(QNO) - Trong căn nhà cấp 4 đã cũ, người đến viếng tang lác đác dần, ngoài trời mưa như trút nước, 3 đứa con vốn đã cơ cực, hết mồ côi cha nay lại mồ côi mẹ. Những tiếng nấc nghẹn ngào vừa ai oán cho nỗi cơ cực của người mẹ chết trẻ và sự bơ vơ, hụt hẫng giữa dòng đời… khiến ai nấy không kìm được lòng mình.
Chị Trần Thị Bê (thôn Đông Tây, xã Đại An, Đại Lộc) ra đi vào đêm mưa gió ngập trời và nước lũ dâng đầy đồng, ngập hết những mớ rau màu, nguồn sinh nhai của sắp nhỏ mà chị dày công vun xới đến tận hơi thở cuối cùng. Trong căn nhà nhỏ, 3 đứa con vật vã bên linh cửu người mẹ; ngoài trời mưa giăng mù mịt, thôn xóm lại phủ thêm màu tang thương. Người người chung tay lo tang ma, tiếp khách phúng điếu.
Căn nhà nhỏ nay lại thiếu vắng hơi ấm của người mẹ tảo tần, những đứa con chị Bê liệu có dìu nhau được qua khốn khó? Ảnh: TRIÊU NHAN |
Mới ngày hôm kia thôi, chị Bê trút hơi thở cuối cùng cũng là lúc nhà chị không còn lấy một đồng để mua nổi một chiếc quan tài, xóm làng điện đội trợ tang lo giúp. Nghe tin, chủ quán cà phê Riverside ở Đại Lộc cũng kịp tới nơi mua quan tài cho người phụ nữ bất hạnh. Nhiều người chạnh lòng bởi người phụ nữ nghèo lam lũ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lại mắc bạo bệnh. Cuộc đời chị vốn đã khổ, đã nhọc nhằn, đến lúc ra đi cũng không được thanh thản khi bị nỗi đau đớn giày xéo, một phần không thể yên lòng bởi phải bỏ lại 3 đứa con tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Sắp nhỏ con chị, cũng cơ cực, gian nan từ nhỏ, nhất là từ khi cha qua đời sau tai nạn giao thông.
“Bê nó đáng thương lắm, khi biết tin căn bệnh ung thư ập đến, nó không ngã quỵ mà bình tĩnh sống, quần quật làm việc đêm ngày, cả việc chong đèn luôn đêm để trồng rau nữa. Xóm giềng ai cũng khuyên nhủ song nó gạt đi, nói rằng phải làm để đỡ đần cho sắp nhỏ được phần nào hay phần ấy. Lỡ khi nhắm mắt xuôi tay thì sắp nhỏ biết bám víu vào đâu. Xóm giềng, người thân có thương thì cũng giúp phần nào thôi, bởi ai cũng khó. Mỗi đợt xạ trị tốn vài chục triệu đồng, phải chạy vạy khắp nơi. Giờ nó yên nghỉ rồi, mà nỗi đau, nỗi khổ có hết đâu” - một người láng giềng chia sẻ.
Trưởng thôn Đông Tây - ông Đào Văn Tân cho biết: “Chị Bê là một người phụ nữ quá cơ cực và giàu nghị lực, chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo và vẫn làm việc cho tới hơi thở cuối cùng. Sống cơ cực, chết đi cũng khổ bội phần. Nghe tin sắp có đợt mưa to, lũ lại về trên sông, địa phương đang tính đến việc có khi phải làm thủ tục chôn cất chị trước mưa lũ xảy ra bởi sợ tắt đường. Mấy ngày nay thấy 3 đứa nhỏ kêu gào bên mẹ khản cả giọng mà không ai cầm được nước mắt”.
Điều khiến ai cũng chạnh lòng là đứa con gái lớn của chị Bê, Trần Thị Ái Nhi (SN 1995). Mẹ mất vào đúng ngày Nhi đang thi nốt những môn cuối của kỳ thi ở trường đại học. Di nguyện của người mẹ là không được bỏ sót môn thi nào và phải vững vàng thay mẹ lo cho các em đã khiến cô bé ruột đau xót song phải đều đặn đến trường thi hai môn cuối cùng. Cái đêm người ta khâm liệm mẹ, cả 3 chị em Nhi ai nấy dẹo dặt, không thiết ăn uống nữa. Chẳng hiểu sao, Nhi vốn nhỏ thó người, đang chịu tang mẹ lại có động lực để ngồi dậy ra thắp nhang cho mẹ rồi ngồi lên xe để tới trường thi. Chẳng biết em có làm được bài thi không, khi trong đầu em nỗi đau cùng cực chỉ khiến mọi thứ ráo hoảnh. Nhi nhớ tới lời mẹ trước lúc lâm chung, Nhi muốn mẹ yên nghỉ, cả đời mẹ đã khổ rồi, không phải bận tâm, mỏi mệt gì về 3 chị em nữa. Nghe đâu ngày Nhi nhập học tại một trường đại học ở TP.Hồ Chí Minh là ngày nghe tin mẹ bị ung thư, khối u đang di căn. Nhi gần như suy sụp, đón xe quay trở về nhà. Mẹ nhất quyết không cho nghỉ học. Bằng mọi giá phải trở lại trường. Thế là, Nhi đành chọn học ngành Kế toán của Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng để gần nhà, vừa tranh thủ đi dạy kèm, vừa chạy về với mẹ cuối tuần. Nỗi nhọc nhằn, gian nan cứ dày lên theo từng năm học. Chính nghị lực của mẹ đã truyền lửa, rằng phải học để thoát nghèo, thoát khổ và thay mẹ lo cho 2 em nhỏ.
Chiều nay, Nhi và 2 em Trần Phước Phi (SN 1998), Trần Phước Duy (SN 2002) ngồi thẩn thờ bên linh cửu mẹ, trong căn nhà lạnh lẽo và thiếu vắng hơi ấm của mẹ. Ngoài trời, mưa đổ không ngớt. Chúng hiểu rõ những nỗi khổ, gian truân mà cả cuộc đời mẹ đã vì chúng. Giữa dòng đời cay nghiệt, liệu 3 đứa trẻ có thể dìu nhau qua đoạn khốn khó, liệu chúng có còn được tận hưởng niềm vui cắp sách tới trường, với cả quãng đời thơ dại ở phía trước? Rất mong sự sẻ chia, nâng bước chân mồ côi của những nhà hảo tâm, của xã hội.
Mọi sự trợ giúp cần liên lạc về:
Trần Thị Ái Nhi, thôn Đông Tây, xã Đại An, huyện Đại Lộc, số điện thoại: 0167.435.9697.
Hoặc Phòng công tác xã hội, Báo Quảng Nam, số 142 Phan Bội Châu, Tam Kỳ. (Chủ tài khoản: Báo Quảng Nam; số tài khoản: 4200211000646 Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh Quảng Nam; ghi rõ nội dung: giúp 3 chị em Trần Thị Ái Nhi).
TRIÊU NHAN