(QNO) - Cách đây gần 20 năm, cầm trên tay giấy báo trúng tuyển đại học, tôi đã khóc rất nhiều. Bởi khác với nhiều gia đình vui mừng khi con trúng tuyển, ba mẹ tôi tỏ ra buồn phiền.
Tôi hiểu nỗi khổ tâm của ba mẹ khi phải gồng gánh trên vai 3 đứa con đang tuổi ăn học. Anh trai tôi đang học đại học năm cuối, em gái học lớp 10. Ba mẹ không nỡ cấm tôi đi học mà gần như “ép” tôi theo học trường sư phạm để được miễn học phí.
Năm đó, tôi đậu cả đại học kiến trúc lẫn sư phạm nhưng nguyện vọng của tôi là trở thành kiến trúc sư chứ không phải giáo viên. Tôi thi vào sư phạm chỉ vì ba mẹ muốn như thế. Với một đứa con trai chưa bao giờ ra khỏi lũy tre làng, tôi không đủ can đảm nghĩ đến chuyện vừa làm vừa học để thực hiện ước mơ. Đã đôi lần tôi định xé tờ giấy báo trúng tuyển đại học kiến trúc cho bớt tiếc nuối.
Có thể, tôi đã làm như vậy thật nếu như không có thầy. Thầy dạy tôi môn Lý và chủ nhiệm 3 năm phổ thông. Trước ngã rẽ của cuộc đời, khi ba mẹ quá khó khăn để tôi có thể lựa chọn, thầy đã mở cho tôi một con đường. Có điều, gia đình thầy chẳng khá giả gì, đồng lương giáo viên không đủ trang trải. Ngoài giờ dạy ở trường, thầy đi chụp ảnh thuê, trồng ổi để kiếm thêm thu nhập.
Tôi vẫn nhớ buổi chiều ngày hôm đó, tôi đến thăm thầy để lên đường nhập học trường sư phạm. Thầy tỏ ra nghi ngại trước lựa chọn của tôi bởi thầy biết tôi rất thích vẽ. Biết không giấu được thầy, tôi đành kể hết sự thật.
Nghe thế, thầy lập tức chở tôi về nhà để thuyết phục ba mẹ tôi. Nhưng hoàn cảnh lúc đó khiến ba tôi lắc đầu, đến khi thầy xin viết giấy đảm bảo sẽ hỗ trợ học phí cho tôi, ba mẹ mới bằng lòng. Về sau, chính thầy thú nhận, mình quá liều khi quyết định như thế nhưng nhìn tôi, thầy lại thấy bóng dáng của mình.
Thầy động viên tôi rất nhiều bởi chính từ bài học của cuộc đời thầy. Trước đây, thầy không hề muốn theo nghề giáo nhưng quá nghèo để đi học trường khác. Suốt bao nhiêu năm đứng trên bục giảng, thầy trăn trở về tình yêu đối với nghề. Thầy bảo: “Khi em làm công việc mình không hề thích sẽ rất khó có đam mê và sẽ hối tiếc cả đời”.
Thầy không muốn tôi rơi vào hoàn cảnh giống thầy, bám trụ với nghề mà chẳng có nhiệt huyết. Từ lúc tôi nhập học, hàng tháng, thầy đều đặn gửi cho tôi một số tiền nhất định. Tôi biết, để có tiền cho tôi, thầy phải nỗ lực rất nhiều để kiếm việc làm thêm. Nhận những chắt chiu đó, tôi càng cố gắng hơn nữa để hoàn thành tốt việc học. Tôi biết ơn thầy không chỉ vì sự hỗ trợ tài chính mà chính cách truyền lửa đam mê.
Về sau này, khi tôi cứng cáp hơn, tự kiếm được tiền để trang trải cuộc sống, thầy vẫn động viên tôi cố gắng. Nhờ có thầy mà giờ đây, tôi được làm nghề nghiệp mình yêu thích và có nguồn thu nhập khá. Có lẽ, mãi mãi sẽ chẳng bao giờ tôi có thể trả hết được công ơn của thầy.
Hàng năm, dù bận đến đâu, tôi vẫn cố gắng sắp xếp công việc để về thăm thầy. Đối với tôi, thầy vừa là cha, không chỉ dạy cho tôi kiến thức mà còn là người nâng đỡ ước mơ của cả cuộc đời tôi. Nhìn những người chán nản, buông xuôi vì chọn sai nghề nghiệp càng làm tôi biết ơn thầy hơn. Nếu không có thầy, cuộc đời tôi chắc chắn đã rẽ sang một hướng khác...
HÀ LAM