Có một cái đám tang trên đoạn đường tôi đi làm. Đã thấy dựng rạp, hoa viếng ngập đầy từ đầu tuần rồi, nhưng chắc vì còn kiên nhẫn chờ ai đó trở về, nên vẫn chưa thấy đưa linh… Chẳng hiểu sao, ngày nào ngang qua, tôi cũng thấy mình nhớ lại cái ngày bà ngoại mất.
Thấm thoắt đó mà đã ba năm rồi. Đời người nhanh lắm. Nghĩ thử xem, khi còn bé, chúng ta chờ hoài mà chẳng thấy trung thu hay tết đến, chỉ mong ngày tháng qua nhanh hơn, nhanh nữa. Tới khi vừa trưởng thành, đi làm, yêu đương, mình lại chờ đợi cuối tuần để hẹn hò ai đó, ngóng cuối tháng để lĩnh lương này nọ. Thế nhưng, khi bước qua cái thời ba mấy, bốn mươi, và hơn thế nữa, người ta bỗng dưng cảm giác sợ thời gian đến lạ kỳ. Thấy mình hay có thói quen ngậm ngùi ngoảnh lại phía sau với ít nhiều tiếc nuối hoài niệm…
Bà ngoại có lẽ là cảm xúc êm ấm nhất trong cái tuổi thơ vốn quá ít ỏi niềm vui của một đứa con gái đa cảm từ bé. Nên phải thừa nhận, việc ngoại qua đời ảnh hưởng khá nhiều tới tâm trạng cũng như suy nghĩ của tôi. Giống như khi mình đang miệt mài đi trên một con đường bằng phẳng cùng với mọi người, một hôm bàng hoàng nhận ra, một ai đó đã rơi lại phía sau, mãi mãi chẳng còn gặp gỡ, thấy mặt… Ngoại tôi mất khi vừa được gây mê, chưa kịp đụng dao mổ. Một mình, trong căn phòng vô trùng lạnh ngắt, xa lạ. Hẳn ngoại cô đơn và sợ hãi trước chuyến đi xa đó… Tới chừng này, tôi từng được gây mê ba lần, và đã vài bận ngất xỉu, cho nên biết rằng, khi linh hồn hầu như chẳng còn ở trong thân xác cũng không gây đau đớn gì. Thậm chí, còn cảm thấy dễ chịu hưng phấn hơn bao giờ hết. Cái chết, chắc cũng đơn giản vậy thôi. Vấn đề là, người ta đã sống thế nào mới không lãng phí đời mình…
Ở ban công be bé phía sau nhà, tôi có trồng vài thứ cây, lẫn lộn. Có một cái chậu quanh năm toàn là lá, hiếm hoi lắm mới thấy trổ bông, tên là Sống Đời. Được đặt cho cái tên ấy, bởi vì khi lá rụng, sẽ nảy mầm thành một cây con khác, tiếp nối, tiếp nối. Tôi đôi lần băn khoăn khi tưới cây, tự hỏi, thế gian làm gì có khái niệm bất tử hay sống đời cơ chứ! Phải chăng là, trân trọng hiện tại chính là cách để chúng ta “sống đời”, phải không?
Giảm la rầy đi, và ôm lấy hai đứa trẻ nghịch ngợm của mình mỗi sáng lâu hơn chút, trước khi rời khỏi nhà. Buông bớt việc kiếm sống, để có thể chăm chút cái hồ cá, hay mớ cây kiểng, hàng rau ngoài sân, chẳng hạn. Bao lâu rồi bạn không bước chân vào bếp, nấu vài món ăn nhiều rau xanh và nóng sốt để đãi cả nhà? Rồi mở lòng để tha thứ và yêu thương người thân nhiều hơn, hơn nữa…
Có lẽ là cần và nên như vậy, hơn là cặm cụi mỏi mòn bên công việc, mải mê ganh đua cơ hội. Tiền bạc kiếm được biết bao nhiêu là đủ, tham vọng chứng tỏ rồi cũng phù du, cỗ áo quan nào có túi cho nhân gian mang theo cho riêng mình vào lúc ấy…
Từ ngày bà mất, tôi đâm ngại giận hờn “để bụng” lâu lắc, sợ cả những chuyến đi xa một mình. Vui mừng đến nhẹ nhõm, thậm chí có khi rơi nước mắt khi vừa trở về an toàn, đứng trước cửa nhà mình, phủi cho rơi rớt hết mọi cáu bẳn muộn phiền mỏi mệt bên ngoài. Tôi đôi lúc giật mình thức giấc, thấp thỏm kéo chăn lại cho con, mơ hồ một nỗi lo con còn bé lắm, mà mình thì…
Tin không, có một người bạn hay đi du lịch, thích bôn ba chỗ này chỗ nọ, từng ngủ khách sạn hạng sang lẫn phòng trọ tồi tàn, đã trả lời rằng, “nhà” chính là nơi quan trọng mà chị ấy muốn đến nhất.
Ừ thì, còn gì bằng vùi mình trong cái nệm quen thuộc, chỗ mà đôi khi vương vãi vài món đồ chơi con nít, có hôm lại thoang thoảng mùi nước tè, để biết rằng, cuộc sống hạn hữu lắm, vội vàng lên, nâng niu đi những ngày bình yên đến tầm thường…
HOÀNG MY