Ngập!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 10/12/2018 03:00

Công việc ngập đầu là tình trạng người làm không hết việc, nhất là vào những ngày tháng cuối năm. Cái sự ngập này luôn đi kèm với niềm vui lao động và lợi tức mà con người có thể có được bằng chính sản phẩm của mình.

Còn khi nói TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Nha Trang, Vinh, Đà Nẵng… ngập nước chỉ sau vài trận mưa, thì đó là sự lo lắng nhiều mặt liên quan đến đời sống đô thị. Hay việc xả lũ không báo trước của các hồ chứa thủy điện gây ngập trên diện tích nhiều xã vùng nông thôn hạ lưu, ta lại nghĩ ngay đến hàng nghìn ngôi nhà và hàng vạn héc ta hoa màu bị hư hại, nhiều gia cầm gia súc bị cuốn trôi và bao nhiêu số phận con người bị rẻ rúng…

Tại sao các đô thị lớn vừa kể cứ bị ngập mấy chục năm nay mà chưa có cách giải quyết, dù nó xây dựng bên những con sông và cửa biển lớn? Sông biển, ao hồ hay kênh rạch và các vùng trũng thấp tồn tại hàng nghìn năm của trật tự tự nhiên, giờ ta lấp đi, ngăn dòng thoát nước mà không xây dựng được cái gì thay thế nó, thì đương nhiên là ngập thôi. Kiến trúc sư tài danh Ngô Viết Thụ trước khi ra nước ngoài đã dặn lại không được mở rộng Sài Gòn về phía nam và đông nam vì sẽ ngăn dòng chảy ra biển. Người ta đã làm sai, đã xây các khu đô thị ở đó, rồi san lấp nhiều kênh mương, ao hồ. Dân số tăng lên, hạ tầng thoát nước không đầu tư đồng bộ, thì hậu quả là khó tránh. Hà Nội, Đà Nẵng, Vinh, Nha Trang, Cần Thơ… cũng trong tình trạng tương tự. Hệ thống thoát nước ra các sông không được mở rộng, nhiều công trình ngăn chặn các dòng chảy tự nhiên và nhân tạo, rác thải không được quản lý, hệ thống cống rãnh không tính toán tương thích với lưu lượng nước mặt và nước sinh hoạt… đã tạo ra các hệ lụy.

Ở các vùng đô thị hóa gần đây của Quảng Nam và nhiều tỉnh dọc quốc lộ 1, theo quan sát của chúng tôi, việc quy hoạch hạ tầng ngầm (cấp thoát nước, điện cáp ngầm…) cũng không được coi trọng vì quyền lợi cục bộ của từng dự án và thiếu hẳn một nghiên cứu, quy hoạch chung về hạ tầng ngầm cho từng vùng. Sau 10 năm nữa, các khu dân cư này cũng sẽ gánh chịu hậu quả của ngập nước cục bộ và cả vấn đề vệ sinh môi trường không kém các đô thị hiện nay.

Kiến trúc sư Ernest Hébrard với trường phái xây dựng Đông Dương từ đầu thế kỷ 20 khi quy hoạch đô thị Đà Lạt với khái niệm “Nhà trong rừng và rừng trong đô thị” đã lấy dòng thác Cam Ly đến hồ Xuân Hương làm trục cảnh quan cho đến nay để giữ nguyên vẻ đẹp của thành phố cao nguyên này. Ông cũng lấy các hồ nước nhỏ dọc trục này là cảnh quan cho các phân khu chức năng… Trường phái xây dựng này đã được áp dụng theo chiều hướng phát triển hiện đại hóa từ châu Âu cuối thế kỷ 19 tại Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng và nó tôn trọng những đặc thù địa lý của mỗi vùng, không chạy theo mô hình ô bàn cờ như trước đó. Theo tôi, trong những quy mô đô thị lúc đó, các nhà quy hoạch Pháp cũng đã rất tôn trọng và giữ lại các ao hồ, nhánh sông để thoát nước; họ cũng xây dựng những cống rãnh tương thích trên mỗi con đường. Tuy đã lạc hậu, nhưng chúng đã tồn tại cả một thế kỷ sau, đến gần đây.

Ngập nước như vấn nạn hiện nay chính là do con người thiếu sự tôn trọng tự nhiên và thiếu nghiên cứu cẩn thận gây ra. Ngập nước do vi phạm các nguyên tắc cơ bản về quy hoạch và quản lý xây dựng ở các đô thị lớn và cả nông thôn.

Nói như nhà văn Ernest Hemingway là, nếu anh không tôn trọng thiên nhiên, thì những cơn cuồng nộ của nó sẽ trả lời cho anh!

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngập!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO