Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là bìa đỏ) ở một số địa phương miền núi lẫn đồng bằng dù đã ký nhưng không thể cấp cho người dân do có sự chồng chéo, sai lệch thông tin giữa hồ sơ và thực địa. Kết quả giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh vừa qua đã chỉ ra nhiều vướng mắc trong việc cấp bìa đỏ.
Nhiều diện tích đất lâm nghiệp của người dân chưa được cấp bìa đỏ. TRONG ẢNH: Đoàn giám sát của HĐND tỉnh trong chuyến kiểm tra phát triển cây quế và sử dụng đất lâm nghiệp tại xã Trà Leng (Nam Trà My) mới đây. Ảnh: T.H |
Giám sát đến đâu sai đến đó
Thời gian gần đây, khiếu nại khiếu kiện về lĩnh vực đất đai luôn chiếm hơn 70% tổng số lượng đơn tố cáo, khiếu nại của toàn tỉnh. Vì vậy, ngày 5.3.2013, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 28-CT/TU về sự tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn, trong đó tập trung đẩy mạnh việc cấp bìa đỏ, tiến tới hiện đại hóa hồ sơ địa chính. Tuy vậy, theo Sở Tài nguyên - môi trường, trên địa bàn tỉnh còn hơn 74.899ha đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân sử dụng chưa kê khai đăng ký và chưa có nhu cầu cấp bìa đỏ, chủ yếu là đất nương rẫy, đất nông nghiệp xen kẽ trong các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất, đất do người dân khai hoang ở khu vực miền núi.
Theo báo cáo của HĐND tỉnh, tiến độ cấp bìa đỏ nhìn chung trên địa bàn tỉnh đạt khá cao (đạt hơn 93% bìa đỏ các loại đất so với tổng diện tích các loại đất cần cấp, tính đến ngày 1.10.2016). Tuy nhiên, có nhiều địa phương đạt tỷ lệ rất thấp như huyện Nam Giang cấp đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân mới đạt hơn 15%, đất phi nông nghiệp đạt hơn 38%. Tại huyện Đông Giang, cấp đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân mới đạt gần 56%... |
Ứ đọng hồ sơ, bìa đỏ nhiều nhất nằm ở loại đất lâm nghiệp theo dự án thành lập bản đồ địa chính tỷ lệ dự án 1/10.000. Trực tiếp kiểm tra, giám sát 4 huyện Đông Giang, Nam Giang, Hiệp Đức và Thăng Bình, đoàn giám sát HĐND tỉnh nhận thấy, hầu hết địa phương đều có sai sót trong quá trình cấp bìa đỏ. Tại 6 xã thuộc huyện Đông Giang, khi thực hiện dự án thành lập bản đồ địa chính, tỷ lệ dự án đất lâm nghiệp 1/10.000 cho thấy, trong số 3.564 bìa đỏ đã cấp thì có đến 3.411 bìa đỏ (chiếm 95,7%) sai thông tin không thể cấp cho dân; 58 bìa đỏ có diện tích chồng lấn với các dự án khác phải thu hồi, hủy bỏ; 95% bìa đỏ chồng lấn một phần diện tích với các dự án khác phải chỉnh lý biến động. Hai huyện Nam Giang và Hiệp Đức, đã cấp 3.774 bìa đỏ cho dân cũng có nhiều trường hợp lệch giữa hồ sơ và thực địa. Đặc biệt ở huyện Thăng Bình, dự án chỉ triển khai 3/22 xã, thị trấn với 231 bìa đỏ nhưng không thể cấp cho dân do sai sót về diện tích, chủ sử dụng đất, cần phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư để điều chỉnh. Riêng xã Bình Phú (Thăng Bình), 95 dự án được cấp theo dự án đều sai, chiếm tỷ lệ 100%. Cá biệt có trường hợp cấp đất chồng lấn dẫn đến tranh chấp dai dẳng.
Chính quyền tỉnh chủ trương gấp rút cấp bìa đỏ đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. Theo thống kê, trong tổng số 18.583ha đã dồn điền đổi thửa mới đo đạc, chỉnh lý biến động được 14.819,3ha và cấp bìa đỏ đất được 8.464,3ha (đạt tỷ lệ 45,5% diện tích cần cấp).
Xử lý theo hướng nào?
Bà Đặng Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, số bìa đỏ đã ký nhưng chưa giao đến hộ gia đình, cá nhân còn nhiều, nguyên nhân chủ yếu là sai số liệu, người sử dụng đất chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ... “Qua trực tiếp giám sát, HĐND tỉnh phát hiện còn số lượng lớn hồ sơ đề nghị cấp bìa đỏ đối với hộ gia đình nhưng chưa được giải quyết do nguồn gốc đất phức tạp, thay đổi các quy định pháp luật liên quan về điều kiện được công nhận đất ở giữa chính sách, pháp luật đất đai năm 2003 và Luật Đất đai năm 2013” - bà Nguyệt nói.
Trong khi đó, theo Sở Tài nguyên - môi trường, việc cấp bìa đỏ bị ách tắc do cấp đất không đúng diện tích theo thực tế; không đúng đối tượng, xác định thời hạn, nguồn gốc sử dụng đất không chính xác. Một số địa phương có trường hợp cấp bìa đỏ nhưng không có ranh giới, mốc giới cụ thể, không có trích đo vị trí thửa đất; xác định nghĩa vụ tài chính với người sử dụng đất. Thêm nữa hồ sơ của người dân bị “ngâm” từ năm này qua năm nọ do hội đồng tư vấn xét duyệt đất cấp xã phường lúng túng trong xác định nguồn gốc đất. Quá trình sử dụng đất của người dân có nhiều biến động so với bản đồ địa chính trước đây nên họ không thống nhất với số liệu của cơ quan chức năng đo đạc. Ban Pháp chế HĐND tỉnh đề xuất, HĐND tỉnh nên dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp bìa đỏ và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất (kỳ đầu, kỳ cuối), hạn chế tình trạng quy hoạch treo; thể hiện tính pháp lý rõ ràng làm căn cứ cho việc cấp bìa đỏ, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất. Từ nay đến năm 2018, xử lý dứt điểm những tồn tại trong cấp bìa đỏ đất lâm nghiệp theo dự án 1/10.000 trên địa bàn 15 huyện thực hiện dự án.
Theo ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường, ngành đang phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, thống kê toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp bìa đỏ và hồ sơ đăng ký biến động đất đai đã tiếp nhận nhưng chưa giải quyết, số bìa đỏ đã ký chưa trao cho người dân. Cạnh đó, giải quyết dứt điểm những trường hợp còn tồn đọng do sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật. Giám sát thực hiện quy trình xét giao đất của chính quyền địa phương theo hướng công khai, minh bạch, đồng thời nâng cao năng lực của hội đồng tư vấn xét cấp đất.
TRẦN HỮU