Ngày hội làng rau

VĨNH LỘC 26/01/2015 09:24

Lần đầu tiên được tổ chức, Ngày hội làng rau Trà Quế do các thành viên Câu lạc bộ “Những người yêu Hội An” kết hợp với người dân tự đứng ra thực hiện đã thật sự tạo ấn tượng mạnh mẽ cho người xem và du khách về mục đích, ý nghĩa mà hoạt động hướng đến.

Kết nối thiện nguyện

Dù chỉ thông báo trên mạng xã hội facebook nhưng Ngày hội làng rau Trà Quế vừa diễn ra cuối tuần qua tại Trà Quế (Cẩm Hà, Hội An) vẫn thu hút sự quan tâm của khá đông bạn trẻ và du khách gần xa, nhất là các tổ chức thiện nguyện và nhóm hoạt động vì môi trường đến từ TP.Đà Nẵng và Hội An. Trên con đường lớn dẫn vào làng rau, không gian hội chợ được bày ra đơn sơ như một phiên chợ quê giữa đồng. Ở đó, người xem bắt gặp hình ảnh những bà, những cô bày biện nào xà lách, tần ô, hành, ngò, cải… tươi xanh mơn mởn chào mời khách. Không gian hội chợ còn được điểm xuyết thêm vài quầy hàng nhỏ của các bạn trẻ bày bán những sản phẩm thủ công, ẩm thực như bún sắn Quế Sơn, bánh in, mứt dừa, cà phê, xà phòng, tinh dầu…, tất cả đều là sản phẩm sạch, có nguồn gốc thiên nhiên và thân thiện với môi trường. Ngoài ra, ngày hội còn có các hoạt động mang tính giải trí, giáo dục về môi trường cho trẻ em, học sinh như chương trình “Cùng em đọc sách”, “Vẽ tranh làng rau Trà Quế”, “Dạy trẻ em cách trồng rau sạch”…

Du khách nước ngoài cũng tham gia hoạt động bán rau. Ảnh: V.L
Du khách nước ngoài cũng tham gia hoạt động bán rau. Ảnh: V.L

Theo chị Trần Thị Hà My – quản lý quán U Café Hội An, hội chợ quê không chỉ có rau Trà Quế mà còn có nhiều gian hàng nhằm thu hút sự tham gia của bạn trẻ cùng người dân để cảm nhận vẻ đẹp và giá trị làng rau, qua đó ủng hộ các hoạt động gây quỹ cho trẻ em nghèo và bảo vệ môi trường. Đến với ngày hội, quán U Café giới thiệu người xem dòng cà phê sạch hoàn toàn từ khâu chăm sóc đến chế biến cũng như nhiều sản phẩm tinh khiết khác. Ngoại trừ người dân, tất cả số tiền thu được từ việc bán sản phẩm tại hội chợ sẽ được dùng gây quỹ từ thiện. Tùy mục đích từng nhóm mà có thể có những việc làm ý nghĩa khác nhau như ủng hộ sách vở, áo quần cho em vùng sâu vùng xa, xây phòng lớp… Riêng số tiền thu được từ việc bán cà phê sạch tại hội chợ sẽ được Câu lạc bộ Đọc sách cùng em (thuộc Trường Đại học Phan Châu Trinh, Hội An) trang bị tủ sách cho các em học sinh làng rau Trà Quế. “Chúng tôi tham gia chương trình này hoàn toàn phi lợi nhuận với mục đích cuối cùng là quảng bá cho sản phẩm làng rau Trà Quế và gây quỹ để xây dựng tủ sách cho trẻ em ở làng” - chị My chia sẻ. Với ý nghĩa cao cả đó, tại ngày hội, dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều du khách cùng hòa nhập vào các hoạt động bán mua thích thú còn làm cho không khí ngày hội thêm rộn rã.

Ông Trần Văn Tuấn, người chủ xướng việc tổ chức ngày hội cho biết, nghề trồng rau Trà Quế không chỉ là sinh kế của người dân mà còn là văn hóa gắn với làng, nếu không gìn giữ đến một lúc nào đó sẽ mất đi, và ý tưởng ngày hội làng rau ra đời. Ngày hội nhằm kết nối người tiêu dùng và nông dân lại với nhau, qua đó cũng nâng cao trách nhiệm của người dân với sản phẩm của mình. “Tôi sinh ra và lớn lên ở làng nên biết cái nghề này không chỉ có từ lâu đời mà còn chứa đựng tri thức bản địa của người dân nên rất độc đáo so với các vùng khác. Nhưng với xu thế và cuộc sống hiện nay, đến một lúc nào đó thì những phương thức trồng rau sạch này cũng sẽ bị thay đổi nên chúng tôi muốn tổ chức hội chợ này để tạo một không khí mới cho việc trồng rau và bán rau thời gian tới” - ông Tuấn nói.

Vực dậy thương hiệu làng rau

Theo ông Tuấn, mặc dù du lịch làng rau Trà Quế đã có tiếng nhưng đầu ra của rau không nhiều, chủ yếu vẫn bán theo phương pháp truyền thống là gánh ra chợ nên người dân vẫn khó khăn, dù rau Trà Quế đã được chứng nhận sản phẩm sạch, an toàn. Hiện tại, làng rau có 264 hộ thì gần 200 hộ đã trồng rau trên tổng diện tích khoảng 18ha nhưng cũng chỉ có 6 hộ tham gia phục vụ du lịch và có hưởng lợi, đa số cuộc sống người dân vẫn bám vào sản phẩm rau. Điều này rất đáng lo ngại nếu 5 năm, 10 năm nữa khi những lao động chính trên vườn rau không còn thì sẽ khó có lực lượng kế thừa do đầu ra sản phẩm ít giá trị, mức thu nhập thấp. “Mình đã được cấp giấy chứng nhận về rau sạch, có logo làng nghề rồi nhưng lại chưa khai thác hết tiềm năng và giá trị của những lợi thế này nên bây giờ phải củng cố, vực dậy thương hiệu để người tiêu dùng hiểu mà dân cũng có lợi” - ông Tuấn cho biết.

Theo KTS. Nguyễn Quang Huân, thành viên Câu lạc bộ Những người yêu Hội An, mục đích cuối cùng của ngày hội là đưa rau Trà Quế đến tận tay người tiêu dùng đúng với giá trị thật của nó. Tuy ý nghĩa tốt đẹp, nhưng thực tế quá trình tổ chức ngày hội vẫn còn những hạn chế nhất định khi số lượng dân tham gia chưa đông dẫn đến sản phẩm còn ít ỏi. “Vì đây là lần đầu tiên tổ chức nên chắc chắn người dân sẽ dè dặt vì chưa thật sự tin tưởng. Sau hội chợ này chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau để có thêm những ý tưởng mới cho các lần sau tốt hơn, hướng đến tổ chức 3 tháng một lần với quy mô lớn hơn cũng như sẽ có những cách thu hút khách đến” - KTS. Huân bộc bạch. Ngoài ra, việc tổ chức hội chợ cũng là cơ hội để các nhà chuyên môn giới thiệu dự án xử lý nước thải tại làng rau Trà Quế, hướng đến quy trình sản xuất rau sạch an toàn, tận dụng chất thải tại chỗ xử lý lại để phục vụ cho chính rau Trà Quế. “Hiện tại nước tại làng rau là nước tự thấm, về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nền đất Trà Quế, chưa nói nước thoát ra các sông sẽ gây ô nhiễm. Đây mới chỉ là ý tưởng, đang trong quá trình nghiên cứu độc lập và sẽ được trao đổi với chính quyền để có kế hoạch triển khai sau này” - KTS. Huân nói thêm.

Dù mới chỉ là sự khởi đầu, nhưng Ngày hội làng rau Trà Quế vẫn tạo nên sự tin tưởng về một sự thay đổi, hứa hẹn mở lối đi cho sản phẩm rau trong thời gian không xa, để tất cả người dân nơi đây thật sự gắn bó và sống được với nghề, góp phần duy trì một thương hiệu làng nghề với niềm tự hào có bề dày hàng trăm năm lịch sử.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày hội làng rau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO