Ngân hàng "bất lực"!

TÙY PHONG 13/08/2014 09:29

Giới ngân hàng tỏ ra “bất lực” khi tăng trưởng huy động cao nhưng tăng trưởng tín dụng mấy tháng qua chỉ khoảng 3,4% và dư nợ tín dụng ngắn hay trung hạn đều đã giảm từ 2,5 - 3% so với tháng trước. Hệ thống ngân hàng bắt đầu lo lắng vì dư địa cho vay còn nhiều nhưng tốc độ giải ngân rất chậm, có nguy cơ đọng vốn...

Có vẻ như nghịch lý đang xảy ra trong nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn nhưng không thể vay, bởi ngày càng nhiều ngân hàng đưa ra những khoản vay ưu đãi, lãi suất thấp, nhưng dựa trên tiêu chuẩn khắt khe khiến tín dụng tiếp tục ngưng đọng. Một khảo sát mới đây cho thấy, hiện chỉ có khoảng 1% doanh nghiệp vừa và nhỏ Quảng Nam đủ điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi. Vì thế nhiều doanh nghiệp nói việc đưa ra các khoản vay ưu đãi chẳng khác nào “cơm treo, mèo nhịn đói”. Quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận, chủ yếu xoay quanh cơ chế thủ tục để tiếp cận vốn và lãi suất cho vay ưu đãi. Trong khi lãi suất huy động hay số nợ xấu bắt đầu giảm nhưng tăng trưởng tín dụng không bao nhiêu càng dấy lên sự hoài nghi về thiện chí của ngành ngân hàng trong nỗ lực chia sẻ với doanh nghiệp trước những khó khăn chung của nền kinh tế.

Sự “bất lực” của ngân hàng đã gây phản cảm cho giới doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn tiếp tục phá sản và thanh khoản của nền kinh tế vẫn “đông cứng”. Hệ thống ngân hàng Quảng Nam khó có thể đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12 - 14% như kế hoạch. Theo nhìn nhận của các chuyên gia kinh tế, quý III  & IV.2014 luôn là mùa cao điểm về sản xuất kinh doanh. Doanh nghiệp rất cần vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, liệu các ngân hàng có vượt qua được sự “bất lực” ấy để đẩy dòng tiền ra nền kinh tế? Bởi muốn thúc đẩy tăng trưởng phải khôi phục tiềm lực, sự trỗi dậy của khối tư nhân trong và ngoài nước. Nguồn tiền cần được bơm thẳng vào các doanh nghiệp tốt, sản phẩm tốt để họ đầu tư sản xuất, tiêu thụ, tháo gỡ khó khăn một cách thiết thực hơn. Có như thế sự ổn định của nền kinh tế mới thực sự trở lại. Nếu chỉ nhìn vào tài sản bảo đảm để cho vay thì phải thừa nhận tài sản bảo đảm cũng được xem là nguồn trả nợ khi khách hàng gặp sự cố. Nhưng xét cho cùng, nguồn trả nợ từ việc xử lý tài sản bảo đảm chỉ là thứ yếu mà nguồn trả nợ từ dòng tiền của dự án đầu tư, thu nhập khách hàng mới chính yếu. Nhiều người nói nếu chỉ chăm chăm nhìn vào tài sản bảo đảm để quyết định cho vay thì hoạt động của ngân hàng có khác gì một tiệm cầm đồ ”cỡ bự”, cần gì đến quá trình đào tạo nghiệp vụ để nhân viên ngân hàng có đủ năng lực thẩm định các dự án kinh doanh. Đó mới chính là câu chuyện đối nhân xử thế giữa con người với nhau trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, một thực tế mà hầu như ai cũng buộc phải chấp nhận đương đầu. Hai bên cần tự biết luôn cần có nhau không chỉ hôm nay mà cả tương lai với nhiều cơ hội và thách thức.  

Người ta thường nói “quốc kế dân sinh”. Khi kinh tế đang lâm vào tình trạng “dầu sôi lửa bỏng” như hiện nay, hơn lúc nào hết, các nhà hoạch định chính sách, chính quyền các cấp và cả ngân hàng - “bầu sữa của doanh nghiệp” (cho dù được xem là một doanh nghiệp đặc biệt “đi vay để cho vay”) thì cũng cần xem “quốc kế” phải “phục vụ dân sinh” để vực dậy nền kinh tế. Chính người tiêu dùng và doanh nghiệp mới là chủ thể quan trọng nhất trong vấn đề phục hồi nền kinh tế địa phương và quốc gia. Vì vậy việc bơm vốn của ngân hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để vực dậy nền kinh tế là điều cực kỳ cần thiết. Doanh nghiệp được ví như “lao động chính” của nền kinh tế. Lực lượng lao động này hiện nay đang “ốm rất nặng”, vì vậy ưu tiên hàng đầu là Nhà nước, ngân hàng phải chạy chữa cho họ. Suy cho cùng, doanh nghiệp có khỏe thì ngân sách mới mạnh và ngân hàng cũng có lãi để sống!

TÙY PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngân hàng "bất lực"!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO