Nâng giá trị sản phẩm dệt truyền thống

ĐĂNG NGUYÊN 30/07/2015 10:16

Cùng với việc bảo tồn nghề dệt truyền thống cho đồng bào vùng cao, huyện Nam Giang đang hướng đến việc đưa giá trị các sản phẩm dệt cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Trần Dư - Trưởng phòng VH-TT huyện Nam Giang, nhằm đảm bảo công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa cho đồng bào vùng cao trên địa bàn huyện, những năm qua địa phương luôn chú trọng đến công tác khôi phục làng nghề truyền thống, trong đó xây dựng các mô hình nghề dệt để tìm hướng mở rộng đưa các sản phẩm đến với người tiêu dùng. Thông qua các đợt giới thiệu sản phẩm làng nghề, các cuộc thi tài năng đan lát, dệt thổ cẩm... đã từng bước làm “sống dậy” nghề truyền thống ở đồng bào dân tộc thiểu số, giúp địa phương mở hướng nâng giá trị sản phẩm, hình thành các tour du lịch cộng đồng thu hút du khách. “Song song với việc bảo tồn bản sắc, chúng tôi từng bước xây dựng và quảng bá hình ảnh về các làng nghề dệt truyền thống của đồng bào, nhằm tìm cơ hội mở rộng thị trường, giúp đồng bào có thêm thu nhập cho cuộc sống” - ông Dư nói.

Các nghệ nhân tham gia cuộc thi dệt thổ cẩm truyền thống tại liên hoan văn hóa cồng chiêng Nam Giang lần thứ 3. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Các nghệ nhân tham gia cuộc thi dệt thổ cẩm truyền thống tại liên hoan văn hóa cồng chiêng Nam Giang lần thứ 3. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Để các làng nghề dệt truyền thống thực sự được duy trì ổn định và mang tính bền vững theo giá trị sản phẩm, theo ông Dư cần phải có sự kết nối giữa chính quyền địa phương, đồng bào bản địa với đầu mối thị trường và du khách. Lấy làng nghề dệt Za Ra (xã Ta Bhing) làm hình mẫu, từng bước xây dựng được thương hiệu và nhân rộng ở các địa phương khác theo từng vùng, từng tộc người. Ngoài các cuộc thi, địa phương cũng chú trọng đến việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giá trị sản phẩm nghề truyền thống cho đồng bào bản địa, nhất là lớp trẻ - những chủ thể của văn hóa làng. Tại liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Nam Giang lần thứ 3 vừa qua, dù đã có xuất hiện một vài gương mặt trẻ cùng tham gia cuộc thi truyền thống, nhưng vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu cấp thiết hiện nay. Do vậy, địa phương cũng cần có thêm các hoạt động văn hóa đến với lớp trẻ của đồng bào bản địa, nhằm góp phần đưa công tác giáo dục văn hóa truyền thống mang lại hiệu quả thiết thực.

Theo chị Zơrâm Thị Thon ở thôn 49B, xã Đắc Pring - nghệ nhân trẻ tuổi nhất tham gia cuộc thi dệt thổ cẩm tại liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Nam Giang lần thứ 3 mới đây, một khi nhận thức của người dân được nâng lên, giá trị các sản phẩm nghề dệt cũng được “kéo theo”, tạo cơ hội để nghề truyền thống được vực dậy trong đời sống của đồng bào vùng cao Nam Giang.

ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nâng giá trị sản phẩm dệt truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO