Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai

TRẦN HỮU 22/05/2018 09:51

Hiện tượng thời tiết cực đoan cộng hưởng với tác động thô bạo của con người vào thiên nhiên làm cho các loại hình thiên tai ngày càng diễn biến bất thường. Vì vậy, cần đầu tư hệ thống cảnh báo, giúp cộng đồng nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai.

Diễn tập phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tại xã Bình Giang (Thăng Bình).  TRONG ẢNH: Lực lượng chức năng tham gia ứng cứu người bị nạn trong bão lũ. Ảnh: NG.THI
Diễn tập phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tại xã Bình Giang (Thăng Bình). TRONG ẢNH: Lực lượng chức năng tham gia ứng cứu người bị nạn trong bão lũ. Ảnh: NG.THI

Có thông tin trong mọi tình huống

Điểm lại năm 2017, ngành khí tượng thủy văn đúc kết, đây là một trong những năm chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai như dông, lốc, sét, bão, lũ. Hiện tượng sạt lở đất đá gây thiệt hại nặng nhất về tính mạng con người trong năm qua. Lở núi diễn ra “nhanh như chớp” nên người dân ở các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn đều trở tay không kịp. Cả ngôi làng ở xã Trà Bui (Bắc Trà My) phải sơ tán khẩn cấp trong đêm, nếu chậm hơn một chút, không biết điều gì sẽ xảy ra. Tính đến thời điểm này, tỉnh mới phác thảo bản đồ ngập lụt vùng hạ du, còn hầu như chưa xây dựng được bản đồ sạt lở đất ở khu vực miền núi, trung du. Viện Địa chất khảo sát sơ bộ trên 850km mặt cắt ngang, dọc những khu vực chính ở một số huyện miền núi của tỉnh phát hiện 42 khu vực sạt lở thường xuyên, 17 nơi sạt lở theo từng tuyến và 68 vị trí sạt lở theo từng điểm. Ở phạm vi tỉnh, tuy xác định thiên tai lở đất tập trung ở các huyện miền núi, nhưng cụ thể hơn như với lượng mưa như thế nào, cấp độ lũ ra sao thì nguy cơ xảy ra sạt lở ở từng vị trí đất vẫn chưa xác định được.

Năm 2017, thiệt hại 1.600 tỷ đồng do thiên tai

Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, năm 2017 toàn tỉnh đã có 39 người chết, 1 người mất tích và 113 người bị thương do thiên tai; 138 nhà bị thiệt hại trên 70%, 313 nhà bị thiệt hại từ 30 đến 70%... Tổng thiệt hại do thiên tai ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng.

Từ việc “chạy lở” ở xã Trà Bui hồi năm ngoái, cho thấy địa phương đang trống hệ thống cảnh báo loại hình thiên tai sạt lở núi. Chính quyền huyện Bắc Trà My đề xuất, bố trí sắp xếp dân cư, đưa người dân ra vùng nguy hiểm theo tinh thần Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh là câu chuyện lâu dài, nhưng trước mắt là phải đầu tư trang bị hạng mục cảnh báo lũ quét, lở đất mà người dân có thể nhận biết ngay để phòng ngừa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - Phạm Thị Như cho rằng, điều cần thiết nhất là người dân được thông báo rõ ràng khi nào thiên tai ập đến. Bà Như kiến nghị, hồ chứa thủy điện cần tránh việc xả nước về đến khu dân cư vào ban đêm làm người dân bị động, không nên xả dồn dập khiến mực nước sông lên nhanh. Đồng thời phải cảnh báo sớm để người dân có đủ thời gian chuẩn bị ứng phó với lũ. Khi xảy ra sự cố mất điện, các kênh thông tin cảnh báo như mạng xã hội, ti vi, loa đài địa phương… sẽ bị tê liệt. Do đó theo bà Như, ngoài đầu tư thêm các trạm quan trắc để cảnh báo chính xác, chủ các nhà máy thủy điện cần đầu tư thêm hệ thống loa, hoặc nghiên cứu hình thức nào đó báo động nhanh nhất để cộng đồng dân cư ai cũng biết, ngay cả khi đã bị mất điện.

Kiểm soát an toàn thiên tai

Trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn qua các địa phương Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nông Sơn, thời gian qua chủ dự án thủy điện xây dựng bổ sung hàng chục trạm quan trắc khí tượng, thủy văn tự động. Số liệu đo mực nước, lượng mưa, tình hình xả lũ đã thể hiện qua tin nhắn SMS. Riêng tại huyện Đại Lộc, đang tập trung  xây dựng bản đồ ngập lụt, kiểm soát mức ngập online khi có lũ lụt. Mùa mưa bão, các xe phòng chống lụt bão đều lắp còi báo động lũ lụt và xả tràn hồ chứa. Triển khai Quyết định số 1002 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, nhiều năm qua, các địa phương miền núi thông qua hình thức truyền thông, tập huấn, trang bị cho người dân kỹ năng “tự vệ” với thiên tai. Trong khi đó, chính quyền tỉnh giám sát chặt chẽ quy trình vận hành xả lũ liên hồ; yêu cầu các chủ đầu tư điều tiết nước trong lòng hồ thủy điện có sức chứa vượt 200 triệu mét khối phải xả nước trước mùa mưa bão để tăng dung tích phòng lũ. Theo quy định, các hồ chứa giảm đến mực nước chết trước khi mùa mưa lũ bắt đầu để tăng tối đa dung tích đón lũ.

Tại các xã vùng cao huyện Phước Sơn, rút kinh nghiệm từ mùa bão 2017 với thiệt hại về người và tài sản ở xã Phước Lộc do sạt lở núi, chính quyền đã chủ động phương án sơ tán, sắp xếp lại dân cư theo tinh thần Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh. Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn - Nguyễn Mạnh Hà cho biết, địa phương sẽ quản lý chặt phương tiện ghe thuyền đi lại trong lòng hồ thủy điện Đắc Mi, khoanh vùng từng vị trí lũ quét và sạt lở nguy hiểm để người dân nắm. Theo chính quyền các huyện Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, tỉnh cần đầu tư kinh phí cho việc khảo sát, xây dựng bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất, dự báo lũ ống, lũ quét… Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đang giúp tỉnh hoàn thiện hệ thống ra-da thời tiết độ phân giải cao có khả năng phát hiện và cảnh báo sớm các trận dông sét, tố lốc, gió giật mạnh. Các huyện miền núi kiến nghị, từng cấp độ cảnh báo, dự báo thiên tai cần được truyền tin qua nhiều hình thức khác nhau, đến với người dân sớm nhất. Thêm vào đó, từ các nguồn lực khác nhau, chính quyền và ngành chức năng nên tăng cường tần suất truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho cộng đồng trong ứng phó với sự cố thiên tai.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO