Ngăn chặn hàng hóa hết hạn sử dụng

PHAN AN 01/11/2014 11:30

Không hiểu biết về hàng hóa cũng như cách thức sử dụng khiến người tiêu dùng vô tình tiếp tay cho đại lý, nhà phân phối đưa ra thị trường sản phẩm không còn giá trị sử dụng.

Chị Nguyễn Thị Bích Thảo (số 11 đường Tiểu La, TP.Tam Kỳ) ra tiệm tạp hóa T. (đường Nguyễn Thái Học, phường An Mỹ) mua về hai lốc váng sữa và hai lốc sữa chua nhưng không được bảo quản trong tủ lạnh. Khi mở nắp váng sữa, chị Thảo thấy sản phẩm có các đốm mốc màu trắng xanh. Nhận thấy mặt hàng không đảm bảo chất lượng, chị Thảo phản ánh với cửa hàng thì nhận được thái độ không mấy vui vẻ.

Người dân nên chú ý thông tin sản phẩm khi mua để không tiếp tay cho việc tiêu thụ sản phẩm không còn giá trị sử dụng.Ảnh: PHAN AN
Người dân nên chú ý thông tin sản phẩm khi mua để không tiếp tay cho việc tiêu thụ sản phẩm không còn giá trị sử dụng.Ảnh: PHAN AN

Câu chuyện của chị Thảo có lẽ không phải là trường hợp hiếm khi mua phải sản phẩm không được bảo quản đúng yêu cầu dẫn đến chất lượng kém. Chưa bàn đến trách nhiệm của người bán, nhà phân phối mà lỗi cũng một phần từ người tiêu dùng. Bởi, với sản phẩm như váng sữa được nhập khẩu và vận chuyển từ nước sản xuất về Việt Nam đều trong điều kiện kho lạnh. Khi đến tay các đại lý, một số nơi tuân thủ đúng quy trình lập tức đưa vào ngăn mát của tủ lạnh, một số cửa hàng không tuân thủ chỉ chất lên kệ, phía ngoài. Trong điều kiện nhiệt độ không đảm bảo và để thời gian lâu sẽ dẫn đến tình trạng tương tự như sản phẩm chị Thảo mua về.

Trong nhiều chuyến kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của Chi cục ATVSTP tỉnh, các chuyên viên y tế thường xuyên gặp và nhắc nhở các đại lý phải trữ sữa chua trong ngăn mát. Nhưng gần như từ thành thị đến nông thôn, sữa chua đều được chủ cửa hàng bỏ trong két đặt ở ngoài trong khi trên nhãn hàng có ghi rõ “bảo quản ở nhiệt độ dưới 6oC”, “Chúng tôi thường xuyên thấy nắp giấy của sữa chua phồng lên, như vậy là không sử dụng được nhưng vẫn thấy khách hàng không hề thắc mắc” - ông Nguyễn Cam - Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh, nói. Đó là chưa nói đến việc người dân ít để ý đến hạn sử dụng trên từng sản phẩm. Rõ ràng, người tiêu dùng vô tình tiếp tay cho những người bán hàng, đại lý phân phối thiếu trách nhiệm để tiêu thụ sản phẩm đáng ra phải được thu hồi, tiêu hủy. Thực tế hiện nay, việc doanh nghiệp và nhà phân phối tự giác tiến hành tiêu hủy hàng hóa hết hạn, bị hư hỏng, không còn giá trị sử dụng rất ít.

Ở các nước tiên tiến, việc tiêu hủy hàng hóa, sản phẩm hết hạn sử dụng là việc làm thường xuyên, bình thường của doanh nghiệp nhưng ở nước ta hầu như đây là vấn đề còn bỏ ngỏ. Có lẽ do việc tiêu hủy tốn kém về chi phí thu gom, xử lý... khiến doanh nghiệp chùn tay. Việc tiêu hủy hàng hóa hư hại, quá hạn sử dụng thể hiện trách nhiệm, văn hóa của nhà sản xuất với người tiêu dùng. Trong khi vấn đề tiêu hủy sản phẩm còn bỏ ngỏ giữa cơ quan chức năng, nhà sản xuất, phân phối, người tiêu dùng cần nâng cao kiến thức, nắm bắt hiểu biết về các loại hàng hóa, sản phẩm  trước khi mua sắm để không tiếp tay cho kẻ gian trục lợi và ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình và người thân.

PHAN AN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngăn chặn hàng hóa hết hạn sử dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO