Xã hội hóa xây dựng, nâng cấp vỉa hè các tuyến đường nội thị là chủ trương lớn được TP.Tam Kỳ thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Do vậy, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục vận động sự đóng góp của người dân để xây dựng, sửa chữa các vỉa hè đã xuống cấp…
Kết quả khả quan
Trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị với một nguồn lực đầu tư còn nhiều hạn chế đã gây ra nhiều khó khăn cho TP.Tam Kỳ trong việc triển khai xây dựng các dự án, công trình công cộng, phục vụ dân sinh. Do vậy, xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực tối đa của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân… là giải pháp đã được thành phố triển khai thực hiện trong thời gian qua, đặc biệt là việc xây dựng, nâng cấp vỉa hè các tuyến đường nội thị.
Báo cáo từ UBND TP.Tam Kỳ cho biết, khi nâng cấp vỉa hè đường Huỳnh Thúc Kháng, các cơ quan và hộ gia đình trên tuyến đường tham gia đóng góp kinh phí với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng (chiếm khoảng 15% kinh phí xây lắp dự án). Đối với đường Đặng Dung nối dài (đoạn Trưng Nữ Vương đến Nguyễn Dục), đường dọc kênh N24, đường Trần Quang Khải, nhân dân đã tham gia đóng góp kinh phí nâng cấp bằng cách không nhận tiền bồi thường đất, vật kiến trúc khi mở rộng tuyến đường với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Đường Hùng Vương (đoạn Huỳnh Thúc Kháng đến Trần Cao Vân), các cơ quan và hộ gia đình trên tuyến đường đã tham gia cải tạo, nâng cấp vỉa hè với kinh phí khoảng 170 triệu đồng (chiếm 30% tổng mức đầu tư). Đường Phan Bội Châu (đoạn từ Nguyễn Hoàng đến Hùng Vương), nhân dân đã đóng góp kinh phí bằng 20% tổng mức đầu tư của dự án… Các công trình sau khi thi công hoàn thành đã tạo nên sự khang trang cho tuyến đường và đảm bảo mỹ quan đô thị, được sự ủng hộ, đồng tình cao của nhân dân. Ông Trần Văn Dung (người dân phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Gia đình tôi cùng với nhiều người dân ở đây đã đóng góp kinh phí để nâng cấp vỉa hè đường Hùng Vương. Sau khi công trình hoàn thành tôi thấy rất mãn nguyện vì số tiền mình bỏ ra xứng đáng với giá trị của vỉa hè được xây mới, tạo ra sự khang trang, sạch đẹp nơi chúng tôi đang sinh sống”.
Các cơ quan và hộ gia đình trên tuyến đường Huỳnh Thúc Kháng, TP.Tam Kỳ đóng góp hơn 500 triệu đồng nâng cấp vỉa hè tuyến đường. |
Việc xã hội hóa xây dựng, nâng cấp vỉa hè các tuyến đường nội thị khi triển khai thực hiện cũng đã gặp không ít khó khăn. Quan niệm và thói quen của đa số người dân cho rằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng (trong đó có vỉa hè) là trách nhiệm của Nhà nước nên không mặn mà với chủ trương đóng góp kinh phí. Trong khi đó, công tác tuyên truyền của một số địa phương cơ sở chưa thật sự thuyết phục. Ngay cả trong chủ trương và biện pháp thực hiện cũng chưa có sự thống nhất cao, dẫn đến một bộ phận cán bộ cơ sở chưa xác định rõ nhiệm vụ và thiếu sự nhiệt tình trong công tác vận động người dân. Nêu lên hướng khắc phục những khó khăn để thực hiện tốt hơn việc xã hội hóa xây dựng và cải tạo vỉa hè trong thời gian tới, ông Nguyễn Duy Ân - Phó Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ nhấn mạnh: “Các đơn vị liên quan khi thực hiện xã hội hóa cần phải giải thích cụ thể cho người dân nắm rõ chủ trương, đồng thời đảm bảo các phương án kỹ thuật cùng với mức kinh phí vận động phù hợp để tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân”.
Tiếp tục thực hiện
Hiện nay, một số hạng mục công trình trên vỉa hè các tuyến đường nội thị TP.Tam Kỳ đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả, an toàn khi sử dụng và ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Trong đó, bó vỉa một số tuyến đường đã bị người dân tự ý hạ độ dốc hoặc đổ bê tông trên rãnh biên để tạo lối lên xuống. Gạch lát bề mặt vỉa hè ở một số tuyến đường bị bong tróc, sụt lún. Hố trồng cây trên các tuyến đường khác bị hư hỏng do rễ cây trồi lên mặt vỉa hè. Ngoài ra, mương dọc thoát nước tại một số nơi vì được xây dựng quá lâu nên cũng đã trở nên xuống cấp. Do vậy, trong thời gian tới, UBND TP.Tam Kỳ sẽ tiến hành xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo các hạng mục công trình này trên vỉa hè một số tuyến đường như Trưng Nữ Vương, Trần Cao Vân, Hùng Vương, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Tôn Đức Thắng… Trong đó, tiếp tục triển khai phương án xã hội hóa để huy động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng với phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Cơ chế thực hiện vận động nhân dân đóng góp là 25% tổng mức đầu tư, địa phương bố trí vốn đối ứng là 10% và thành phố hỗ trợ 65% tổng mức đầu tư còn lại.
Theo ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, để tiếp tục triển khai thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng và nâng cấp vỉa hè một số tuyến đường trong thời gian tới, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện các phương án dự toán chi phí xây dựng để công bố lấy ý kiến rộng rãi cùng với các giải pháp cụ thể để tạo được sự đồng thuận từ phía người dân. Trong đó, việc rà soát, phân loại để thực hiện việc miễn giảm kinh phí đóng góp đối với các hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn đột xuất hoặc có thể vận động nhân dân hiến đất đai, cây cối để thực hiện trong một số trường hợp khác. “Việc xã hội hóa đầu tư xây dựng và nâng cấp vỉa hè các tuyến đường nội thị trên địa bàn TP.Tam Kỳ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Do vậy, sự đóng góp của người dân sẽ góp phần giảm bớt ngân sách nhà nước chi cho việc đầu tư hạ tầng để sử dụng vào các chương trình dân sinh khác. Đồng thời tạo điều kiện cho người dân tham gia giám sát chất lượng công trình, qua đây nâng cao ý thức quản lý và xây dựng đô thị” - ông Nam nói.
XUÂN TRƯỜNG