Theo lịch thời vụ do ngành nông nghiệp đưa ra, ngày 25.12 này nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ đồng loạt triển khai xuống giống 42.000ha lúa đông xuân 2016-2017. Để cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ, nhà nông ở nhiều nơi đang khẩn trương ra quân cày phơi ải đất…
Sáng qua 1.12, mặc dù trời mưa dầm và lạnh, ông Đặng Ngọc Sinh ở thôn Mỹ Phước (xã Duy Phước, Duy Xuyên) vẫn đánh chiếc máy cày ra đồng cày phơi ải 5 sào ruộng vừa phát dọn lúa nách. Ông Sinh nói: “Ngoài ruộng nhà mình, tôi còn nhận cày thuê 250 sào ruộng của bà con trong vùng. Để gieo sạ đúng lịch, mấy ngày nay mưa gió nhưng tôi cũng phải tập trung làm”. Ông Lê Trung Ba - Phó ban Nông nghiệp xã Duy Phước cho biết, vụ đông xuân tới 8 thôn của xã làm 516ha lúa. Do vụ hè thu vừa qua ở nhiều đồng lúa xuất hiện một số loại sâu bệnh nguy hiểm như bọ trĩ, đạo ôn, khô vằn, rầy nâu… nên trong vòng nửa tháng trở lại đây nông dân Duy Phước nỗ lực ra quân vệ sinh đồng ruộng và cày dầm đất với phương châm càng sớm càng tốt nhằm chủ động cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ. “Qua khảo sát cho thấy, đến thời điểm này nhà nông đã cày phơi ải được 60% diện tích. Với 31 máy cày 4 bánh loại lớn và 6 máy cày bông sen, khoảng tuần nữa nông dân Duy Phước sẽ cày xong toàn bộ” - ông Ba chia sẻ. Cũng như tại Duy Phước, từ giữa tháng 11.2016, nông dân trên toàn huyện Duy Xuyên đã lo cày phơi ải, đến nay hoàn thành 75% của tổng diện tích 3.700ha đất sản xuất lúa vụ đông xuân. Dự kiến trước ngày 10.12 sẽ cày xong diện tích đất lúa còn lại.
Những ngày qua, có mặt trên nhiều cánh đồng của các địa phương trong tỉnh, đâu chúng tôi cũng thấy nhà nông hối hả ra quân vệ sinh đồng ruộng, cày phơi ải đất. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngoài việc tổ chức canh tác 6.500ha bắp, 9.500ha đậu phụng và hàng chục nghìn héc ta cây trồng cạn chủ lực khác, vụ đông xuân 2016-2017 tới nông dân trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh sẽ xuống giống 42.000ha lúa. Thời gian gieo sạ bắt đầu triển khai từ ngày 25.12.2016 và kết thúc vào 10.1.2017. Theo ông Muộn, trong tổng số 42.000ha đất lúa vừa nêu thì có 35.000ha chủ động nguồn nước tưới, tập trung chủ yếu ở khu vực đồng bằng; còn 7.000ha không chủ động tưới nằm rải rác tại nhiều nơi của các huyện trung du và miền núi. “Những năm gần đây, được ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí theo cơ chế 33 về đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nên các hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn tỉnh mạnh dạn đầu tư mua sắm thêm hàng trăm máy cày loại lớn. Nhờ vậy, hiện nay tiến độ làm đất để chuẩn bị sản xuất lúa đông xuân ở nhiều địa phương đang diễn ra khá nhanh. Qua kiểm tra cho thấy, trong số 35.000ha đất canh tác lúa chính vụ tại vùng đồng bằng thì đến trưa ngày 1.12 đã có 31.000ha hoàn thành việc cày phơi ải, còn lại 4.000ha chỉ vài ngày nữa là thực hiện xong” - ông Muộn nói. Còn theo khuyến cáo của ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ngay sau khi cày lật đất, nông dân phải tiến hành đắp bờ giữ nước trên ruộng để làm hoai mục gốc rạ và các loại cỏ dại nhằm hạn chế sâu bệnh phát sinh gây hại trong vụ sản xuất lúa đông xuân sắp tới.
NHÃ PHƯƠNG