Chúng tôi vừa có dịp ghé thăm Xơ Rơ - một nóc của đồng bào Ca dong nằm ở độ cao hơn 1.000m so với mặt nước biển, thuộc thôn 2, xã Trà Bui, Bắc Trà My. Những mái nhà sàn nằm san sát vắt mình bên sườn đồi quanh năm sương trắng bao phủ. Những năm trước đây Xơ Rơ là nơi “thâm sơn cùng cốc”, giờ đây đã “gần hơn” nhờ những đổi thay...
Theo tương truyền, trước đây có một già làng người Ca dong thấy phong cảnh quá hữu tình, phía trước là dòng sông Tranh quanh năm xanh trong hiền hòa, sau lưng là đỉnh núi cao, đất đai trù phú nên đã quyết định lập làng tại đây. Vì đường đi khó khăn, phải băng rừng, vượt suối, qua những đèo dốc cao hiểm trở nên khi lên tới khu vực được chọn để lập làng, ai nấy đều mỏi mệt, và làng Xơ Rơ có tên từ đó. Nhưng vẫn còn có ý kiến cho rằng, già làng người Ca Dong này có tên là Sa Rơ nên dân làng lấy tên ông để đặt cho tên làng nhằm ghi ơn người đã có công khai cơ lập làng nhưng do sai sót trong quá trình soạn thảo văn bản nên đã đổi tên Sa Rơ thành Xơ Rơ. Đây là ngôi làng mà đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong tập trung đông nhất, được hình thành lâu đời nhất và còn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, cán bộ chuyên trách công tác văn hóa xã Trà Bui (đứng điểm thôn 2) cho biết: “Theo sự hướng dẫn của cấp trên, người dân trong nóc đã chủ động tìm nơi khai hoang ruộng nước, ruộng bậc thang để đảm bảo nguồn lương thực. Hầu hết dân làng đều có tính tự lập và hăng say lao động, biết dự trữ nguồn lương thực nên không bị đói trong mùa giáp hạt. Thanh niên rất ít rượu chè, cờ bạc, tình trạng bạo lực gia đình hầu như không xảy ra, tình làng nghĩa xóm được gắn chặt, tình hình an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội được đảm bảo”.
Những năm trước đây đời sống của đồng bào gặp nhiều khó khăn, nhờ sự quan tâm của Nhà nước cùng sự chịu thương chịu khó, bà con đã khai hoang được hơn 20ha ruộng nước, mỗi năm sản xuất được hai vụ, năng suất bình quân 7 tạ/ha/vụ. Ngoài ra, bà con còn phát nương làm rẫy được gần 70ha, mỗi năm sản xuất được 1 vụ lúa và 1 vụ bắp, năng suất lúa bình quân 1,4 tấn/ha/năm và bắp đạt hơn 1 tấn/ha/năm. Là nóc ở xa xôi, cách trở nhưng số lượng trâu, bò, dê đứng đầu xã. Hiện cả nóc có gần 100 con trâu, hơn 100 con bò. Để đàn gia súc, gia cầm có nguồn thức ăn và không gây ô nhiễm trong khu dân cư, bà con đã xây dựng một khu chăn nuôi tập trung cách xa nóc gần 2 giờ đi bộ. Do vậy cảnh quan môi trường của nóc Xơ Rơ tương đối sạch sẽ.
Ông Nguyễn Văn Nguyết - Trưởng ban nhân dân thôn 2 (xã Trà Bui) cho biết, những năm qua, được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, bê tông hóa giao thông nông thôn, trường học, y tế, chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi thú y, trồng trọt... nên đời sống người dân Xơ Rơ được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên điều kiện đi lại sản xuất, giao lưu hàng hóa ở đây còn nhiều trở ngại. Từ chỗ ở đến nơi sản xuất phải đi bộ 1,5 - 2 tiếng đồng hồ, các mặt hàng nông sản phải vận chuyển bằng sức người, những người già neo đơn, thường hay ốm đau nên tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao. Xơ Rơ hiện vẫn còn 101 hộ thuộc diện hộ nghèo, chiếm hơn 76% trên tổng số hộ.