Thế mạnh từ một vùng đất nhiều đặc sản, từ nghề truyền thống đến ẩm thực đã giúp Hội An triển khai OCOP một cách thuận lợi và nhanh chóng...
|
Bà Nguyễn Thị Bông và sản phẩm bánh đậu xanh tham gia vào chương trình OCOP của Hội An. Ảnh: X.HIỀN |
Hiện tại TP.Hội An đã lựa chọn được 3 sản phẩm đặc trưng để triển khai các hoạt động xây dựng, hỗ trợ chương trình OCOP giai đoạn 1, bao gồm sản phẩm bánh đậu xanh, tương ớt và đèn lồng.
Từ sản phẩm đặc trưng
Bà Nguyễn Thị Bông - chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh đậu xanh nhãn hiệu “Bông”, cho biết, sản phẩm của gia đình mình đã có mặt 20 năm nay trên thị trường và được nhiều khách hàng ưa chuộng vì mùi vị thơm ngon cũng như chất lượng của bánh. “Bánh đậu xanh Bông hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản; thành phần nguyên liệu được chọn lựa kỹ càng; quy trình làm bánh tuân thủ các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm” - bà Bông nói. Ngoài bán ở một số cửa hàng tại TP. Hội An, hiện tại sản phẩm của cơ sở này được phân phối mạnh nhất ở thị trường TP.Đà Nẵng và TP.Quy Nhơn (Bình Định). Với nguyên liệu đậu xanh từ Quảng Nam cũng như quy trình sản xuất ứng dụng dây chuyền máy móc đảm bảo tính an toàn và vệ sinh, sản phẩm bánh đậu xanh do cơ sở của bà Bông sản xuất được lựa chọn để tham gia quy trình OCOP của Hội An.
Bà Nguyễn Thị Bông - chủ cơ sở sản kinh doanh bánh đậu xanh Bông cho biết, hiện tại bà khá đau đầu khi bánh đậu xanh “Bông” của cơ sở mình bị làm nhái rất nhiều. “Có khi đại lý gọi cho tôi nói tại sao lại thấy bánh Bông ở cửa hàng khác. Hoặc nhiều xưởng khác để né quản lý thị trường đã biến từ Bông thành Bồng. Cũng bánh tên Bông mà mua chỗ này ăn ngon, chỗ khác ăn không ngon” - bà Bông nói. Bà Bông nói hiện mong muốn được dán logo OCOP cũng như được hỗ trợ, tư vấn thiết kế lại bao bì sản phẩm để tránh hàng giả mạo... |
Cũng như vậy, sản phẩm tương ớt Đại Chí của Công ty TNHH Đại Chí với bao bì bắt mắt cũng như chất lượng của sản phẩm hoàn toàn thuyết phục được người tiêu dùng cũng tham gia chương trình OCOP giai đoạn này của TP.Hội An. Đặng Nguyễn Ngọc Hiền, phụ trách truyền thông của công ty cho biết, sản phẩm được làm ra dựa trên “bí quyết” sản xuất tương ớt gia truyền, như nguyên liệu ớt tươi được lựa chọn cẩn trọng... Cũng như bánh đậu xanh, tương ớt Hội An đã “định vị” được chất lượng của mình với giới ẩm thực, tuy nhiên, sản phẩm này hầu như mới chỉ dừng lại ở phạm vi “truyền tai”, chưa thực sự có những chiến dịch phát triển ngõ hầu mở rộng thị trường đi xa hơn phạm vi của địa phương.
Ở nhóm sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí, đèn lồng hoàn toàn xứng đáng được lựa chọn phát triển là sản phẩm đặc trưng dựng nên thương hiệu của vùng đất. Ông Võ Đình Hoàng - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Hoa Nam với sản phẩm đèn lồng Lantana cho biết, dựa trên cách thức sản xuất đèn lồng truyền thống, từ 6 năm nay, thương hiệu đèn lồng Lantana được biết tới nhiều vì các mẫu mã cách tân. Hiện tại mỗi năm công ty xuất xưởng khoảng 7.000 chiếc đèn lồng các loại, chủ yếu làm từ đơn đặt hàng của các doanh nghiệp. Ông Hoàng cho biết, tham gia chương trình OCOP, mong muốn của chủ thể này là để sản phẩm đi xa hơn nữa, đạt các chỉ tiêu của một sản phẩm đặc trưng.
Đẩy mạnh chu trình OCOP
Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND thành phố kiêm Trưởng ban Chỉ đạo chương trình OCOP của Hội An cho biết, tinh thần xây dựng chương trình này của Hội An bắt đầu trên cơ sở sản phẩm đã có để làm cho tốt hơn. Việc lựa chọn sản phẩm được sàng lọc kỹ càng qua các tiêu chí từ chất lượng, mẫu mã, giá trị thị trường... Hiện tại Hội An đã hỗ trợ 2 điểm bán hàng OCOP cũng như các sản phẩm nông nghiệp, làng nghề, dịch vụ đặc trưng của thành phố. Ở một góc độ khác, ông Lê Duy Châu, chuyên viên phụ trách OCOP Hội An cho biết, Hội An đang phấn đấu để cuối năm 2018 các sản phẩm được lựa chọn này sẽ tiến hành xếp hạng từ 3 sao để tiếp tục chu trình OCOP ở cấp tỉnh.
Hiện tại các chủ thể OCOP năm 2018 tại Hội An đều gặp vấn đề về tem truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhãn hiệu; trong khi đó việc tiếp thị, quảng bá vẫn mới chỉ dừng lại ở mức sơ khai. Theo Phòng Kinh tế hạ tầng TP. Hội An, sau khi yêu cầu các chủ cơ sở hoàn thiện việc tự công bố sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu, địa phương sẽ tư vấn và hỗ trợ phát triển sản xuất, thiết kế bao bì, catalogue, nhãn mác, hỗ trợ dây chuyền sản xuất... Chưa kể, việc đào tạo, tập huấn kỹ năng bán hàng, quảng bá, xúc tiến thương mại... cũng sẽ được tính toán kỹ lưỡng cho thời gian tiếp theo.
Tận dụng thế mạnh từ dịch vụ du lịch để thúc đẩy các sản phẩm mang giá trị địa phương đi xa hơn là câu chuyện mà chương trình OCOP tại Hội An sẽ làm được một cách hiệu quả.
XUÂN HIỀN