Nâng cao năng lực điều hành chính sách

TRỊNH DŨNG 08/07/2015 08:30

Không chất vấn, chỉ có những ý kiến trao đổi “khá nhẹ nhàng” nhưng ngày làm việc cuối cùng của Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa VIII đã tạo ra không khí sôi nổi tại nghị trường. Các đại biểu đã tập trung thảo luận những vấn đề về xác định giá đất, công tác đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng, nguồn lực đầu tư nông thôn mới, nợ thuế, cơ chế tu bổ di tích…

“Thời sự” giải phóng mặt bằng, nợ thuế

Tại phiên thảo luận vào sáng 7.7 Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh, có khá nhiều ý kiến cho rằng việc xác định giá đất cụ thể cho từng dự án đã khiến công tác giải phóng mặt bằng bị ách tắc. Cái khó của giải phóng mặt bằng hay triển khai dự án đầu tư chính là đền bù đất. Đây là vấn đề nóng, lên cơn sốt ở tất cả địa phương. Sự bất cập của cơ chế, chính sách đã khiến địa phương không thể tiến hành an dân. Theo luật mới, dân được đền bù, không được bố trí đất tái định cư. Nhưng không phải ai cũng đủ khả năng mua đất, nhất là người nghèo, nên giải tỏa mãi cũng không xong. Ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho hay đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Thăng Bình, khởi công trong tháng 7 này, nhưng giải phóng mặt bằng mãi vẫn chưa xong. Đất đai vùng đông biến động, nhất là ngày càng có nhiều người Hà Nội vào mua đất, gây khó khăn cho đền bù, giải tỏa của doanh nghiệp. Nên cần quy hoạch chi tiết công bố tạm thời ngừng giao dịch, mua bán khu vực này.

Xác định giá đất, bồi thường giải phóng, tái định cư là những vấn đề được luận bàn nhiều nhất tại kỳ họp HĐND từ ngày 6 đến 7.7. Ảnh: T.D
Xác định giá đất, bồi thường giải phóng, tái định cư là những vấn đề được luận bàn nhiều nhất tại kỳ họp HĐND từ ngày 6 đến 7.7. Ảnh: T.D

Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước – ông Hường Văn Minh cho rằng khi có dự án địa phương rất mừng, nhưng lại gặp khó khăn trong việc xác định giá đất, dẫn đến bế tắc đền bù giải phóng mặt bằng. Cơ quan quản lý cần xác định giá đất cụ thể cho bồi thường, tái định cư, giải quyết cho dân chứ không thể để dân mãi chờ đợi từ sự bất cập cơ chế. Không ít ý kiến cho rằng cần nhanh chóng thu hồi các dự án treo. Các đại biểu đơn cử như ở Điện Dương (Điện Bàn) có đến 30 dự án đầu tư trên toàn xã, nhưng chỉ có hai dự án đầu tư tốt là The Nam Hai và Kim Vinh. Số còn lại đều dở dang. Không chỗ tái định cư, trượt giá, nhà không thể sửa chữa nhưng không biết cách nào để gỡ khó.

Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT xác nhận quỹ đất vùng đông đang biến động và nhiều nơi khó khăn giải tỏa đền bù vì thiếu và khó xác định cho được một giá đất thích hợp. Ông Viễn cho biết hiện có đến 5 loại giá đất. Một khi bồi thường thì phải xác định giá đất, nhưng địa phương đề xuất quá nhiều giá, không thể làm nhanh được. Nếu không giải quyết rốt ráo vấn đề này và không tái định cư cho dân thì không thể giải phóng mặt bằng. Cần bố trí một khoản kinh phí nhất định cho giải phóng mặt bằng các dự án trước, không thì liên tục vướng, gỡ mãi sẽ không xong.

Chuyện nợ thuế lại được đặt lên bàn nghị sự. Ông Lương Đình Đường – Phó Cục trưởng Cục Thuế cho biết nợ thuế đang có xu hướng gia tăng. Nhiều khoản nợ như vàng, ưu đãi vượt trội, kiểm toán, kết luận… không thể thu được. Ngành thuế xin chỉ đạo xử lý gấp để giảm nợ, tránh tiếp tục phát sinh nợ mới. Phía địa phương, ông Nguyễn Cảnh – Bí thư Huyện ủy Phú Ninh cho rằng cần tìm cách giải quyết nợ đọng thuế. Chính quyền và cơ quan quản lý đã không đưa ra giải pháp cụ thể để thu nợ, nhất là hai công ty vàng. Với tỉnh thì không nhiều nhưng nợ đọng thuế lớn đã dẫn đến mất cân đối thu – chi của Phước Sơn và Phú Ninh. Xóa khoản giao thu thuế này cho hai địa phương là chuyện cần tính đến…

Cơ chế đầu tư nông thôn, tu bổ di tích

Theo nhận định của nhiều đại biểu, chỉ tiêu 46 xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới trong năm 2015 rất khó hoàn thành khi nguồn lực đầu tư và giải ngân hiện quá thấp. Nhiều đại biểu đề nghị cần rà soát cụ thể những xã có khả thi thì tập trung nguồn lực đầu tư, không nên dàn trải. Việc phát triển ngành nông nghiệp vẫn dựa vào các loại cây, con truyền thống nên giá trị kinh tế không cao, chưa tạo được sự đột phá. Nông nghiệp, nông thôn cần được định hướng xây dựng mô hình phát triển sản xuất phù hợp từng địa phương, tìm đối tác tiêu thụ nông sản. Sâm Ngọc Linh cần tạo cú hích nhưng cơ chế đưa ra như thế này thì khó thu hút được doanh nghiệp đầu tư. Ông Nguyễn Cảnh - Bí thư Huyện ủy Phú Ninh nói cần chấp nhận việc lồng ghép nguồn lực xây dựng nông thôn mới; tập trung xây dựng trọng điểm hơn là dàn trải ra các địa phương. Vấn đề quan trọng là có cơ chế thu hút đầu tư vào miền núi, nông thôn gắn với quy hoạch tái cơ cấu đầu tư ngành, phân cấp nguồn thu và cần sự phối hợp rõ ràng hơn. Trong một góc nhìn khác về phát triển nông nghiệp, nông thôn, ông Ngô Văn Hùng - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho rằng không hề thấy có giải pháp nào cho khoa học công nghệ. Không đầu tư cho khoa học công nghệ thì làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng cho khu vực đầy khó khăn này. Ông Vũ Văn Thẩm – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng đã có rất nhiều dự án đầu tư bị thu hồi nhưng dân không sử dụng đất được…

Cơ chế tu bổ di tích được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều đại biểu cho rằng việc quy định mức trùng tu cho các công trình mang tính cảm tính, thiếu cơ sở và khó thực hiện. Đồng thời đề xuất cần quy định hàng năm cho UBND tỉnh được sử dụng một khoản kinh phí nhất định để trùng tu các di tích theo thứ tự ưu tiên, thay vì mức cứng cho từng công trình. Mức đầu tư di tích cấp tỉnh căn cứ vào đâu để xây dựng và phân kỳ đầu tư thế nào hợp lý là những câu hỏi đã được đặt ra. Các đại biểu cho rằng cơ chế này chỉ bàn đến ngân sách trung ương, địa phương, không nói gì đến xã hội hóa. Không nên nói chung chung mà phải tính toán, xác định cụ thể kinh phí cho từng di tích một cách rõ ràng hơn. Đồng quan điểm, ông Vũ Văn Thẩm phân vân về tính khả thi, khoa học của đề án tôn tạo, bảo tồn di tích. Ông Thẩm nói duy tu, bảo dưỡng là cần thiết nhưng kinh phí thiếu cơ sở khoa học. Chỉ dựa vào kết quả các năm trước để đưa ra định mức chi là thiếu hợp lý.

“Hiện có đến 5 loại giá đất. Một khi bồi thường thì phải xác định giá đất, nhưng địa phương đề xuất quá nhiều giá, không thể làm nhanh được. Nếu không giải quyết rốt ráo vấn đề này và không tái định cư cho dân thì không thể giải phóng mặt bằng...”.
(Ông Nguyễn Viễn - Giám đốc Sở TN&MT)

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay trong vòng 5 năm tới không thể tu bổ hết di tích. Năm năm qua, ngân sách đã chi 16 tỷ đồng thì dân chúng cũng đã bỏ ra 17 tỷ đồng để cùng tu bổ di tích. Mức kinh phí đề án đưa ra chỉ tương đối. Khi cơ chế vận hành sẽ tính toán cụ thể, chi li hơn. Còn huy động thêm được bao nhiêu phần trăm kinh phí từ các nguồn khác thì không thể xác định được, dù biết rằng nguồn xã hội hóa rất lớn. Ai cũng quan tâm tới số phận di tích nhưng trong tình trạng ngân sách hạn hẹp, nên sẽ từng bước đầu tư, theo thứ tự ưu tiên.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng để đạt được 11,6% GDP trong 6 tháng cuối năm là con số rất lớn. Có thể thấy trong 3 tháng tới, nhiều dự án quy mô lớn sẽ chính thức hoạt động, thủy điện tăng công suất và nếu ô tô Trường Hải giữ được đà tăng trưởng như 6 tháng đầu năm thì đủ khả năng đạt kế hoạch. Về đầu tư, Trung ương đã phân bổ nguồn lực thì tự địa phương phải điều chỉnh, tự định đoạt lấy số phận, loại bỏ những gì không hợp lý, lựa chọn, phân bổ nguồn lực, xem xét, xác định lại các dự án… để tạo ra động lực phát triển. Phải vào cuộc rà soát, loại bỏ các đề án, dự án thiếu khả thi vì nguồn lực không đủ đầu tư. Chậm nhất đến ngày 30.9.2015 phải thông toàn bộ tuyến Cửa Đại đến dốc Diên Hồng. Cần giải quyết nút thắt giải phóng mặt bằng, giải tỏa vướng mắc vận hành cơ chế đất đai, nâng cao đạo đức công vụ, cải thiện môi trường đầu tư… Với diễn biến giá đất bất thường, làm sao giải được bài toán này hiện vẫn là điều khó khăn. Giải phóng mặt bằng bị ách tắc. Không khéo nhiều dự án từ nay đến cuối năm vẫn không thể triển khai được. Nếu dự án nào bức xúc thì cần tính toán, trình trước, không cần chờ đợi tới các kỳ họp HĐND mới trình thì chậm trễ. Phải bàn tái định cư cho dân. Không thể để người nghèo gặp bất lợi, thua thiệt!

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao năng lực điều hành chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO