Nâng cao vị thế của Mặt trận

HÀN GIANG 21/05/2013 08:36

Hôm qua 20.5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII đã khai mạc. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ tiếp tục góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo).

  • Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp
Đoàn công tác của Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện công tác giám sát tại xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ.Ảnh: NHƯ THỦY
Đoàn công tác của Ủy ban MTTQ tỉnh thực hiện công tác giám sát tại xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ.Ảnh: NHƯ THỦY

Điều 9 (sửa đổi, bổ sung Điều 9), Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các dân tộc, các tôn giáo và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, vận động nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức, viên chức.

3. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Trước - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.Hội An cho rằng, tại Khoản 3 Điều 9 của Dự thảo hiến định “Nhà nước tạo điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động” là chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của Nhà nước, cũng như chưa tạo được cơ chế bảo đảm cho Mặt trận và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả. Theo ông Trước, như vậy sẽ khó khắc phục được những vướng mắc, tồn tại trong thực tiễn hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên thời gian qua. “Tại Khoản 3 của Điều 9 nên thể hiện rõ rằng: “Nhà nước phải đảm bảo các điều kiện để Mặt trận, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”. Hoạt động của Mặt trận nhằm đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, vì vậy, trách nhiệm của Nhà nước là thực hiện các cơ chế, chính sách để Mặt trận và các tổ chức thành viên hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội” - ông Trước góp ý.

Bày tỏ quan điểm về các nội dung được hiến định tại Điều 9 của Dự thảo, ông Lê Nho Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Quế Sơn cho hay, đa số các ý kiến góp ý của đại biểu đều đề nghị thay cụm từ “tạo điều kiện” tại Khoản 3 thành “phải tạo điều kiện” để xác định rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước là đảm bảo điều kiện để Mặt trận và các tổ chức thành viên hoạt động. Và điều kiện ở đây không chỉ đơn thuần là điều kiện vật chất mà còn phải bao gồm các điều kiện pháp lý, cơ chế hoạt động. Nhiều ý kiến còn đề nghị nên bỏ cụm từ “cùng Nhà nước” tại Khoản 2. Bởi, như vậy là chưa thể hiện được vai trò chủ động của Mặt trận trong việc thực hiện chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân. “Mặt trận có cách làm của mình, còn Nhà nước có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân theo các cơ chế, chính sách pháp luật. Có nghĩa, Mặt trận đã và luôn chú trọng chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân chứ không chỉ đợi Nhà nước cùng làm” - ông Dũng nói.

Làm rõ hơn vai trò các tổ chức thành viên

Đối với Khoản 2 của Điều 9, ông Trương Công Bè - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Điện Thắng Trung (huyện Điện Bàn) cho hay: “Về nội dung được hiến định tại khoản này, đông đảo ý kiến nhân dân trên địa bàn cùng thống nhất đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm cụm từ “các tổ chức thành viên” vào sau cụm từ “MTTQ Việt Nam”. Bởi, việc không hiến định rõ các tổ chức thành viên Mặt trận là cơ sở chính trị sẽ không thể hiện đầy đủ vị trí, vai trò của các tổ chức này trong hệ thống chính trị”. Ông Bè phân tích, áp dụng khái niệm “MTTQ Việt Nam” không thể bao hàm khái niệm của các tổ chức chính trị, xã hội đã được khẳng định là cơ sở chính trị của nhân dân. Khoản 2, Điều 9 của Hiến pháp năm 1992 đã hiến định “MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” thể hiện rất đầy đủ về vị trí, vai trò quan trọng của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội khác. Nếu bỏ cụm từ “các tổ chức thành viên” như Khoản 2 Điều 9 của Dự thảo sẽ phát sinh nhiều vướng mắc và nhận thức khác nhau trong thực tiễn hoạt động.

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng cao vị thế của Mặt trận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO