Nan giải chuyển nguồn

19/12/2012 10:29

Tình trạng không sử dụng hết vốn, nợ tạm ứng không thể tất toán, buộc phải chuyển nguồn vốn sang năm sau là vấn đề rất đáng lo ngại trong quản lý, sử dụng vốn ngân sách. Vì vậy, các cơ quan quản lý cần có những biện pháp quyết liệt hơn...

Chuyển nguồn quá lớn

Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh ngày 7.12.2012 nêu rõ, chi chuyển nguồn năm 2011 sang 2012 đã lên đến 4.555 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do một số dự án bố trí vốn không bảo đảm kế hoạch, thi công chậm, kéo dài nên không quyết toán được, hoặc do chủ đầu tư chậm làm các thủ tục thanh, quyết toán. Ngoài ra, công tác thẩm định, trình phê duyệt, phê duyệt quyết toán không kịp thời và Trung ương bổ sung vốn lớn vào dịp cuối năm đã dẫn tới tình trạng này.

Tại Kỳ họp HĐND tỉnh từ ngày 11 - 14.12 vừa qua, đại biểu Nguyễn Văn Hùng cho rằng, đây là dấu hiệu không tốt trong quản lý điều hành ngân sách khi tỉnh đang “đói” vốn. Khá nhiều nhu cầu đầu tư cho thủy lợi, giao thông, bệnh viện, trường học... không thể đáp ứng được vì thiếu nguồn. Thậm chí, vốn có nhưng lại không được sử dụng hết nên năm 2011 đã bị Trung ương thu hồi trên 60 tỷ đồng. “Tình trạng này không được khắc phục mà ngày càng có xu hướng trầm trọng thêm, liệu sắp tới có biện pháp nào chấn chỉnh được không?” - ông Hùng nói.

Phân bổ vốn đúng mục tiêu, đẩy nhanh tiến độ thi công là những biện pháp giảm bớt nợ  ứng và chuyển nguồn.                   Ảnh: T.D
Phân bổ vốn đúng mục tiêu, đẩy nhanh tiến độ thi công là những biện pháp giảm bớt nợ ứng và chuyển nguồn. Ảnh: T.D

Ông Trần Đình Tùng, Giám đốc Sở Tài chính cho rằng các giải pháp thường đưa ra vào cuối năm thì không thể lấp lỗ hổng ngay được mà cần phải có thời gian để có “phác đồ điều trị”. Chính sách hay giải pháp luôn có độ trễ nhất định, không thể tác dụng ngay được. Ông Tùng cho hay, khi Trung ương rót vốn vào cuối năm thì không còn cách nào khác, buộc lòng phải chuyển nguồn. Có những nguồn không thể chi cho những vấn đề khác buộc phải chuyển nguồn. Nguồn vốn tăng thì chuyển nguồn phải lớn. Còn với tốc độ tăng chuyển nguồn như năm nay là có xu hướng giảm, không tăng tương ứng. Vì vậy, tăng chuyển nguồn không có gì lạ. Ông Tùng lý giải thêm rằng, số tạm ứng cho các công ty không thể chuyển ứng thành chi nên vẫn phải để treo vì hiện vẫn đang xin Chính phủ như chuyện của Ban Quản lý khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Một số nguồn khác, phải đủ tháng đủ ngày, mới tất toán được. Chưa kể các khoản tiết kiệm được để lại sử dụng… thì đó là điều bình thường. Ông Tùng nói, cơ chế cũ không khống chế số lượng tạm ứng và liên quan tới Nghị quyết 11 của Chính phủ nên đã phải chuyển nguồn.

Tuy nhiên, theo ông Võ Hồng, Trưởng ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh, đứng ở dưới góc độ nào đi nữa thì việc không tiêu hết tiền, số dư chuyển nguồn quá lớn vẫn là hạn chế đáng kể trong điều hành, quản lý ngân sách.

Sẽ khó thay đổi

Đại biểu HĐND tỉnh và người dân có thể hiểu rằng những khoản buộc phải chuyển nguồn như vốn về cuối năm hay tiết kiệm… là điều rất bình thường, nhưng việc chuyển nguồn ngày càng cao và số dư tạm ứng “lưu cữu” vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại là điều khó chấp nhận. Đơn cử như những dự án của Công ty Xuân Thành, hơn 18 tháng không thi công, trong khi vẫn được ứng vốn nhiều lần. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn hứa, đến ngày 31.3.2013 sẽ thu hồi toàn bộ số tiền ứng của Công ty Xuân Thành (khoảng hơn 131 tỷ đồng).

Dễ hiểu rằng, các chủ đầu tư, dự án

Năm nào chuyển nguồn cũng cao hơn năm trước. Dù lý do gì chăng nữa thì đó là dấu hiệu quản lý ngân sách không tốt. Việc để ứng chồng lên ứng cần phải rút kinh nghiệm vì rất nhiều dự án không có vốn.
(Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ)

luôn tìm mọi cách để ứng vốn… nhưng lại không thi công hay thi công dang dở. Điều này đã được chứng minh khi Kho bạc Nhà nước công bố vẫn còn khoảng 1.063 tỷ đồng sẽ rất khó thu hồi. Lý do là nhiều dự án chưa hoàn ứng được là do chủ đầu tư mới lập thủ tục hồ sơ thanh toán. Một số không thu hồi được vốn do các đơn vị tư vấn, thi công đã giải thể hoặc chây ì không chịu trả và một số dự án bị dừng thi công. Nhiều hồ sơ đã chuyển sang cơ quan thi hành án để thu nợ, nhưng cơ quan thi hành án lại không thực hiện được vì không thể xác định tài sản khi công ty đã giải thể hoặc bán lại cho đơn vị khác…

Những công trình đầu tư dàn trải kém hiệu quả là một trong những nguyên nhân cơ bản gây lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô trong suốt thời gian qua. Giải quyết vấn đề này một cách gốc rễ để giúp doanh nghiệp là phải cơ cấu lại đầu tư công, kiên quyết rũ bỏ các dự án dàn trải. Cho dù nếu thực hiện việc tính lãi ngân hàng trên số vốn ứng hay cơ chế hậu kiểm đề cập sau giải ngân là tăng tính chịu trách nhiệm của chủ đầu tư, hay người dùng vốn thì thực tế, từ trước đến nay, hậu kiểm không giúp giảm thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. Vì vậy, cần có những hành động cụ thể từ các cơ quan công quyền. Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Sỹ: “Năm nào chuyển nguồn cũng cao hơn năm trước. Dù lý do gì chăng nữa thì đó là dấu hiệu quản lý ngân sách không tốt. Việc để ứng chồng lên ứng cần phải rút kinh nghiệm vì rất nhiều dự án không có vốn”.

Trịnh Dũng

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nan giải chuyển nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO