Cùng với Kon Tum, Quảng Nam được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ vào năm 2016 và đầu năm nay, được Chính phủ công nhận là sản phẩm quốc gia. Nỗ lực nâng tầm và phát triển thương hiệu, đưa sâm Ngọc Linh của Việt Nam sánh cùng các nước khác đang được Quảng Nam triển khai quyết liệt.
Cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng Trà Linh (Nam Trà My). Ảnh: HOÀNG LIÊN |
XÁC ĐỊNH HƯỚNG ĐI
Việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học & công nghệ (KH&CN) vào nhân giống, quản lý, bảo vệ và phát triển vùng sâm và phát triển công nghiệp sâm là những vấn đề đặt ra tại hội thảo “Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh” được tổ chức vừa qua.
Đưa công nghệ vào vùng sâm
Chiến lược phát triển cây sâm Ngọc Linh của Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, rào cản lớn, trước hết vẫn là nguồn sâm giống đạt chuẩn. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My chia sẻ: “Cái khó lớn nhất chính là nguồn sâm giống, hiện vô cùng khan hiếm. Việc nhân giống sâm lâu nay vẫn theo phương thức truyền thống, tức bằng hạt; đi cùng với đó là nạn chuột, trộm cắp, dịch bệnh, rất khó đủ giống để trồng. Chúng tôi mong muốn các nhà khoa học, Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT vào cuộc trong việc nghiên cứu, phát triển giống sâm để có giống chủ lực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp”. Ông Bửu dẫn chứng, sâm Việt Nam có hàm lượng saponin cao hơn hẳn sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ, song sâm của xứ Hàn, của Mỹ nổi tiếng trên thế giới, chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu.
Sở dĩ có được điều đó là vì người ta có nguồn giống lớn, đạt chuẩn, chính phủ Hàn Quốc xem cây sâm là “quốc bảo” và đẩy mạnh phát triển công nghiệp sâm. Ở xứ Hàn, nơi nào cũng trồng sâm, người ta trồng sâm trên núi, dưới tán rừng nguyên sinh; còn ở vùng dưới thấp hơn, sâm được trồng trong mái che. “Thiết nghĩ, ở nước ta cần phải có dự án quốc gia, cần quy hoạch vùng trồng, hỗ trợ người dân trồng sâm ở những nơi có độ cao 1.000 - 2.400m so với mực nước biển. Cần phát động phong trào trồng sâm như kiểu trồng rừng, trồng sâm để giữ rừng, để phát triển kinh tế. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp trồng sâm và phát triển cây dược liệu. Một vấn đề quan trọng nữa là phải xây dựng bộ tiêu chuẩn chứng nhận về giống, yếu tố đầu vào, nên trồng sâm theo tiêu chuẩn quốc tế, có thế mới dễ xuất khẩu về sau” - ông Bửu kiến nghị.
Đề cập việc đưa KH&CN vào nhân giống sâm, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho rằng, cần phải đầu tư công nghệ vào sản xuất giống, phải chuẩn hóa kỹ thuật trồng trọt. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế, Bộ KH&CN trong việc cải tạo nguồn giống, nhân giống đạt chuẩn, tránh thoái hóa nguồn giống, đầu tư kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, chế biến, bảo quản, kể cả việc kêu gọi một nhà máy chuyên sản xuất phân bón hữu cơ đặc chủng, dành riêng cho cây sâm để nâng chất lượng cây sâm. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho rằng, Bộ KH&CN đã tích cực hỗ trợ các nhà khoa học, đơn vị triển khai các đề tài nghiên cứu, chuẩn bị nền tảng vững chắc.
Có thể kể đến nghiên cứu cơ bản về sinh học (bộ chỉ thị phân tử, nghiên cứu giải mã nguồn gen đặc hữu, bảo hộ nguồn gen đặc hữu trong ngân hàng gen quốc gia lẫn quốc tế); nghiên cứu về hóa học lẫn dược học; nghiên cứu về nông học (quy trình công tác chuẩn, nâng cao năng suất, sản lượng, di thực sâm Ngọc Linh ra vùng có điều kiện khí hậu tương đồng; nghiên cứu về chế biến sau thu hoạch (quy trình công nghệ chiết xuất hoạt chất, bào chế sản phẩm chất lượng cao từ sâm, nghiên cứu nhiều chủng loại sản phẩm từ sâm như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm…). Trước nhu cầu phát triển, Bộ KH&CN hướng tới nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến của các nước trên thế giới vào trồng sâm, canh tác, quản lý, bảo vệ, ứng dụng công nghệ trong chiết tách, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc tế… Song, đó chỉ mới là lối đi được vạch ra, trên thực tế, lộ trình ứng dụng KH&CN vào chuỗi giá trị nuôi trồng, sản xuất, chế biến, bảo quản cây sâm vẫn còn hết sức gian nan.
Tạo đòn bẩy
Thời gian qua, Quảng Nam đã ban hành cơ chế khuyến khích, bảo tồn và phát triển sâm núi Ngọc Linh, giai đoạn 2014 - 2020 và tổ chức quy hoạch diện tích trồng sâm dưới tán rừng trên địa bàn huyện Nam Trà My đến năm 2030, với tổng diện tích hơn 15.000ha. Trên địa bàn tỉnh có 2 trạm bảo tồn, nuôi trồng và lưu giữ nguồn gen và phát triển sâm núi Ngọc Linh với diện tích hơn 20ha, số lượng 250.000 cây giống. Quảng Nam đang có chủ trương mở rộng diện tích 70ha, mở rộng vùng nguyên liệu ra 3 xã, mỗi xã hơn 1.000 cây giống. Nam Trà My đã hình thành 49 nhóm hộ trồng sâm/900 hộ, trồng trên tổng diện tích 1.000ha, với tổng số cây giống là 1 tỷ cây ở nhiều độ tuổi. Ngoài ra, diện tích trồng sâm thương phẩm của doanh nghiệp và tư nhân trên địa bàn huyện là 50ha với 400.000 cây giống ở nhiều độ tuổi...
Đề cập những định hướng phát triển cây sâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chia sẻ, thời gian tới, tỉnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư nghiên cứu khoa học, bảo tồn, phát triển sâm núi Ngọc Linh gắn với việc chọn doanh nghiệp đầu tư sản xuất kết hợp chế biến sâu sản phẩm, góp phần nâng cao chuỗi giá trị gia tăng từ cây sâm. Từ cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích bảo tồn và phát triển sâm núi Ngọc Linh 2014 - 2020, tỉnh ưu tiên nguồn lực, chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về trồng sâm xóa đói giảm nghèo. Nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến sâu về sản phẩm sâm núi. Tỉnh tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc bảo tồn, phát triển cây sâm cho phù hợp với thực tế, thúc đẩy phát triển cây sâm hàng hóa. Tỉnh cũng đầu tư nguồn lực cho nghiên cứu sâu, nâng cao tỷ lệ nảy mầm của hạt giống và tỷ lệ sống của cây giống, đầu tư vườn ươm giống đạt chuẩn, bảo tồn gen kết hợp nhân giống, cung ứng cây giống cho nhân dân phát triển sản xuất. Trọng tâm là phát triển cây sâm phải gắn với đảm bảo chất lượng, sản xuất an toàn, gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng sinh học. Công tác quản lý nhà nước về chống hàng giả, hàng kém chất lượng, xây dựng nhãn hiệu tập thể về “sâm núi Ngọc Linh” được tăng cường. Tỉnh cũng tiếp tục lựa chọn các tổ chức và doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, sản xuất và chế biến sản phẩm từ sâm núi; đẩy mạnh chiến lược marketing về thương hiệu sâm núi thành thương hiệu quốc gia và quốc tế...
HOÀNG LIÊN
PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP SÂM
Việc thu hút doanh nghiệp phát triển vùng sâm nguyên liệu là hướng đi mà Quảng Nam đang vạch ra, tạo đà cho ngành công nghiệp sâm phát triển.
Khảo sát cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Ảnh: H.L |
Sản phẩm còn hạn chế
Thời gian qua, một số doanh nghiệp trồng sâm tại Quảng Nam và Kon Tum như: Công ty TNHH Sâm Sâm, Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh, Công ty TNHH Thái Hòa… đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu, phát triển một số dòng sản phẩm từ sâm. Sau hàng chục năm gắn bó với vùng sâm, sản phẩm mà Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh (Quảng Nam) cho ra cũng chỉ dừng lại ở rượu sâm, trà túi lọc sâm Ngọc Linh, nước uống tăng lực sâm Ngọc Linh, rượu sâm ngâm mật ong… Phía Công ty Thái Hòa (Kon Tum) sau 20 năm đầu tư, sở hữu trong tay vài chục héc ta trồng sâm và cây dược liệu cũng chỉ mới cho ra 3 dòng sản phẩm chính là rượu sâm Ngọc Linh, rượu sâm Việt, trà linh chi sâm. Ông Tô Mạnh Cường - Giám đốc Công ty TNHH Thái Hòa chia sẻ, cũng từ khó khăn về giống, đất đai, vốn đầu tư mà đầu tư cho công nghiệp sâm chỉ mới bước đầu, thời gian đầu tư cho nghiên cứu sản phẩm rất dài, sản phẩm còn quá khiêm tốn, chỉ là rượu, trà bởi nguyên liệu quá ít. Chưa kể, khi đã tạo ra sản phẩm rồi, cũng cần có thời gian dài để được thị trường đón nhận. Để sâm Ngọc Linh trở thành thương hiệu quốc gia, quốc tế, phải cấp thiết xây dựng chiến lược cấp quốc gia, đầu tư nghiên cứu, tăng hàm lượng KH&CN vào cây sâm, nếu không thì đầu ra sẽ bế tắc. Ngành y tế cần xem phát triển cây dược liệu, cây sâm trở thành chiến lược của ngành, cần đầu tư phát triển công nghiệp dược liệu, sâm Ngọc Linh.
Gần đây, Công ty TNHH Sâm Sâm cũng thực hiện đề tài: “Nghiên cứu bào chế và đánh giá tính an toàn hiệu quả của viên nang mềm Sâm Ngọc Linh” (Sở KH&CN Quảng Nam là cơ quan chủ quản). Bà Trương Thị Phương Lan - Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty TNHH Sâm Sâm nhìn nhận, đến nay, các dòng sản phẩm mang thương hiệu sâm Ngọc Linh còn quá khiêm tốn, chưa tương xứng với giá trị đặc hữu của cây sâm Ngọc Linh. Để tạo nguồn nguyên liệu ổn định, Công ty Sâm Sâm đã sớm tổ chức trồng, bảo tồn và phát triển nguồn gen giống, xây dựng được vùng nguyên liệu quy mô công nghệ cao, kết hợp nuôi trồng, chế biến, hình thành chuỗi phân phối. Ngoài sản phẩm viên nang mềm sắp được ra mắt vào 7.2017, công ty sẽ bào chế một số sản phẩm thuốc từ cây sâm nhằm bồi bổ sức khỏe cho con người. Bên cạnh các dòng sản phẩm tạo ra từ 100% nguyên liệu sâm, công ty còn kết hợp nghiên cứu cùng với một số loại dược liệu khác, nhằm tăng tính năng, hoạt tính của sâm, giảm giá thành và chi phí sản xuất. Cùng với đó, công ty mở rộng nghiên cứu các tính dược của sâm, không chỉ sản xuất thực phẩm chức năng, công ty còn cho ra đời các dòng mỹ phẩm, thuốc từ sâm và các loại dược liệu khác.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Nam Trà My hiện có 6 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm, trong đó có 2 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục, xúc tiến trồng sâm. Với 100ha sâm, chu kỳ canh tác thành công, có thể cho doanh thu từ việc bán sâm tươi, thô lên tới 2.000 tỷ đồng, chưa tính đến giá trị gia tăng nếu chế biến các sản phẩm từ sâm. Song, dù hai tỉnh Quảng Nam và Kon Tum thời điểm này đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cây sâm Ngọc Linh, nhưng việc phát triển cây sâm vẫn còn ở quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh vốn có của loài cây đặc hữu này. Doanh nghiệp của hai tỉnh cũng chưa “mặn mà” với các dự án trồng sâm bởi khá nhiều nguyên nhân.
Bà Trương Thị Phương Lan cho rằng, cơ chế chính sách của Trung ương và của tỉnh về cho thuê dịch vụ môi trường rừng cũng đã ban hành, song những quy định “ngặt nghèo” từ cơ chế, chính sách khiến doanh nghiệp khó tiếp cận. Nhất là quy định, doanh nghiệp phải trồng sâm với quy mô 50ha trở lên mới được hỗ trợ miễn thuế đất, trong khi đầu tư vào cây sâm là đầu tư dài hơi, nguồn lực bỏ ra quá lớn, 20 tỷ đồng cho mỗi héc ta sâm chu kỳ 5 năm, rủi ro rất cao. Doanh nghiệp cũng khó tiếp cận được các gói hỗ trợ, tiếp cận được nguồn vốn vay của Chính phủ trong việc trồng sâm. Đại diện Công ty TNHH Thái Hòa cũng cho rằng, các bộ, ngành và hai tỉnh cần quan tâm đúng mức đến việc phát triển cây sâm, cần có cơ chế hỗ trợ thiết thực, dài hơi đối với doanh nghiệp trồng sâm, miễn thuế chu kỳ trồng sâm đầu tiên, tức 7 năm.
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My kiến nghị, Chính phủ cần có cơ chế riêng hỗ trợ cho doanh nghiệp trồng sâm, cũng như có cơ chế riêng cho sản phẩm quốc gia này. “Hiện, gói 10.000 tỷ đồng hỗ trợ, đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao đã có, làm sao để doanh nghiệp được tiếp cận, vay vốn trồng sâm, bởi đầu tư vào cây sâm cũng là loại hình nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, chính sách về thuế đối với các sản phẩm rượu sâm còn nhiều bất cập, làm khổ doanh nghiệp và người tiêu dùng, cần xem đây là phương thuốc dân gian” - ông Bửu nói.
BÍCH LIÊN - VĂN HÀO
GIỮ THƯƠNG HIỆU SÂM
Câu chuyện sâm giả - sâm thật trở nên nóng hơn bao giờ hết. Bên cạnh cuộc chiến với “sâm giả”, vấn đề bảo hộ thương hiệu đối với sản phẩm sâm củ Ngọc Linh trong và ngoài nước cũng hết sức cấp bách.
Hình thái củ sâm Ngọc Linh tự nhiên. Ảnh: HOÀNG LIÊN |
Lễ hội sâm núi Ngọc Linh ở huyện Nam Trà My khép lại, có hơn 200kg sâm tươi của người dân, cơ sở thu mua được tiêu thụ. Nhưng, câu chuyện “dở khóc dở cười” bên lề lễ hội mà báo giới nêu cũng là điều suy ngẫm. Chuyện là, chị Hồ Thị Mười (thôn 1, xã Trà Mai, Nam Trà My) mang sâm thu mua của bà con, dân làng xuống hội chợ bán. Ngày đầu tiên suôn sẻ, nhưng ngày thứ hai, một nhóm khách từ Kon Tum qua xem sâm chị bán rồi phán câu xanh rờn: “sâm giả”. Ban tổ chức tá hỏa vì hội chợ quảng bá sâm quý Ngọc Linh mà có sâm giả là không chấp nhận được. Huyện chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, công an đến xác minh thực hư nhưng cũng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định sâm thật hay giả. Đến khi ông Hồ Văn Du, một đại gia sâm Nam Trà My được mời đến kiểm chứng cùng sự xuất hiện của ông Đặng Ngọc Phái - nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, PGS-TS.Trần Công Luận, nguyên Giám đốc Trung tâm Sâm và dược liệu TP.Hồ Chí Minh thì “mối oan” của chị Mười mới được hóa giải. Đoàn chuyên gia và ông Hồ Văn Du nhận định, sâm chị Mười đúng là sâm Ngọc Linh nhưng lại được trồng ở vùng khác.
Doanh nghiệp khó phát triển vùng dược liệu sâm Theo đại diện nhiều doanh nghiệp, hiện nay việc bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nổi bật là tình trạng thiếu cây giống để phân kỳ dự án. “Trước năm 2016, nguồn giống trong dân tương đối dồi dào nên duy trì được việc sản xuất. Từ năm 2017 trở đi, nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm nên việc nghiên cứu và sản xuất sản phẩm mới gặp nhiều khó khăn. Công ty chỉ duy trì lượng sản phẩm để giữ thị trường” - ông Nguyễn Đình Triệu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Thương mại dược - sâm Ngọc Linh Quảng Nam nói. Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng cho rằng đường giao thông vào vùng sâm rất khó khăn, sóng điện thoại liên lạc không có gây khó khăn cho công tác bảo vệ vườn sâm. Mặt khác, cơ sở chế biến, sản xuất Đông Nam Dược tại Cụm công nghiệp Trường Xuân (Tam Kỳ) vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “UBND tỉnh cần có cơ chế, chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp thực hiện dự án như: hướng dẫn hoàn thiện thủ tục thuê đất để xây dựng cơ sở sản xuất dược liệu, đầu tư xây dựng đường giao thông và có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác bảo vệ vườn sâm...” - ông Triệu kiến nghị. Để ngăn chặn tình trạng sâm thật - giả lẫn lộn, một doanh nghiệp cho rằng cần phải siết chặt hơn nữa việc kiểm định chất lượng của sâm, nhất là đối với các cơ sở nhỏ lẻ, tự phát. Vì đa số sâm giả đều bắt nguồn từ những nơi này.(NGUYỄN DƯƠNG) |
Chia sẻ tại hội thảo mới đây, PGS-TS.Trần Công Luận cho rằng, bây giờ trên thị trường có nhiều loại sâm về hình dạng rất giống sâm Ngọc Linh, đó là sâm Lai Châu, tương tự hoạt chất như sâm Ngọc Linh, hay một loại sâm Trung Quốc có tên là tiết trúc sâm, cũng khá giống về hình thái nhưng không được đánh giá cao. Ông Luận cho biết, từ năm 2010 về trước, trung tâm đem mẫu về đánh giá, trong một rổ sâm chỉ lấy một củ để test kiểm tra, nếu có chất sâm Ngọc Linh thì kết luận đó là sâm Ngọc Linh. Nhưng từ năm 2010 đến nay, chỉ có thể kết luận: có hay không có chất sâm Ngọc Linh thôi. Trung tâm không còn dám test ngẫu nhiên nữa mà test từng củ một vì sâm giả nhiều quá. Thậm chí trên một củ sâm vốn có nhiều đốt, có lúc phát hiện “đầu voi đuôi chuột” khi các khúc sâm giả - thật được dán với nhau tinh vi.
Báo giới từng đưa tin một số vụ mua bán sâm giả bị phát hiện, như vụ việc chị Nguyễn Thị Hà ở thị trấn Tắc Pỏ (Nam Trà My) mua nhầm 6kg với giá 25 triệu đồng/kg. Sau khi vụ việc bị phát hiện, người ta mới biết đây là một loại sâm được trồng ở miền núi phía Bắc, giáp với Trung Quốc, giá trị rất thấp, chỉ vào khoảng 1 - 2 triệu đồng/kg… Một số vụ việc khác bị phát hiện cũng cho thấy, sâm giả danh Ngọc Linh còn được làm từ củ tam thất, thậm chí là cả củ ráy, bởi vì hình dạng khá tương đồng, rất khó phân biệt thật giả… Báo đài trung ương và địa phương cũng từng đăng tải các tin tức, phóng sự điều tra về tình trạng đầu nậu bày bán sâm giả hoành hành ở khu vực Kon Tum khiến nhà chức trách đau đầu trong quản lý, kiểm soát.
Từ chuyện sâm giả có xuất xứ Trung Quốc tìm cách “tuồn” vào Việt Nam, có thể nhận diện vấn đề bảo hộ thương hiệu cho sản phẩm sâm củ khi danh hiệu “quốc bảo” đang bị đe dọa. Như PGS-TS.Trần Công Luận cảnh báo: “Chúng ta không may mắn khi ở gần một anh nước lớn như Trung Quốc, họ đã công bố 5 địa bàn có sâm Ngọc Linh rồi. Nghĩa là, Việt Nam phải chạy đua với Trung Quốc về nguy cơ mất bản quyền thương hiệu trong nước lẫn thế giới. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp lúc này rất quan trọng, Chính phủ và hai tỉnh phải tăng tốc. Có vậy mới giải quyết bài toán thương hiệu”.
HOÀNG LIÊN