Ngày Tết, nghĩ chuyện quê mình

VU GIA 21/02/2018 22:34

Xứ Quảng có nhiều tập tục mà nghĩ kỹ sẽ thấu cảm bao điều ý nghĩa về văn hóa, tín ngưỡng...

Về quê. Ảnh: HÀ NGUYỄN
Về quê. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Đọc cuốn Văn hóa, tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt, của Leopold Cadiere – Đỗ Trinh Huệ dịch, tôi thấy ông miêu tả tập tục ngày Tết ở vùng ven Kinh thành Huế hồi đầu thế kỷ XX: “Một trong ba ngày Tết, họ trải chiếu hoặc gần chuồng trâu hoặc ở ngoài đồng, đặt trong mâm cúng nồi cơm nhạt, một nắm muối, một bánh đường đen, một thẻ hương, một trăm giấy vàng bạc. Mỗi con trâu đực thì cúng một đòn bánh tét; trâu cái thì cúng bánh chưng. Ngoài cái bánh chưng lớn còn có một cái bánh chưng nhỏ dành cho trâu con còn nằm trong bụng mẹ. Lạy ba lạy xin thần chăm sóc bảo vệ trâu, xua trừ bệnh tật rồi dán vào sừng giấy vàng giấy bạc, đút vào miệng trâu chút ít lễ vật vừa cúng, còn lại thì giao cho mấy chú chăn trâu làm quà. Công việc của năm mới đã bắt đầu dưới sự che chở thuận lợi và sẽ hiệu quả về sau” (T.2, NXB Thuận Hóa, 2010,  tr. 302). Đây là tập tục cúng ông chuồng mà người dân Quảng Nam trên tuổi 60 hầu như ai cũng biết. Nhưng tại sao lại cúng bánh tét với bánh chưng? Người Quảng Nam không nấu bánh chưng, nên thường cúng bánh tét với bánh tổ, hoặc bánh tét với bánh nổ. Tôi hỏi người bác ruột của tôi nay đã 99 tuổi, nhưng còn nhớ khá rõ tục cúng ông chuồng ngày Tết, bác nói xưa bày nay bắt chước. Đối với người nông dân, con trâu là cả một gia tài, nên chuyện gì làm được cho nó thì chủ nhà phải làm. Có thờ có thiêng, có kiêng có lành, chẳng ai bận tâm vì sao phải cúng lễ vật như thế.

Miền Trung nước Việt thời xa xưa thuộc đất Chiêm Thành. Năm 1306, công chúa Huyền Trân của nhà Trần được gả cho Quốc vương Chiêm Thành là Chế Mân, và 2 châu Ô, Lý là đất sính lễ. Khi người Việt vào vùng đất mới sinh sống không thể không ảnh hưởng Hindu giáo của người Chăm. Thực ra, tôn giáo nào cũng vinh danh cái Đẹp, cái Thiện nên không khó hòa nhập với tín ngưỡng dân gian. Và từ xa xưa đến nay, con người luôn cầu mong mưa thuận gió hòa, cơm no áo ấm, con cháu sum vầy… nên người Việt thấy tín đồ Hindu giáo ở vùng đất mới thờ cúng thần dưới hình thức Shiva linga-yoni, nghĩa là thờ cúng biểu tượng Linga và Yoni của thần Shiva để tôn vinh quyền năng sinh sản vô tận, họ không thấy xa lạ, ngược lại còn thấy giống với ước vọng của mình. Người ta gọi đây là tín ngưỡng phồn thực. Thực ra, tín ngưỡng thờ cúng linga/ sinh thực khí nam – yoni/ sinh thực khí nữ của người Việt không phải đợi đến lúc vào 2 châu Ô, Lý mới có. Trên mặt trống đồng, các nhà khoa học đã phát hiện: Hình dáng của trống đồng phát triển từ cối giã gạo; Cách đánh trống theo lối cầm chày dài mà đâm lên mặt trống mô phỏng động tác giã gạo; Tâm mặt trống là hình Mặt trời biểu trưng cho sinh thực khí nam, xung quanh là hình lá có khe rãnh ở giữa biểu trưng cho sinh thực khí nữ…

Như vậy, cái chày – cái cối được người Quảng Nam sử dụng thường ngày, và việc cúng ông chuồng ngày Tết với đòn bánh tét – bánh tổ/ bánh nổ (Quảng Nam)/ bánh chưng (ven Kinh thành Huế) như đã dẫn ở trên, tôi nghĩ cũng liên quan tín ngưỡng phồn thực.

Một trong những tập tục ngày Tết của người Quảng Nam cách đây không lâu cũng đáng cho lớp trẻ học tập. Trong mấy ngày Tết, người người đi thăm nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp, nếu có bồng nựng những đứa trẻ mà gặp phải cháu tiểu tiện lên người thì chẳng ai cau mày khó chịu, trái lại cười vui một cách sảng khoái, cho đó là điềm may mắn, và “khổ chủ” tức thì nhận được những lời chúc mừng rôm rả nhất của những người xung quanh. Với tôi, đây là cách ứng xử có văn hóa nhất mà dường như bây giờ đã nhạt nhòa.

Còn có một tục đẹp ở xứ Quảng ngày xưa. Đó là người Quảng Nam rất kỵ để bếp lạnh, nhất là trong ngày Tết. Ngày Tết, không ai đi xin lửa. Có xin cũng chẳng ai cho, không khéo còn bị… chửi tắt bếp! Ngày Tết, bếp nhà nào cũng có than hồng ủ dưới lớp tro, nếu chưa tới lúc nấu nướng.

“ngũ cốc luân hồi” là chuyện quan trọng đối với sức khỏe con người, nhưng phần lớn dân mình cho là chuyện dơ bẩn không bàn tới. Người Quảng Nam có câu đầu môi: “Ghét như ghét c…”, thậm chí khi viết cũng viết tắt, nếu viết rõ ra thì xem là bất nhã. Những người chuyên lo làm sạch ba chuyện này để môi trường sống thơm tho hơn, ấy mà cũng không được xã hội coi trọng. Tôi nhớ một giai thoại văn học về vua Lê Thánh Tông. Chuyện kể rằng cứ đến ngày giáp Tết, vua Lê Thánh Tông thường ăn mặc giả thường dân, vi hành xem dân chúng chuẩn bị đón năm mới ra sao. Một lần, đứng trước ngôi nhà tồi tàn, không có câu đối dán cửa tống quái, mừng xuân. Ông hỏi chủ nhà mới biết đó là nhà của người làm nghề hốt phân. Cái nghề hèn mọn ấy làm sao dám men tới chữ nghĩa thánh hiền. Lê Thánh Tôn vào nhà, mở tay nải, lấy giấy mực ra viết tặng chủ nhà câu đối: Thân ỷ nhất nhung y, năng đảm thế gian nan sự/ Thủ trì tam xích kiếm, tận thâu thiên hạ nhân tâm (Mình mặc áo nguyên soái, chuyên gánh vác sự khó khăn của thế gian/ Tay cầm ba thước kiếm, thâu hết lòng người trong thiên hạ). Nghe ông giải thích ý nghĩa câu đối, người hốt phân mừng quá, không ngờ cái nghề hèn mọn của mình, kể cả áo quần vá chằng vá đụp và cái dụng cụ hốt phân lại… oai phong như thế!

Hồi nhỏ còn ở quê nhà, tôi nhớ chiều 30 Tết, nhà nào cũng chuẩn bị một mớ lá chanh, lá sả, lá hoắc hương… nói chung những loại lá thơm có trong vườn, để nấu nước tắm gội tất niên. Trước khi đi ngủ, bà nội tôi dặn mọi người kiểm tra chổi và đem vào buồng cất, không để ở ngoài hè như mọi ngày. Nghe nói, đầu năm bị mất chổi sẽ xui rủi suốt năm. Lớn lên, tôi cho đó là chuyện tầm phào của người xưa, nhưng không ngờ sau này đọc đây đó mới biết ở Na Uy cũng có tục lệ như thế khi chuẩn bị đón năm mới. Trước giờ giao thừa, người dân Na Uy cất hết các loại chổi vì sợ mụ phù thủy độc ác sẽ ăn cắp làm “phương tiện bay” đi gieo rắc những điều bất hạnh. Thì ra, trí khôn nhân loại ở đâu cũng thế. Nói như Voltaire (1634-1778): “Những tư tưởng lớn thường gặp nhau”!

VU GIA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngày Tết, nghĩ chuyện quê mình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO