Nâng cao chất lượng nguồn giống

HÀ QUANG 31/10/2018 06:59

Bảo tồn, phát triển, nâng cao chất lượng nguồn giống là công tác trọng tâm của Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam. Thời gian qua, công tác này gặt hái được nhiều kết quả khả quan. 

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam gieo hạt giống sâm Ngọc Linh.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam gieo hạt giống sâm Ngọc Linh.

Với giá bán cao ngất ngưởng nên những năm gần đây cây sâm Ngọc Linh bị khai thác một cách triệt để, nguồn sâm tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Trong khi đó, tình hình phát triển sản xuất cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều mặt hạn chế như kỹ thuật canh tác chưa được hoàn thiện, hiệu quả nhân giống chưa cao, sản xuất chưa gắn liền với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, sâm giả trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ... Chính vì vậy, việc bảo tồn, phát triển giống, chuyển giao phương pháp trồng sâm Ngọc Linh đạt hiệu quả là nhiệm vụ hết sức cần thiết và cấp bách.

Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam đã đặc biệt chú trọng công tác bảo tồn và phát triển cây giống sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Đến nay, công tác bảo tồn nguồn gen quý hiếm này cơ bản đã được đảm bảo, nguồn cây giống được sản xuất hằng năm tăng cao, cùng với đó công tác chăm sóc cho cây giống, phòng trừ sinh vật gây hại, bảo vệ, bảo quản hạt giống... đang được triển khai với nhiều biện pháp đồng bộ.

Theo ông Trần Út - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, trước đây cây sâm giống được nuôi trồng tại Nam Trà My thường bị dịch bệnh nên việc nhân rộng nguồn giống, đáp ứng nhu cầu phát triển diện tích trồng sâm Ngọc Linh gặp khó khăn. Những loại bệnh thường gặp của cây sâm giống là bệnh thối rễ, thối cổ rễ, đốm lá... Các loại dịch bệnh này hiện đã được trung tâm tăng cường các biện pháp phòng trừ, kiểm soát, nâng cao chất lượng cây giống. Thành công nổi bật trong việc phát triển nguồn sâm giống của Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam là đã nâng tỷ lệ sống của cây sau nẩy mầm. Nếu như năm 2015, tỷ lệ sống của cây sau nẩy mầm chỉ đạt 18,5% thì năm 2018 đã tăng lên gần 39,4%. “Chúng tôi đã xây trại sản xuất cây giống với diện tích khoảng 1.000m2 trên Trạm dược liệu Trà Linh để kiểm soát tốt dịch bệnh trên cây sâm giống. Trước đây vì thiếu cán bộ kỹ thuật chuyên môn lẫn trang thiết bị nên gặp nhiều khó khăn, những hạn chế này hiện đã được khắc phục. Một điểm thuận lợi nữa là gần đây trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều đề tài khoa học, có thể áp dụng vào thực tế nên cũng góp phần nâng cao giải pháp kỹ thuật về phát triển cây giống sâm Ngọc Linh” - ông Trần Út nói.

 Hiện Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam quản lý, bảo vệ diện tích 15ha, trong đó diện tích đã trồng sâm hơn 7ha. Thời gian qua công tác sản xuất giống, phát triển trồng mới, cung ứng cây giống cho doanh nghiệp đạt nhiều kết quả khả quan. Theo thống kê, năm 2015, số lượng cây giống sâm Ngọc Linh trung tâm sản xuất được là 32.400 cây. Từ đó đến nay tổng số lượng cây giống đã sản xuất được là hơn 146.000 cây. Từ nguồn giống này, trung tâm đã phát triển trồng mới được hơn 60.300 cây, cung ứng cho doanh nghiệp 32.400 cây, nghiên cứu di thực 2.000 cây. Theo ông Trần Út, công tác sản xuất, nâng cao chất lượng nguồn giống đang được Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam tiếp tục cập nhật, nghiên cứu đổi mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thời gian tới trung tâm tiếp tục áp dụng biện pháp nâng cao tỷ lệ nẩy mầm của hạt giống bằng nhiều hình thức như phương pháp lưu giữ hạt giống, hiệu quả của các chế phẩm hỗ trợ khả năng nẩy mầm, cải thiện sự tác động của điều kiện môi trường gieo ươm… Các giải pháp chăm sóc cây giống sau nẩy mầm cũng được chú trọng như cải thiện điều kiện môi trường chăm sóc cây giống, chế độ dinh dưỡng, phòng trừ dịch hại cho cây giống…

HÀ QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao chất lượng nguồn giống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO