Hôm 20.5, vợ chồng anh Sáu Thạnh Mỹ ở xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn triển khai gieo sạ 5 sào lúa của mình bằng loại giống Nhị ưu 838. Một tuần sau, thấy cây mạ nẩy mầm xanh mướt, họ khấp khởi mừng và hy vọng sẽ có một mùa bội thu. Thế nhưng, vài ngày trở lại đây bọ trĩ xuất hiện mỗi lúc một nhiều khiến toàn bộ số diện tích ấy bị nhiễm bệnh nặng. Nhìn những đám lúa non còi cọc, anh Sáu than phiền: “Hiện giờ, mật độ bọ trĩ trên ruộng khá cao, bình quân một mét vuông có đến hàng trăm con. Nếu không lập tức phun thuốc đặc hiệu để khống chế thì chắc chắn trong thời gian tới nó sẽ bùng phát mạnh trên diện rộng và năng suất tụt giảm là điều khó tránh khỏi. Đông xuân vừa rồi, cũng vì thời tiết quá khắc nghiệt và các loại sâu bệnh nguy hiểm cứ thay phiên hoành hành nên mỗi sào ruộng gia đình tui chỉ thu được 250kg lúa khô, giảm 70kg so với cùng vụ sản xuất năm ngoái”.
Trên đường từ quốc lộ 1 về xã vùng đông Duy Vinh của huyện Duy Xuyên, Tư tôi thấy bà con nông dân đứng đông nghịt trên các cánh đồng mới xuống giống cách đây 10 ngày. Nhìn những con ốc bươu vàng đang bò lúc nhúc trong cái mủng to đùng, chị Ba Nhơn Bồi ở xã Duy Thành lắc đầu: “Khổ thiệt chú mi ơi, cây lúa vừa lên xanh thì loài ốc ni đồng loạt tấn công với mật độ bình quân một mét vuông có cả chục con. Trước tình trạng 6 sào lúa non đều bị cắn phá, suốt 4 ngày nay cả 5 thành viên trong gia đình tui liên tục lội ruộng để bắt và tiêu diệt ốc bươu vàng nhưng xem ra vẫn chưa thể ngăn chặn được nó. Kiểu ni, sắp tới đây sẽ phải đi khắp nơi xin mạ về cấy dặm”.
Trao đổi với Tư Ruộng vào cuối tuần qua, ông Nguyễn Định – Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cho biết, trong thời điểm đầu vụ hè thu 2016, bọ trĩ và ốc bươu vàng là hai đối tượng chính có nguy cơ bùng phát mạnh trên những ruộng lúa non. Vì thế, đội ngũ khuyến nông viên cơ sở cùng nhà nông cần phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện và triển khai các biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu thiệt hại. Khi tối, nghe chuyện, chú Tám Nông Nghiệp nói: “Đông xuân vừa rồi, bệnh đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, đạo ôn cổ gié, rầy nâu, rầy lưng trắng… hoành hành trên phạm vi rộng. Trong khi đó, trước lúc bắt tay vào việc sản xuất vụ lúa hè thu này, một bộ phận nông dân không chịu cày phơi ải đất nên không cắt đứt được cầu nối sâu bệnh. Do vậy, trong thời gian tới những loại bệnh và rầy nguy hiểm ấy có nguy cơ gây hại nghiêm trọng. Nếu người dân chủ quan, e rằng mùa màng sẽ lại thất bát”.
TƯ RUỘNG