Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành giáo dục

HÀN GIANG 03/10/2014 08:46

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, chất lượng nguồn nhân lực trong ngành giáo dục Quảng Nam không ngừng được nâng cao, công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả tích cực.

Chuyển biến tích cực

Cách đây 10 năm, ngành giáo dục huyện Đại Lộc đã thành lập được đảng bộ nhờ đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ, đảng viên ở các trường học đạt được nhiều kết quả tích cực. Số lượng và chất lượng đảng viên ngày càng được nâng lên, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập ở các trường. Do yêu cầu nhiệm vụ chính trị, cuối năm 2013, Đảng bộ ngành Giáo dục huyện Đại Lộc giải thể, các chi bộ trực thuộc được bàn giao cho cho đảng bộ các xã, thị trấn. Hiện 100% trường học trên địa bàn huyện đều có chi bộ độc lập, cán bộ quản lý hầu hết đã đứng vào hàng ngũ của Đảng. “Xác định công tác giáo dục chính trị tư tưởng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, dịp hè hàng năm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện tổ chức bồi dưỡng chính trị cho hơn 2.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên của ngành. Mặt khác, định hướng cho các chi bộ trường học sắp xếp, bố trí đảng viên đảm nhận các chức danh như chủ tịch công đoàn, tổ trưởng chuyên môn, thanh tra... nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, của chi bộ nhà trường” - ông Nguyễn Khắc Xuyên, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đại Lộc cho biết.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW. Ảnh: HÀN GIANG
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín tặng bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW. Ảnh: HÀN GIANG

Tại Phú Ninh, ông Hồ Đắc Thiện - Trưởng phòng GD-ĐT huyện cho hay, việc thành lập chi bộ độc lập, xây dựng chi bộ có chi ủy ở các trường học luôn được ngành quan tâm. Đến nay, 100% trường học đã thành lập chi bộ độc lập, có 20/22 chi bộ trường tiểu học, THCS có chi ủy. Hàng năm, chi bộ các trường học luôn chú trọng xây dựng nghị quyết để lãnh đạo nhà trường triển khai thực hiện kế hoạch giáo dục đảm bảo cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ đề ra ở mỗi bậc học. Đồng thời chỉ đạo các tổ chuyên môn, tổ chức đoàn thể xây dựng quy chế hoạt động, quy chế phối hợp theo hướng gắn kết trách nhiệm của từng cá nhân, từng tổ chức đoàn thể đối với công tác dạy và học của nhà trường.

Tương tự, công tác xây dựng Đảng trong trường học được Đảng bộ TP.Tam Kỳ hết sức chú trọng, với quan điểm nhất quán phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận tích cực của nhân dân đối với sự nghiệp phát triển GD-ĐT. Theo bà Nguyễn Thị Thu Lan - Phó Bí thư Thành ủy Tam Kỳ, tỷ lệ đảng viên ngành giáo dục đạt khá cao so với mặt bằng chung của thành phố. Toàn ngành có 39/39 trường đã thành lập chi bộ độc lập, tỷ lệ đảng viên chiếm 39,8% trong tổng số cán bộ, giáo viên; riêng số cán bộ quản lý giáo dục các cấp có 91,3% là đảng viên, trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên chiếm 76%. Bà Lan cho hay: “Để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và tổ chức sinh hoạt chuyên đề, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể đối với loại hình chi bộ trường học. Nhờ đó, chất lượng sinh hoạt chi bộ ở các trường được nâng lên. Đặt biệt, các hoạt động sinh hoạt chuyên đề hàng quý gắn với nhiệm vụ giảng dạy, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo đã tạo chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng ở các trường học trên địa bàn”.

Còn nhiều việc phải làm

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX), nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đối với ngành giáo dục và xã hội được nâng cao. HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quản lý, chỉ đạo về quy hoạch, tuyển dụng, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đảm bảo định mức ngân sách chi đối với các cơ sở giáo dục là 80% cho con người và 20% cho các hoạt động giáo dục. Đến nay toàn tỉnh có 20.700 nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn; 1.300 người được đào tạo cao cấp, cử nhân và trung cấp lý luận chính trị; gần 1.800 người tham gia các khóa đào tạo và được cấp chứng chỉ về quản lý nhà nước, quản lý giáo dục... Công tác xây dựng Đảng trong các cơ sở giáo dục không ngừng được củng cố, kiện toàn và phát triển. Hàng năm có 75 - 85% đảng bộ, chi bộ cơ sở trong sạch vững mạnh, hơn 90% chi bộ trực thuộc đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu, hơn 90% đảng viên hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cùng với việc chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu dạy và học trên địa bàn, Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Trà My còn tập trung chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, hỗ trợ công tác giáo dục và theo dõi tình hình thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ giáo viên ở cơ sở. Đây được xem là một trong những giải pháp tích cực góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn. Tuy vậy, bà Huỳnh Thị Kim Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của huyện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn đề ra. Tỷ lệ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục là người địa phương, nhất là người đồng bào thiểu số, vẫn còn thấp. Trong khi đó, công tác đào tạo cử tuyển hiện nay bị “lệch pha” so với nhu cầu của ngành giáo dục địa phương”. Theo bà Dung, để đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, bên cạnh nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của UBND các xã, thị trấn đối với công tác giáo dục, huyện Bắc Trà My sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc đánh giá, lựa chọn, sử dụng cán bộ trên cơ sở đảm bảo phẩm chất chính trị, năng lực công tác và hoạt động thực tiễn. Đồng thời nắm chắc nhu cầu ở các bậc học và nhu cầu dài hạn để hướng nghiệp trong nhà trường; khuyến khích thi tuyển “có địa chỉ đầu ra” đối với học sinh người dân tộc thiểu số để tạo nguồn cán bộ người địa phương, đáp ứng chuẩn về chuyên môn và phẩm chất chính trị, hướng đến mục tiêu ổn định, lâu dài.

Đối với trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, theo bà Vũ Thị Phương Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quảng Nam, thời gian đến, lãnh đạo tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa để các trường được tham gia thực hiện đề tài khoa học cấp tỉnh. Đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ hợp tác quốc tế cho các trường, đặc biệt là trong hợp tác đào tạo nhằm tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu đào tạo, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) vừa được Tỉnh ủy tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ở miền núi bị ảnh hưởng không nhỏ bởi công tác luân chuyển cán bộ, giáo viên theo Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ngô Văn Hùng, thời gian qua, trường hợp được chuyển từ miền núi về đồng bằng tập trung vào đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có thâm niên công tác, nhiều kinh nghiệm; trong khi đó, luân chuyển lên miền núi chủ yếu là lực lượng trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Việc làm này giống như đưa đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ lên miền núi để tiếp tục đào tạo rồi sau đó rút về đồng bằng, như vậy ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy, quản lý giáo dục ở miền núi. “Nên chăng, chúng ta cần thực hiện ngược lại quy trình như lâu nay đã làm” - ông Hùng nói.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành giáo dục
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO