trung Quốc về. Vậy nên, với chủ trương hình thành vùng dược liệu quốc gia (bao gồm cây sâm Ngọc Linh, quế Trà My và 6 loài dược liệu nói trên), chúng ta không phải lo ngại về đầu ra” - ông Bửu nói.
BÍCH LIÊN