Ngày hội gắn kết các dân tộc

BHƠRIU QUÂN 27/05/2015 09:49

Ngày hội các dân tộc miền Trung năm 2015 tại Nghệ An vừa kết thúc đã để lại những tình cảm gắn bó không thể quên giữa các dân tộc anh em.

Ngày hội thu hút 8/16 tỉnh, thành miền Trung tham gia thực sự là sân chơi bổ ích cho các dân tộc có cơ hội giao lưu, học hỏi văn hóa lẫn nhau. Đoàn Quảng Nam có 41 nghệ nhân, diễn viên và vận động viên của huyện Tây Giang do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín làm trưởng đoàn.

Hoạt cảnh cưới hỏi của dân tộc Cơ Tu và điệu múa tâng tung da dá gây ấn tượng tại Ngày hội các dân tộc miền Trung 2015. Ảnh: B.Quân
Hoạt cảnh cưới hỏi của dân tộc Cơ Tu và điệu múa tâng tung da dá gây ấn tượng tại Ngày hội các dân tộc miền Trung 2015. Ảnh: B.Quân

Hoàng Thị Ngọc Thúy, dân tộc Co ở Quảng Ngãi không ngừng khen ngợi đoàn Quảng Nam trình diễn điệu tâng tung da dá và trang phục Cơ Tu. Ngọc Thúy nói trước đây chỉ biết người Cơ Tu ở Quảng Nam chứ chưa một lần gặp gỡ. “Dân tộc Cơ Tu có một nét văn hóa rất đặc sắc, phong phú và đậm đà, cô gái Cơ Tu múa điệu da dá rất uyển chuyển, thướt tha trong bộ trang phục rất rực rỡ” - Ngọc Thúy nhận xét. Ấn tượng của Thúy cũng như với nhiều thành viên khác tham gia ngày hội là thành viên nhỏ tuổi nhất đến từ Quảng Nam, em Pơloong Thị Lan (17 tuổi). Lan tham gia trình diễn các loại trang phục của dân tộc Cơ Tu. Pơloong Thị Lan tỏ ra rất tự tin với phần trình diễn ở các trang phục lễ hội và trang phục thường, kết quả cả hai phần trình diễn này đều đạt giải A.

Theo ông Alăng Arấy, Giám đốc Trung tâm VH-TT huyện Tây Giang, với truyền thống văn hóa Cơ Tu được tiếp nối, giữ gìn trong nhân dân, Tây Giang được tỉnh chọn tham gia ngày hội lần này là vinh dự lớn cho huyện, bởi thế công tác chuẩn bị hơn hai tháng. Diễn viên của huyện phần lớn còn rất trẻ, am hiểu văn hóa Cơ Tu, nhiệt tình trong tham gia tập luyện. Và mỗi thành viên khi tham gia đều chủ động trang bị các vật dụng liên quan để phục vụ cho đoàn. Nghệ nhân Alăng Sơn, đóng vai già làng đã không ngại lấy trống, chiêng của gia đình mang ra thành phố Vinh và nhắc nhở con gái đầu lòng là Alăng Thị Pari mang thổ cẩm, hạt cườm để diễn trang phục Cơ Tu. Phần trình diễn này, Alăng Thị Pari cũng giành được giải A, đem niềm vui cho cả đoàn Quảng Nam.

Với lối trình diễn mang đậm văn hóa dân tộc Cơ Tu, đoàn Quảng Nam đã thu hút đông đảo người dân xứ Nghệ đến xem và cổ vũ theo nhịp trống chiêng rộn rã. Điệu múa tâng tung da dá được Ban tổ chức Ngày hội cho trình diễn tại lễ khai mạc và bế mạc ngày hội, công diễn phục vụ nhân dân. Ông Mai Ngọc Dung, Phó Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nói thêm: “Nếu không có điệu tâng tung da dá của Cơ Tu Quảng Nam thì ngày hội sẽ giảm nhiều sự hấp dẫn trong cái nóng rát mặt của xứ Nghệ; các bạn đã đem cho ngày hội niềm đam mê thật sự từ trong lòng mình. Mồ hôi trên gương mặt khán giả hôm nay hòa điệu với mồ hôi từ trống chiêng các bạn đem đến...”.

Từ những trò chơi dân gian của các dân tộc Chăm, Co, Hơ Re, Mường, Thái.. đều gắn kết một tinh thần cộng đồng dân tộc sâu sắc trong cùng một nhà Việt Nam. Với người Cơ Tu Quảng Nam, nhất là các nghệ nhân, diễn viên tham gia ngày hội, đây là một sân chơi thật sự bổ ích, cơ hội học tập lẫn nhau góp phần phát triển văn hóa Việt Nam ngày càng tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Hẹn Ngày hội các dân tộc miền Trung 2018 tại phố cổ Hội An, Quảng Nam.

BHƠRIU QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày hội gắn kết các dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO