Chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy cơ sở và sinh hoạt chi bộ cũng là giải pháp quan trọng trong xây dựng tổ chức cơ sở đảng cấp xã.
Trước mỗi kỳ họp, các văn bản cần thảo luận phải được gửi trước cho từng cấp ủy viên. Phát huy dân chủ, công khai trong họp cấp ủy, bảo đảm cho từng cấp ủy viên và đảng viên được phát biểu ý kiến. Cấp ủy đảng cần lắng nghe và tôn trọng ý kiến cấp dưới, ngăn ngừa và kiên quyết chống những biểu hiện độc đoán, gia trưởng, quy chụp, nể nang, thiếu trung thực; không định kiến, thành kiến với những người có ý kiến bảo lưu. Cùng với các cấp trên, cấp ủy cơ sở phải thường xuyên và “nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, nêu gương bằng hành động thực tế” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.
Thông qua sinh hoạt chi bộ hằng tháng, cấp ủy phải nắm được tình hình tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống và kết quả thực hiện nhiệm vụ của đảng viên, kể cả đảng viên do cấp ủy cấp trên quản lý. Kịp thời bồi dưỡng, khen thưởng những đảng viên gương mẫu, có thành tích xuất sắc; giúp đỡ, giáo dục, xử lý những đảng viên có thiếu sót, khuyết điểm hoặc vi phạm nguyên tắc sinh hoạt đảng và tiêu chuẩn đảng viên. Ngoài các buổi sinh hoạt chi bộ định kỳ, tùy điều kiện nhiệm vụ cụ thể, chi ủy cần lựa chọn một số vấn đề mới, phù hợp với nhiệm vụ của chi bộ và chức trách, nhiệm vụ của đảng viên để tổ chức sinh hoạt theo chuyên đề nhằm tập trung sự lãnh đạo của chi bộ, nâng cao kiến thức, năng lực và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Trong sinh hoạt của cấp ủy và sinh hoạt chi bộ cần phải mở rộng dân chủ, phát huy trí tuệ của tập thể. Đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp phải thực sự gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ để mọi người noi theo. Thực hiện nghiêm túc Quy chế chất vấn trong đảng, nhất là tại sinh hoạt của các cấp ủy tổ chức cơ sở đảng. Mặt khác, cần tăng cường thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong triển khai các chủ trương, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội có liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Nhất là liên quan đến giải tỏa, bồi thường thiệt hại, tái định cư, giải quyết việc làm, bố trí đất sản xuất… cho nhân dân. Trong đó, cần quan tâm xây dựng quy chế giám sát của nhân dân (giám sát trực tiếp hoặc gián tiếp qua người đại diện của nhân dân).
NGÔ VĂN HÙNG