Quy định của pháp luật về phản biện xã hội (PBXH) của MTTQ Việt Nam cơ bản đã hoàn thiện, nhưng nhìn chung việc thực hiện nội dung này vẫn chưa tương xứng với vai trò, nhiệm vụ; chưa đáp ứng yêu cầu, mong muốn của Nhân dân.
Kết quả chưa tương xứng
Từ năm 2013, cùng với Hiến pháp năm 2013, Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị ban hành thì giám sát, PBXH trở thành chức năng, nhiệm vụ quan trọng của MTTQ Việt Nam. Theo ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong những năm qua, Mặt trận các cấp chủ động lựa chọn, tổ chức tốt hoạt động PBXH đối với các dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền cùng cấp tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân.
Từ năm 2014 - 2020, Mặt trận các cấp trong tỉnh đã chủ trì tổ chức 626 hội nghị PBXH và trực tiếp tham gia góp ý đối với 1.256 dự thảo văn bản của cấp ủy, chính quyền các cấp, góp phần làm sáng tỏ sự cần thiết, sự phù hợp, tính khả thi và hiệu quả của dự thảo văn bản, làm cơ sở, căn cứ quan trọng để cấp ủy, HĐND và UBND các cấp tham khảo trước khi quyết định thông qua. Đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền không thông qua hoặc tiếp tục sửa đổi, điều chỉnh đối với các dự thảo văn bản chưa đạt yêu cầu.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức 7 hội nghị phản biện, 1 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận tỉnh với cơ quan dự thảo được phản biện. Trong đó đã đề nghị không thông qua 2 dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh (dự thảo Đề án và nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 125/2014/NQ-HĐND ngày 11.7.2014 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ trợ và khuyến khích đầu tư xây dựng chợ, siêu thị và trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014 - 2020; đề án “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2025” do Sở VH-TT&DL tỉnh chủ trì soạn thảo).
Theo ông Nguyễn Phi Hùng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động PBXH của MTTQ Việt Nam vẫn chưa tương xứng với vai trò, nhiệm vụ được pháp luật quy định. Đó là nội dung, hình thức phản biện chưa toàn diện; chủ thể phản biện chưa đồng bộ ở các cấp, chỉ tập trung ở cấp huyện và tỉnh. Trong khi đó, một số cơ quan nhà nước chưa đề cao vai trò của việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với dự thảo các chương trình, đề án, dự án, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đó là lý do khiến những thông tin, tài liệu về dự thảo chương trình, dự án bị hạn chế; thời gian lấy ý kiến ngắn; thiếu cơ chế tiếp thu, phản hồi thông tin của các cơ quan được tư vấn, phản biện và giám định xã hội... Về chủ quan, năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phản biện và giám định xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh còn hạn chế, khó khăn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả thực hiện PBXH.
Cần sự tiếp thu, cầu thị
Ở cấp huyện, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An là một trong những đơn vị triển khai khá hiệu quả hoạt động PBXH trong những năm qua. Mặt trận thành phố đã tổ chức được 6 hội nghị PBXH về dự thảo, dự án và các công trình xây dựng; Mặt trận cấp xã chủ trì, tổ chức 38 hội nghị PBXH… Các hội nghị PBXH đã tiếp nhận hơn 500 lượt ý kiến của các nhà chuyên môn, trí thức tham gia góp ý, phản biện.
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An, để thực hiện hiệu quả PBXH thì Mặt trận cần bám sát nghị quyết, chương trình công tác của cấp ủy, HĐND và chính quyền để chọn nội dung phù hợp. Đặc biệt, khi tổ chức PBXH phải mời những người tham gia có trình độ, năng lực (bao gồm thành viên ban tư vấn, tổ tư vấn, chuyên gia, nhà khoa học, các đồng chí nguyên lãnh đạo…). Để việc đảm bảo tính thực chất thì cấp ủy, chính quyền phải tiếp thu một cách cầu thị, tin tưởng đối với những ý kiến đúng đắn trong quá trình PBXH của Mặt trận. Điều này là biểu hiện cụ thể về phong cách trọng dân, gần dân và có trách nhiệm với dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, tạo ra một xã hội dân chủ và đồng thuận cao.
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình, hiện chưa có cơ chế rõ ràng và môi trường pháp lý thực sự cho hoạt động PBXH của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội. Những hoạt động phản biện hiện nay chủ yếu tham gia góp ý vào các dự thảo của các cơ quan, ban ngành, chứ chưa thực sự phản biện theo đúng nghĩa. Trong điều kiện thông tin hiện nay, muốn có những ý kiến phản biện đúng, chính xác thì đòi hỏi Mặt trận phải có thệ thống thông tin tốt, nhanh nhạy, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri, dư luận xã hội. Bên cạnh đó phải có hệ thống phân tích, đánh giá xử lý thông tin trên cơ sở khoa học.
Nhiều năm tham gia Hội đồng tư vấn về dân chủ - pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, ông Phan Khắc Chưởng - Chủ tịch Hội Luật gia cho rằng, hoạt động tư vấn, phản biện là công việc mang tính bao trùm trên các lĩnh vực của đời sống xã hội nên rất phức tạp và luôn tiếp cận những vấn đề mới. Để có một cuộc phản biện đạt hiệu quả, đòi hỏi các tổ chức, cá nhân khi tham gia phản biện phải tập trung đầu tư nghiên cứu, có tâm huyết và ý thức trách nhiệm thì mới đưa ra những ý kiến phản biện đảm bảo tính chính xác cả về lý luận và thực tiễn, phù hợp với quy định chung và thực trạng cụ thể từng địa phương, từng thành phần xã hội khi bị tác động, chi phối bởi đề án, chủ trương đó…
Hội nghị lần thứ 3 Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa IX
Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức hội nghị lần thứ 3 (khóa IX). Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đề nghị, năm 2021, Mặt trận các cấp cần triển khai quán triệt, thực hiện có hiệu quả nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tới đây. Cùng với đó cần thực hiện trách nhiệm hiệp thương, giới thiệu đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 để đáp ứng với niềm tin, hy vọng của Đảng và Nhân dân. Đồng thời, Mặt trận cần tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả trong triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí, góp ý xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh… (ANH ĐÔNG)
Tiếp nhận hơn 100 tỷ đồng khắc phục hậu quả bão lũ
Theo số liệu cập nhật từ ngày 5.10 đến ngày 22.12, tài khoản của Ban Cứu trợ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận hơn 100,5 tỷ đồng từ 187 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, công ty, cá nhân ủng hộ tiền mặt giúp Quảng Nam khắc phục hậu quả bão lũ. Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã quyết định phân bổ, hỗ trợ kinh phí ủng hộ khắc phục hậu quả bão lũ hơn 54,7 tỷ đồng nhằm giúp các địa phương hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người dân bị hư hỏng, sụp đổ do ảnh hưởng của bão lũ; hỗ trợ thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị thương, bị chết, mất tích do thiên tai… Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã kịp thời phân bổ nguồn hàng hóa ủng hộ xuống các địa phương để trao tặng người dân bị ảnh hưởng với tổng giá trị hàng tỷ đồng. (TÂM ĐAN)
Mặt trận Duy Xuyên dẫn đầu phong trào thi đua
Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên vừa tổ chức hội nghị tổng kết công tác Mặt trận năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.
Năm 2020, tuy gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh nhưng Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên đã chủ động triển khai thực hiện đồng bộ chương trình hoạt động trên các lĩnh vực; các cuộc vận động đạt được những kết quả tích cực. Với khẩu hiệu “Mỗi cán bộ mặt trận là một tuyên truyền viên tích cực phòng chống dịch Covid-19”, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và cơ sở phối hợp với ban ngành, đoàn thể của huyện tổ chức hàng trăm lượt tuyên truyền lưu động, bên cạnh việc cổ động trực quan, phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống dịch. Trong năm, Mặt trận phối hợp các đoàn thể tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp hơn 8,6 tỷ đồng, 6.164 ngày công và hiến 9.846m2 đất xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Vận động được hơn 1,3 tỷ đồng Quỹ vì người nghèo; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 102 nhà bị hư hỏng, sụp đổ do bão lũ… Với những kết quả đạt được, năm 2020 Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên tiếp tục dẫn đầu phong trào thi đua toàn tỉnh (trước đó là năm 2019). (V.ANH - T.MAI)