Thực hiện các chương trình tín dụng trong 15 năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam không ngừng mở rộng mạng lưới, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu bằng những mô hình kinh tế hiệu quả.
Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam đã mở rộng mạng lưới giao dịch phục vụ người dân vùng nông thôn. |
Đổi đời nhờ vốn ưu đãi…
Một ngày tháng 7.2005, một người đàn ông Xê Đăng đến quầy kế toán của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Nam Trà My rụt rè hỏi chuyện vay vốn. Ông là Nguyễn Văn Lượng (thôn 2 xã Trà Linh, Nam Trà My). Không ai có thể ngờ từ số tiền vay 30 triệu đồng mua gốc sâm giống và nỗ lực gieo trồng trên những cánh rừng, người đàn ông sinh năm 1974 này đã trở thành tỷ phú sau 10 năm, khi gia sản có đến 60.000 gốc sâm (giá bình quân 5 triệu đồng/gốc). Ông Lượng nói, nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn của ngân hàng đã giúp ông và 25 hộ vay trong những ngày ấy vốn không có gạo ăn đã trở thành tỷ phú, góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa. Ông Trần Văn Quang - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Nam Trà My nhớ lại, ông Lượng là người đầu tiên đến ngân hàng vay tiền trồng sâm và trở thành hình mẫu cho nhiều người noi theo. Hiện có đến 333 hộ vay vốn ngân hàng này để trồng sâm với dư nợ hơn 7,8 tỷ đồng. Số tỷ phú sâm tăng lên hàng năm. Giờ đây, dân địa phương có thể kể vanh vách tên những người đã tự thay đổi đời mình bằng những đồng vốn từ ngân hàng này để mua trâu bò, trồng keo và chuối trên những cánh rừng đại ngàn…
Câu chuyện thoát nghèo từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam trong suốt 15 năm qua đã tạo dựng niềm tin vào khát vọng đổi đời cho dân nghèo. Người dân thôn Triều Châu (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) hay nói về cuộc khởi nghiệp lạ lùng của “vua nấm” Lê Văn Nho, từ 50 triệu đồng vay của ngân hàng này đã trở thành một người giàu có. Những gia đình nghèo như Tăng Văn Cai (ở thôn Trung Nam, xã Quế Trung, Quế Sơn) hay Lưu Thị Tường (ở thôn Hương Quế Tây, xã Quế Phú, Quế Sơn) nhờ vào đồng vốn vay ưu đãi đã giúp các con mình mở cửa vào đời bằng những tấm bằng kỹ sư, cử nhân, có việc làm và gia đình họ cũng thoát nghèo. “Nếu không có nguồn vốn vay ưu đãi học sinh, sinh viên, cơ hội thoát nghèo bền vững, không biết các con tôi phải như thế nào, gia đình tôi có được cuộc sống ổn định như hôm nay không?” - chị Tường nói.
Theo Ngân hành Chính sách xã hội Quảng Nam, từ 2 chương trình tín dụng ban đầu là cho vay hộ nghèo và giải quyết việc làm lúc nhận bàn giao với dư nợ 203 tỷ đồng thì đến ngày 31.7.2017 (sau 15 năm), chi nhánh ngân hàng này đang triển khai 17 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt 3.807 tỷ đồng (tăng 19 lần), tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hằng năm gần 23%. Hiện có gần 143 nghìn hộ nghèo và đối tượng chính sách khác còn dư nợ, chiếm 35% tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. Trong 15 năm qua, chi nhánh luôn bám sát các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Số tiền 9.300 tỷ đồng được giải ngân với hơn 627 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn (450 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hơn 100 nghìn lượt sinh viên nghèo, khó khăn…) đã tạo việc làm ổn định cho gần 40 nghìn lao động, 145 nghìn công trình vệ sinh nước sạch được xây dựng, 19 nghìn héc ta rừng trồng, 30 nghìn ngôi nhà..., đã góp phần cùng địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm 2,5% - 3%. Không chỉ vậy, tổng nợ xấu ngày bàn giao chiếm 6,5% thì đến nay, tổng nợ xấu của chi nhánh chỉ gần 4 tỷ đồng (0,1%), giảm đến 9 tỷ đồng và nợ quá hạn chỉ chiếm 0,05%/tổng dư nợ.
Vì mục tiêu an sinh xã hội
Có thể nói, từ không có gì, Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam đã vươn mình trở thành đơn vị có quy mô hoạt động đứng vào hàng topten của hệ thống ngân hàng này trên cả nước và có dư nợ cho vay cao nhất khu vực duyên hải miền Trung. Ngân hàng đã trở thành điểm tựa cho người nghèo dựa vào để tìm kiếm kế sinh nhai, thay đổi ý thức sản xuất, thay vì chỉ làm theo kinh nghiệm. Nhiều khách hàng cho biết tuy nguồn vốn vay không lớn, nhưng sự chia sẻ, tư vấn của nhân viên tín dụng, các hội, đoàn thể… đã giúp họ tự tin hơn vào sự lựa chọn, nuôi dưỡng ước mơ sản xuất, thấy mình không còn phải đơn độc, bươn chải, vật lộn với cuộc mưu sinh.
Nhiều công trình nước sạch vùng cao được xây dựng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội. Ảnh: T.D |
Hiện Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam có 17 phòng giao dịch ngân hàng cấp huyện, thực hiện phương thức ủy thác qua 4 hội, đoàn thể (99,85% dư nợ), 3.972 tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, khối, bản làng và 244 điểm giao dịch xã tại các xã, phường, thị trấn. Mạng lưới này đã trở thành cánh tay nối dài và là mô hình hoạt động đặc thù của Ngân hàng Chính sách xã hội - một mô hình gần dân đã chuyển tải nguồn vốn đến tận người thụ hưởng một cách nhanh chóng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đến giao dịch, tiếp cận chính sách ưu đãi của Chính phủ dễ dàng, kể cả vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn khó khăn.
Ông Nguyễn Quang Dinh - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam cho biết, đến năm 2020, sẽ có 100% hộ nghèo, đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do ngân hàng này cung cấp. Mức tăng trưởng nguồn vốn bình quân hàng năm từ 10% trở lên. Tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm từ 8 - 10%, ưu tiên đầu tư cho các địa phương còn nhiều hộ nghèo, cận nghèo, các địa phương đang trong thời gian xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra sẽ tăng cường hiệu quả sử dụng vốn của hộ vay, cố gắng giữ tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,5%, nâng cao hoạt động tại điểm giao dịch, tạo điều kiện cho người nghèo dễ dàng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng. Sẽ hướng đầu tư tín dụng vào miền núi, khu vực nông thôn, vùng nghèo, vùng khó khăn..., đưa đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả, thực hiện thông tin tuyên truyền để mọi người dân nắm bắt các chế độ chính sách tín dụng của Nhà nước. “Một khi người nghèo có một điểm tựa vững vàng về vốn, kiến thức và niềm tin, họ sẽ nhanh chóng vượt thoát đói nghèo. Sự hiểu biết về ngân hàng, ý thức trách nhiệm hơn đối với các khoản vay của mình và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ khi vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, có thói quen dành dụm gửi tiền tiết kiệm, nhiều hộ sẽ tiếp tục vươn lên thoát nghèo bền vững và nhiều mô hình làm ăn hiệu quả được nhân rộng” - ông Dinh nói.
NHẬT PHONG