Nguyễn Giúp là nhà thơ úp mặt xuống dòng sông mà viết. Anh cắm ngọn bút như “cắm cây sào xuống đáy”, cứ thế mà khoắng vào hồn mình. Thơ anh là một dòng sâu “phăm phăm” chảy xiết, “ngầu ngầu say”; nhiều câu mộng du, lên đồng, ma ám không biết thuộc cõi nào: “Dùng dằng sông rách/bứt ruột chia ly/ngậm nguồn nước chảy... Nước sẽ chảy ngược và khôn xiết/tôi bơi kinh hoàng trong lở lói đang diễn ra trên bề mặt địa cầu... Mộ tình một năm cỏ mọc/mãn tang ra đứng giữa dòng xé áo thả sông... Ngúng nguẩy cái nhìn chôn sâu tầng tầng huyệt mộ/mở bàn tay đường tình duyên dạt dạt cửa sông”. Tưởng đã “hun hút giấc sông”, thơ anh, lạ thay, vẫn như ngọn lửa theo “gió từ sông thổi lên” ràn rạt. Nhiều bài, nhiều câu cứ “nhô lên nhìn mặt trời chìa nụ cười chìa bàn tay” về phía mẹ, phía cha, phía em, phía cánh cò, phía bùn đất mồ hôi nước mắt quê nhà.
Khi tâm hồn là dòng chảy thì anh xem “giang hồ là nguyên sinh”, là khát khao lưu lạc để được quay về. Có “một dòng cố hương/một ngụm tha phương” trong thơ anh. “Một tha phương teo tóp nỗi đi” gọi anh, ám ảnh anh. Anh “say gió độc”, anh đi “tìm lận đận” trên “bờ ly hương”. Anh muốn “gặt một trời tha hương” nhưng lại gặp chính mình: “thằng giang hồ đầu sói”. Và cứ thế anh “lột tôi xưa bỏ chợ”, anh lộn trái mình ra. “Giang hồ mê man” đến “tím bầm khúc sông” và khi “lòng nhói đau cố quận, vần vũ góc trời quê kiểng” thì anh lại mời anh “quay về nguyên quán, về ôm em hít hà nỗi quê ngái ngái” và tạ lỗi với “mép vườn nhà cú kêu”. Anh rất khéo khi chọn cách thể hiện, cách phiêu lạ như vậy để đốt mình lên trong thơ.
Nguyễn Giúp là nhà thơ của những cơn khát cháy, cái chi cũng muốn tận cùng. Với anh, yêu cũng “một lần yêu cuối cùng rồi tan biến”, xanh cũng đòi “xanh lên màu xanh nguyên sơ”... Anh muốn “hết thảy giác quan kịch liệt bới tìm”, muốn “quả tim người phát nổ”. Anh đã “găm một mảnh điên vào người” thì cứ thế “lao đi”...
Nói gì thì nói, 46 bài thơ trong tập “Gió từ sông thổi lên” (*) của Nguyễn Giúp vẫn như “gió xước mặt sông”. Mong cầu cho “những linh hồn sóng” mãi lang thang trong lòng nhân thế. Sẽ rất khó mà quên được anh, khi anh cúi xuống “cạn sông” và chấp hai tay tạ tình: “Quay xuống mà cạn sông/Chắp hai tay lên ngực lạy với lòng Quảng Nam”.
NGUYỄN CHIẾN
(*) Đọc tập thơ “Gió từ sông thổi lên” của Nguyễn Giúp, NXB Hội nhà văn, năm 2017.