Phía sau những ngôi nhà mới, ngó lên là thấy rừng keo xanh thẳm bạt ngàn. Chừng chưa đầy chục năm đổi hướng sinh kế, ở đây người nào cũng có trong tay ít nhất vài ba héc ta keo, tích cóp cho việc xây cửa, dựng nhà. Bao nỗi lo ngày cũ, cứ thế dần xa trong cuộc sống hiện tại của người làng.
Ông Alăng Hế, một cao niên ở làng Ra Nuối (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang) bảo chúng tôi, nếu so sánh cuộc sống bây giờ với khoảng đâu mươi năm về trước thì đúng thật… một trời, một vực. Là bởi, Vùng 3 - tên gọi khác của Ra Nuối bây giờ đã hiện hữu như một vùng đất mới giữa rừng, đủ đầy điện - đường - trường - trạm, vời xa một thuở gian truân. Như dòng nước lũ trôi về hạ nguồn, chuyện cũ chừng như chỉ còn lại ở miền ký ức và hoài niệm, thỉnh thoảng gợi lên trong câu lý của già làng. Sự đổi khác, với người Ra Nuối được ví như cỏ cây xanh màu mọc lên sau đợt “gột rửa” tàn tích của thác lũ, mưa nguồn.
1. Bao bận ngược xuôi, mỗi lần nhìn thấy tấm bảng chỉ đường về Ra Nuối, chúng tôi đều có cảm giác ám ảnh về một vùng đất khó. Nhưng lần này trở lại làng, thật ngạc nhiên, khi mọi thứ đã hoàn toàn đổi khác. Con đường bê tông quanh co dưới chân núi Aram rợp mát theo bóng keo sắp sửa đến mùa thu hoạch.
Dừng chân nơi chiếc cầu bê tông trước ngõ làng Ra Nuối, phóng tầm mắt về tổ dân cư Aram 1, những màn sương trắng vắt ngang từng mái nhà, nơi đây hệt như một “Sa Pa thu nhỏ”. Chúng tôi đứng khá lâu ở chiếc cầu Aram này, là để tưởng nhớ câu chuyện của người làng thuở trước, lúc con sông Jơ Ngây còn chia cách đôi bờ. Đã có nhiều vụ trôi sông xảy ra khiến nỗi ám ảnh cứ thế nối dài thêm trong tâm trí của người làng. Cho đến khi cây cầu được đầu tư, đã xóa hẳn “điểm nghẽn” cô lập cho hàng trăm hộ đồng bào Vùng 3 ngày trước.
Già Hế khoe với chúng tôi rằng, từ nguồn vốn của Nhà nước, không chỉ một mà có đến 2 cây cầu được đầu tư cho Ra Nuối, nối các điểm cô lập trước đây thành một tuyến đường dài, xuyên suốt. Nhận thấy lợi ích từ con đường bê tông, nhiều cư dân Aram 1, Aram 2 đã dắt díu nhau “hạ sơn”, dựng nhà dọc con đường mới. Như hộ ông Hế, ông Hăn, ngày trước dựng nhà cheo leo trên sườn núi. Do địa hình đồi dốc hiểm trở nên ngôi làng của ông Hế khá tách biệt với bên ngoài. Vì thế, ốm đau, bệnh tật, muốn chuyển bệnh nhân ra trạm xá cũng phải mất nhiều thời gian để khiêng, để cõng.
Ngoài con đường cũ đã được bê tông hóa, tuyến liên xã Zà Hung - Jơ Ngây đi qua địa phận Ra Nuối nối với Quốc lộ 14G và đường Hồ Chí Minh, góp phần làm đổi thay diện mạo núi rừng. Khi đường sá mở ra, chỉ vài năm, những ngôi nhà mới đã mọc lên, hình thành các khu tái định cư xinh xắn. Và, điện lưới quốc gia cũng được kéo về chỉ trong một thời gian ngắn, giúp Ra Nuối bừng sáng giữa rừng. Người Cơ Tu bắt đầu chuyển hướng làm ăn mới, bằng cách mở các điểm thu mua nông sản kết hợp bán buôn tạp hóa, phục vụ nhu cầu mua sắm của dân làng.
Alăng Gliu (ở tổ La Đàng), từ một thanh niên nghèo đã tiên phong lập nghiệp, bền chí vươn lên trở thành chủ tạp hóa lớn nhất nhì ở Vùng 3 này. Từ thành công của mình, Gliu tiếp nhận các thanh niên trong làng phụ giúp công việc và chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cùng nhau tìm hướng thoát nghèo. Gliu chia sẻ, bây giờ, ngày nào cũng có chuyến xe ngược xuôi về làng, vì thế, người Cơ Tu không còn vượt đường rừng để chào bán nông sản như trước. “Mùa thu hoạch, chỉ cần mang mọi thứ về nhà, là có người tìm đến thu mua, tiện lợi chưa từng thấy” - Gliu tâm sự.
Thôn Ra Nuối được thành lập trên cơ sở sáp nhập các thôn Aram 1, Aram 2, Zà Há và La Đàng, dân số 239 hộ với 947 nhân khẩu, chủ yếu đồng bào Cơ Tu sinh sống lâu đời. Trong hai năm 2017 - 2018, thôn Ra Nuối có 13 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh. Đến nay, toàn thôn còn 99 hộ nghèo và 27 hộ cận nghèo, chủ yếu là các đối tượng neo đơn, bệnh tật.
2. Trưởng thôn Ra Nuối - ông Alăng Dũng chỉ tay về phía cánh rừng sau làng, nói đó là gia tài của đồng bào, sau thời gian chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế dựa vào rừng của địa phương. Ra Nuối không nằm ngoài chủ trương đó. Hàng nghìn héc ta keo phủ ngút ngàn màu xanh giữa núi là minh chứng cho việc đồng bào có thể giảm nghèo và tiến đến làm giàu chính từ rừng.
Trưởng thôn Alăng Dũng nói: “Thoát dần tư duy “cho gì nhận nấy”, khi những dự án, chương trình hỗ trợ sinh kế bắt đầu triển khai, đồng bào đã mạnh dạn đề xuất từng loại cây giống, con vật nuôi phù hợp, đảm bảo với quá trình sinh trưởng tại địa phương. Keo - một loại cây được xem là chủ lực của vùng đã giúp đồng bào Ra Nuối đổi đời sau hàng chục năm loay hoay chưa tìm được lời giải”. Hiện tại, khi con số tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn ở mức xấp xỉ 41,5%, trong tương lai người làng Ra Nuối hoàn toàn có quyền kỳ vọng về một cuộc sống đủ đầy hơn gấp nhiều lần so với bây giờ.
Không đâu xa, nhìn vào Alăng Den (ở tổ Aram 1), Bh’nướch Píc (tổ Aram 2), Alăng Gliu (tổ La Đàng)… là thấy rõ. Bền bỉ từ chuyện trồng keo kết hợp chăn nuôi gia súc, mở tiệm tạp hóa đã giúp họ đổi đời nhanh chóng. Người xây nhà tầng, người mua xe tải - điều mà tầm chục năm về trước không một người vùng cao có thể nghĩ đến. Bh’nướch Píc tâm sự, chính vườn keo đã giúp anh đổi đời thật sự. Năm 2018, sau mùa vụ thu hoạch 20ha keo, Píc có trong tay tiền tỷ để xây cất căn nhà hai tầng đẹp nhất làng.
Alăng Den cũng không ngoại lệ, gần hai năm trước, sau thời gian chăm chỉ làm ăn, anh cũng tích cóp được số tiền hơn tỷ đồng để xây dựng căn nhà mới 2 tầng khang trang, rộng thoáng. Ai đi qua, nhìn thấy cũng đều trầm trồ ngợi khen. Cũng năm ngoái, từ khoản tiền dành dụm, Den sắm chiếc xe tải để làm ăn, thu mua keo của bà con trong vùng, tiếp tục mở rộng phát triển mô hình kinh tế lâm nghiệp.
Den kể, ngày trước, do chưa biết cách làm ăn nên gia đình anh triền miên trong chuỗi ngày “nghèo bền vững”. Đất dù có sẵn, nhưng do cách canh tác chưa phù hợp, mô hình trồng cây nông nghiệp trên đất rẫy lại manh mún nên suốt hàng chục năm, kinh tế gia đình anh vẫn... dậm chân tại chỗ. Quyết tâm thoát nghèo, Den ngược xuôi tìm nguồn vốn đầu tư mở rộng diện tích trồng keo và hình thành mô hình chăn nuôi heo cỏ. Hiệu quả sau khi chuyển hướng, giúp Den ổn định cuộc sống, trở thành tấm gương tiêu biểu cho đồng bào Cơ Tu khắp vùng học tập.
3.Chủ tịch UBND xã Jơ Ngây - Zơrâm Thị Nép vui mừng bảo, từ một thôn thuộc diện khó khăn nhất xã, bằng tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó vươn lên, đầu tư các mô hình sinh kế dựa vào rừng, nhiều năm qua, Ra Nuối đã nổi lên như một “điểm sáng” trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Cùng với mở rộng phát triển diện tích trồng keo, chuối kết hợp chăn nuôi gia súc, đồng bào Cơ Tu ở Ra Nuối đang bắt đầu kết nối trồng thử nghiệm mô hình trồng cây dược liệu, vườn trái ớt xanh, cùng một số sản vật của địa phương, góp phần tạo thu nhập ổn định, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống...
Tôi đi dọc các ngả đường Ra Nuối, thấy nhiều ngôi nhà mới đang mọc lên. Một vài căn đang trong quá trình hoàn thiện, với mẫu thiết kế khá bắt mắt, đẹp không khác gì ở phố. Một người bạn cùng đi với tôi nói rằng, sau thời gian “tham quan học tập” chốn thị thành, nhiều thanh niên địa phương đã bắt đầu vận dụng, xây nên những ngôi nhà theo lối kiến trúc hiện đại. Tiền của từ keo mà có.
Bận bịu với công việc, chuyện rượu chè cũng đã dần được hạn chế. Đi khắp làng, hiếm thấy đồng bào túm tụm say sưa như một số vùng khác mà tôi từng đặt chân đến. Trong ánh mắt của đồng bào, giờ đây, nỗi buồn ngày cũ đang dần được chôn sâu bằng ánh nhìn lạc quan về nếp nghĩ mới. Nói thế mới nhớ, lúc rời Ra Nuối ra về, từ trong gươl, nụ cười rạng rỡ cứ ngời ngợi hiện lên trong từng ánh mắt của người làng.