Năm 13 tuổi tôi chính thức bước chân vào đời. Cha mẹ tôi chia tay, tôi không biết vì lý do gì, chỉ biết trước đó hai người cãi vã nhau không biết mệt. Sau khi ra tòa ly hôn, mẹ dắt tôi về ở với ngoại. Nghỉ hè, tôi xin mẹ lên nhà người bà con trên thành phố để đi bán vé số. Tôi được gia nhập nhóm trẻ em đường phố sau khi bị chúng nó bắt nạt theo kiểu “ma cũ ăn hiếp ma mới” với những trận đòn thử thách. Những đứa trẻ bán vé số như tôi đều có hoàn cảnh bất hạnh, đi cùng bọn chúng, tôi thấy mình hạnh phúc hơn vì còn có mẹ ở quê. Tôi bán vé số rất giỏi nhờ nhanh nhẹn, lợi khẩu và tướng mạo dễ coi. Những đồng tiền kiếm được tôi để dành mua cho mẹ cái áo làm quà, mua cho bà lọ dầu miên. Đó là những món quà mọn nhưng bà và mẹ rất quý, không nỡ dùng, đem cất kỹ như một vật quý giá.
Sau một thời gian, nhóm trẻ bán vé số tôn tôi làm “đại ca” vì bán được nhiều tiền và có chút liều lĩnh. Tôi đầu têu những mánh khóe gian lận. Cả bọn thường tụ họp trên căn gác cũ rạc của Trung nhí, dùng kim khâu khéo léo khui miệng các bì vé số bóc lấy hết các vé trúng thưởng, thay vào vé không trúng thưởng, rồi dùng bàn là ở nhiệt độ thấp ủi các bì vé số bóc ấy, đem bán nhưng chẳng có ai phát hiện ra. Không tham gia nhóm bọn tôi là thằng Quang khùng, nó bán vé số tờ chứ không bán vé số bóc vì không thể tính tiền để thối lại cho khách. Nó bảo bọn tôi: “Chúng mày làm vậy đoản lắm, sẽ gặp quả báo”. Tôi cười mỉa mai. Nhiều lần chứng kiến khách đỏ mặt khi bóc cả mấy chục vé mà không trúng tôi cũng chột dạ. Nhưng quả báo mà thằng Quang khùng nói, tôi không nghĩ nó lại đến nhanh như thế. Phát hiện ra tôi là thằng bé trí trá gian lận, người bà con tức giận đuổi tôi ra khỏi nhà, không chứa chấp nữa. Tôi ôm bọc quần áo ra nằm co ro ở chân cầu. Tôi khóc vì ân hận, vì nhớ mẹ, nhớ bà ở quê.
Trở về với mẹ, cuộc sống chật vật hơn, nhưng tôi vẫn thấy vui. Thời gian rỗi, tôi xin mẹ lên thị trấn đánh giày, nghề này tôi học được từ nhóm bạn trên phố. Đánh giày, tôi kiếm được tiền giúp mẹ trang trải chi tiêu hàng ngày. Có điều ở phố huyện tôi hay bị bạn bè tình cờ bắt gặp, chọc quê, chế giễu. Không hiểu sao thầy giáo chủ nhiệm lớp tôi lại biết tôi đang làm cái nghề mà mình cố giấu giếm. Tôi nhớ có lần trong tiết sinh hoạt lớp, thầy khen tôi biết vượt lên hoàn cảnh, đánh giày kiếm tiền phụ giúp gia đình làm tôi đỏ mặt ngồi như hóa đá trong tiếng cười của cả lớp. Đó không phải là những tiếng cười vui mà là những tiếng cười nhạo. Khi những tiếng cười ấy lắng xuống, thầy giáo đã phá vỡ sự mặc cảm trong tôi, đồng thời cũng mở mắt cho cả lớp hiểu rằng, trong xã hội nghề gì cũng quý trọng như nhau, không nên “nhất bên trọng nhất bên khinh”. Thầy khen tôi đã dũng cảm, “dám đi xuyên qua mặc cảm để chiến thắng nó”...
Nhờ có thầy giáo mà tôi tự tin hơn khi tranh thủ những ngày nghỉ học, đánh giày kiếm tiền giúp mẹ, không e ngại khi phải gặp người quen. Còn bạn bè trong lớp cũng hiểu được hoàn cảnh của gia đình tôi, quý mến tôi hơn. Tôi mang ơn thầy từ đấy. Đã mấy chục năm trôi qua nhưng tôi vẫn nhớ mãi thuở sớm bước vào đời...
THIÊN ÂN